Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tập huấn kỹ năng thanh tra các dự án sử dụng vốn ODA

Thứ ba, 08/04/2014 - 15:27

(Thanh tra)- Ngày 7/4, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ (TTCP) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng thanh tra các dự án sử dụng nguồn vốn ODA.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng nhấn mạnh: Hỗ trợ phát triển chính thức là một trong những nguồn vốn quan trọng cho công cuộc xây dựng, phát trển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Những năm qua, Việt Nam đã tiếp nhận một lượng lớn vốn ODA từ nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, trong đó có WB và ADB. “Có thể nói, các dự án có sử dụng vốn ODA đã đem lại hiệu quả cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng”, Phó Tổng Thanh tra khẳng định.

Thực tiễn công tác giám sát việc quản lý, sử dụng vốn ODA tại các địa phương thời gian qua cho thấy, một trong những vấn đề mà các dự án sử dụng nguồn vốn ODA gặp phải liên quan đến việc áp dụng các quy định về quản lý, chi tiêu tài chính. Bản thân các cơ quan chủ quản dự án, hay các ban quản lý dự án và các cơ quan thanh tra đôi khi cũng chưa hiểu rõ, hiểu sâu về những quy định này. Việc áp dụng chưa đúng các quy định hay hiểu chưa đúng về quy định đôi khi không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, chất lượng hoạt động của các dự án mà còn khiến các cơ quan thanh tra hay các cơ quan quản lý hữu quan gặp khó khăn trong quản lý, đánh giá các dự án.

Phó Tổng Thanh tra mong muốn hội nghị sẽ cung cấp thông tin, hướng dẫn cho các địa phương, nhất là cán bộ thanh tra hiểu rõ hơn về việc áp dụng các quy định trong quản lý các dự án sử dụng vốn ODA. Đồng thời, qua hội nghị, các đại biểu đến từ cơ quan quản lý, thanh tra các địa phương chia sẻ, thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, những vấn đề gặp phải trên thực tế.

Tại hội nghị, ông Jesper Petersen, Trưởng phòng Quản lý danh mục dự án đầu tư ADB đã trình bày về Chương trình Quốc gia và danh mục đầu tư WB, ADB tại Việt Nam. Theo ông Petersen, khi đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư thường gặp những trở ngại như việc áp dụng cùng lúc các quy định ODA và các quy định trong nước, nhất là trong lĩnh vực đấu thầu; chậm triển khai khi khoản vay đã có hiệu lực; năng lực của ban quản lý dự án tương đối hạn chế, thiếu chuyên nghiệp; phân cấp trong đấu thầu không đi đôi với năng lực phù hợp… Tất cả những trở ngại này làm chậm tiến độ thực hiện, đôi khi làm phát sinh yêu cầu bổ sung vốn.


Trình bày về vai trò, trách nhiệm của các bên trong quy trình đấu thầu, ông Adu Gyamfi Abunyewa, chuyên gia đấu thấu cao cấp WB, cho biết, bên vay phải lập kế hoạch đấu thầu; quảng cáo về các cơ hội đấu thầu sắp tới; soạn thảo và phát hành hồ sơ mời thầu; tiếp nhận và đánh giá hồ sơ dự thầu; trao thầu; thực hiện hợp đồng; thanh toán cho nhà cung cấp ứng, nhà thầu, tư vấn; giám sát. Bên cạnh đó, ông cũng nêu ra những điểm khác biệt chính giữa các quy định đấu thầu ODA và quy định đấu thầu của Chính phủ.

Phát biểu tham luận, ông Nguyễn Khoa Trương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, đối với gói thầu sử dụng vốn ODA, việc lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định trong hiệp định vay. Trường hợp hiệp định vay quy định thực hiện theo hướng dẫn đấu thầu của Việt Nam thì việc lựa chọn nhà thầu phải tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng 2, Vụ II, TTCP đã chỉ ra một số sai phạm chính khi sử dụng vốn ODA như: Về công tác tư vấn thiết kế, việc thông đồng giữa công ty tư vấn thiết kế và chủ đầu tư để nâng giá trị hợp đồng tư vấn, hối lộ để được hợp đồng tư vấn thiết kế, sai phạm ở khâu này thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị dự toán và giá thành công trình, dự án gây thất thoát lớn khi sử dụng nguồn vốn ODA; sai phạm về công tác đấu thầu ở chủ đầu tư và nhà thầu…

Tại hội nghị, các đại biểu được các chuyên gia đấu thầu giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến tham nhũng trong đấu thầu, vấn đề khiếu nại và xử lý khiếu nại của các nhà thầu; quy tắc ứng xử trong đấu thầu, quyền thanh tra, kiểm toán hồ sơ mời thầu và hợp đồng sử dụng tiền tài trợ… Trong đó, gian lận và tham nhũng trong đấu thầu cực kỳ khó phát hiện, vì các vụ việc này hiếm khi được báo cáo và rất khó để đánh giá phạm vi và mức độ của vấn đề. Vì vậy, khi phát hiện gian lận, cần sử dụng nguồn lực để điều tra và khởi tố, đồng thời phải phòng ngừa gian lận và tham nhũng bằng cách xác định được nguy cơ gian lận; chủ động quản lý các nguy cơ dễ xảy ra tham nhũng… Các cáo buộc về thông thầu hoặc câu kết thông đồng, gian lận hoặc tham nhũng cần được gửi đến các phòng, ban có trách nhiệm của hai ngân hàng và sẽ được giữ bí mật, được giấu tên…

Phát biểu kết luận, Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng ghi nhận những đóng góp tham luận sôi nổi, tích cực, thẳng thắn của các đại biểu. “Qua hội nghị này, những khó khăn, vướng mắc về việc áp dụng các quy định trong quản lý các dự án sử dụng vốn ODA được làm rõ, góp phần cho công tác triển khai các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, cũng như công tác thanh tra, giám sát, đánh giá các dự án đạt hiệu quả cao hơn”, Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Thái Hải

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.

Thu Huyền

21:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm