Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thanh tra Bộ Công an triển khai nhiều giải pháp thích ứng an toàn với diễn biến của dịch bệnh

Thanh Thanh

Thứ ba, 14/12/2021 - 06:36

(Thanh tra) - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, Thanh tra Bộ Công an đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo khắc phục mọi khó khăn, triển khai nhiều giải pháp thích ứng an toàn với diễn biến của dịch bệnh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2021.

Thiếu tướng Trần Đức Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ Công an. Ảnh: Thành Công

Tích cực, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ

Thiếu tướng Trần Đức Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ Công an cho biết, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại Việt Nam đến nay, việc triển khai thực hiện các mặt công tác thanh tra trong lực lượng Công an nhân dân (CAND) gặp một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến việc bảo đảm thời hạn báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra, xác minh và ban hành kết luận thanh tra, kiểm tra, quyết định giải quyết khiếu nại (KN), kết luận nội dung tố cáo (TC) cũng như thời hạn, thời hiệu giải quyết KN, TC theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, lực lượng Thanh tra CAND đã tích cực, chủ động tham mưu thủ trưởng công an các cấp và trực tiếp tiến hành có hiệu quả nhiệm vụ công tác, góp phần thực hiện thắng lợi các mặt công tác công an, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của lực lượng CAND, xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh.

Chỉ trong 11 tháng năm 2021, Thanh tra Bộ đã tiếp nhận tổng số 9.404 đơn thư, đã xử lý 9.130 đơn, trong đó có 4.738 đơn thư thuộc trách nhiệm lực lượng công an và 4.392 đơn không thuộc trách nhiệm lực lượng công an giải quyết.

Thiếu tướng Trần Đức Tuấn cho rằng, để phù hợp với tình hình hiện nay, nhiều đơn vị trong ngành Thanh tra đề xuất thực hiện thêm một hình thức, đó là không tiếp xúc trực tiếp với đối tượng thanh tra mà chỉ làm việc qua hồ sơ. Tuy nhiên, cách thức thanh tra không tiếp xúc trực tiếp với đối tượng thanh tra, chỉ làm việc qua hồ sơ, trên thực tế đã được các đoàn thanh tra của Thanh tra Bộ Công an vận dụng thực hiện từ nhiều năm nay, thể hiện qua việc yêu cầu đơn vị được thanh tra bàn giao hồ sơ, tài liệu tại trụ sở làm việc của đơn vị được thanh tra, sau đó đoàn thanh tra trực tiếp nghiên cứu, khi cần thiết, đoàn thanh tra sẽ yêu cầu cán bộ có liên quan làm việc, đối chiếu thực tế và báo cáo, giải trình.

Từ thực tiễn hoạt động thanh tra của Bộ Công an, Thiếu tướng Trần Đức Tuấn cho rằng, đây chỉ là một trong những cách thức được tiến hành đồng thời với các cách thức khác để phục vụ cho hoạt động thanh tra mang tính thời điểm. Cách thức thanh tra này chủ yếu phù hợp khi tiến hành các chuyên để thanh tra có phạm vi hẹp, nội dung, đối tượng thanh tra mang tính tập trung, thông qua hồ sơ, tài liệu có thể đủ cơ sở để kết luận.

Đối với kế hoạch công tác thanh tra năm 2020, 2021 của lực lượng CAND tập trung thanh tra những lĩnh vực công tác dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, có ảnh hưởng đến an ninh, trật tự (ANTT) hoặc đang được dư luận xã hội quan tâm, góp phần chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về ANTT và việc thực hiện nhiệm vụ công tác công an, trong đó có nhiều chuyên đề phạm vi thanh tra rộng, liên quan đến nhiều mặt công tác công an.

Do vậy, để có cơ sở kết luận chính xác, dân chủ, khách quan, trong quá trình thanh tra, ngoài việc đối tượng thanh tra cung cấp hồ sơ, tài liệu để nghiên cứu, thành viên đoàn thanh tra còn làm việc trực tiếp với đối tượng thanh tra, yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình, báo cáo các nội dung còn chưa rõ để phục vụ việc kết luận.

Đối với một số nội dung có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều đầu mối, nhiều tập thể, cá nhân cả trong và ngoài lực lượng công an, đoàn thanh tra còn phải trực tiếp tiến hành xác minh để làm rõ nội dung được thanh tra.

Kịp thời điều chỉnh kế hoạch thanh tra

Thiếu tướng Trần Đức Tuấn cho biết, với chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Công an quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong CAND, căn cứ chỉ đạo của đồng chí Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, Thanh tra Bộ đã rà soát, đánh giá tác động của tình hình dịch Covid-19 đến việc thực hiện các nhiệm vụ công tác thanh tra để đề xuất lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương thực hiện một số giải pháp cấp bách về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC.

Với việc thực hiện các cuộc thanh tra theo kế hoạch đã ban hành thì căn cứ tình hình thực tiễn dịch Covid-19 trong nước và từng địa phương, chủ động thay đổi thời gian triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra cho phù hợp, bảo đảm chấp hành nghiêm các quy định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, chủ tịch UBND các cấp về công tác phòng, chống dịch.

Đối với những địa phương ổn định về tình hình dịch bệnh Covid-19 thì sẽ tiến hành thực hiện trước, đồng thời chủ động điều chỉnh rút ngắn thời gian, phương pháp làm việc phù hợp nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả, khách quan nội dung thanh tra.

Đối với công tác tiếp công dân, thủ trưởng công an các cấp căn cứ tình hình, yêu cầu và các chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương, chủ động trang bị phương tiện, vật tư cần thiết phục vụ công tác phòng dịch tại địa điểm tiếp công dân, bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sĩ và công dân.

Trường hợp có chỉ đạo của chính quyền địa phương về việc tạm dừng tiếp công dân trực tiếp tại trụ sở cơ quan Nhà nước thì tạm dừng việc tổ chức tiếp công dân, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Khi có công dân đến địa điểm tiếp công dân để KNTC, kiến nghị, phản ánh, cán bộ tiếp dân có trách nhiệm hướng dẫn, yêu cầu công dân viết đơn và gửi qua dịch vụ bưu chính để tiếp nhận, xử lý theo quy định, bảo đảm quyền KNTC, kiến nghị, phản ánh của công dân.

Về công tác giải quyết KNTC, căn cứ quy định, chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 ở từng thời điểm và địa phương cụ thể, thực hiện đối với địa phương gồm: Cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh chưa có ca nhiễm Covid-19 hoặc có ca nhiễm nhưng chưa thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc của Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ hoặc chưa siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch dẫn đến khó khăn cho việc đi, đến địa phương thì tiến hành xử lý, giải quyết đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật; đối với địa phương có tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đang thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc của Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ: Trường hợp có thể di chuyển, gặp gỡ, tiếp xúc phục vụ công tác kiểm tra, xác minh thì vẫn tiếp tục xử lý, giải quyết đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh. Trường hợp không thể di chuyển, gặp gỡ, tiếp xúc phục vụ công tác kiểm tra, xác minh thì tạm dừng chưa thụ lý hoặc tạm dừng xác minh, giải quyết để bảo đảm chấp hành nghiêm quy định, chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19.

Các vụ việc tạm dừng chưa thụ lý phải thông báo bằng văn bản cho người KNTC, kiến nghị, phản ánh biết; đối với các vụ việc đã thụ lý và tạm dừng xác minh, giải quyết, thì ngoài việc thông báo cho người KNTC, kiến nghị, phản ánh, phải có văn bản thông báo cho người bị KNTC, kiến nghị, phản ánh và cơ quan, đơn vị quản lý người bị KNTC, kiến nghị, phản ánh biết. Ngay sau khi tình hình dịch bệnh tại địa phương được kiểm soát và có thông báo của cơ quan có thẩm quyền dỡ bỏ giãn cách xã hội hoặc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, các vụ việc KNTC, kiến nghị, phản ánh phải được tiếp tục thụ lý, xác minh, giải quyết. Thời gian tạm dừng chưa thụ lý hoặc tạm dừng xác minh, giải quyết nêu trên không tính vào thời hiệu, thời hạn giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh, Thiếu tướng Trần Đức Tuấn cho biết thêm.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm