Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học của ngành Thanh tra

Ngọc Bích (Thực hiện)

Thứ sáu, 02/09/2022 - 06:36

(Thanh tra) - Xác định công tác nghiên cứu khoa học có vai trò đặc biệt quan trọng, trong nhiều năm qua, các lãnh đạo Thanh tra Chính phủ luôn quan tâm và có giải pháp kịp thời để nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học của ngành. Xung quanh vấn đề này, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trần Văn Minh đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Báo Thanh tra.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh. Ảnh: Đình Tuệ

+ PV: Xin ông chia sẻ về sự quan tâm của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đến hoạt động nghiên cứu khoa học trong thời gian qua?

- Ông Trần Văn Minh: Công tác nghiên cứu khoa học có vai trò rất quan trọng, tạo lập cơ sở khoa học cho việc tìm ra các giải pháp trong xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, xây dựng tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực của ngành Thanh tra. Vì vậy, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ qua các thời kỳ luôn quan tâm và có giải pháp kịp thời để nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học của ngành Thanh tra.

Sự quan tâm đó được thể hiện trên rất nhiều phương diện, từ việc kiện toàn tổ chức bảo đảm kinh phí hoạt động nghiên cứu khoa học cho đến lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn.

Trước hết, về kiện toàn tổ chức và nâng cao tính chuyên nghiệp trong nghiên cứu khoa học: Viện Khoa học Thanh tra (nay là Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra) được thành lập năm 2003, đánh dấu sự ra đời của tổ chức nghiên cứu và quản lý khoa học của Thanh tra Chính phủ theo hướng chuyên trách, chuyên nghiệp.

Từ khi thành lập đến nay, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra đã giúp Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra triển khai nghiên cứu 05 đề tài cấp quốc gia, 134 đề tài khoa học cấp bộ, 156 đề tài khoa học cấp cơ sở và nhiều báo cáo kết quả nghiên cứu, khảo sát thực tiễn liên quan đến hoạt động của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra.

Thứ hai, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ luôn quan tâm đến việc hoàn thiện quy định về quản lý và triển khai các hoạt động khoa học, kịp thời ban hành và thường xuyên sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định về quản lý, triển khai đề tài khoa học đáp ứng các yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động khoa học, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện cụ thể của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra. Quy chế về quản lý đề tài khoa học hiện nay bảo đảm chặt chẽ việc xây dựng kế hoạch, triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, đánh giá nghiệm thu thanh quyết toán và tổ chức ứng dụng kết quả nghiên cứu.

Thứ ba, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ luôn quan tâm đến việc kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Khoa học để tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo Thanh tra Chính phủ trong việc xác định định hướng nghiên cứu dài hạn và kế hoạch nghiên cứu hàng năm, bảo đảm hoạt động nghiên cứu khoa học phù hợp với định hướng và nhiệm vụ chính trị của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra.

Hội đồng Khoa học do một lãnh đạo Thanh tra Chính phủ làm Chủ tịch, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng và thành viên là các nhà khoa học, lãnh đạo một số cục, vụ, đơn vị của Thanh tra Chính phủ có bề dày kinh nghiệm.

Các thành viên Hội đồng Khoa học đã phát huy được vai trò của mình trong việc chủ trì và tham gia triển khai nhiều hoạt động khoa học; trực tiếp tham gia vào các hội đồng phê duyệt thuyết minh và các hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu đề tài khoa học.

+ PV: Ông có đánh giá như thế nào về hiệu quả của công tác nghiên cứu khoa học, cũng như việc ứng dụng những kết quả nghiên cứu vào lĩnh vực quản lý Nhà nước về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng?

- Ông Trần Văn Minh: Hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào lĩnh vực quản lý của ngành Thanh tra trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Thứ nhất, về kết quả nghiên cứu khoa học. Nhiều đề tài khoa học đã hình thành cơ sở khoa học phục vụ hoạch định chính sách, chiến lược, hoàn thiện thể chế về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và xây dựng ngành Thanh tra. Trong thời gian qua, nhiều đề án, chiến lược và văn bản quy phạm pháp luật về các lĩnh vực công tác của ngành Thanh tra được ban hành, sửa đổi, bổ sung. Nhiều nội dung trong các văn bản đó từng được đề cập và có thể coi là những kết quả từ hoạt động nghiên cứu khoa học của Thanh tra Chính phủ.

Bên cạnh đó, nhiều đề tài nghiên cứu đã kịp thời đề xuất giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành của Thanh tra Chính phủ. Kết quả nghiên cứu khoa học của Thanh tra Chính phủ cũng là nguồn tư liệu quan trọng phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức trong và ngoài ngành Thanh tra và được sử dụng là tài liệu tham khảo cho nhiều đối tượng khi nghiên cứu về lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Thứ hai, về ứng dụng những kết quả nghiên cứu.

Việc ứng dụng kết quả nghiên cứu các đề tài khoa học thời gian qua khá phong phú. Có những đề tài nghiên cứu do các cục, vụ, đơn vị của Thanh tra Chính phủ chủ trì thực hiện được ứng dụng trực tiếp vào hoạt động nghiệp vụ của đơn vị chủ trì. Nhiều đồng chí là chủ nhiệm đề tài khoa học hoặc tham gia nghiên cứu các đề tài đồng thời là những người trực tiếp tham gia làm thành viên các ban soạn thảo, tổ biên tập xây dựng chiến lược, đề án và văn bản quy phạm pháp luật pháp luật do Thanh tra Chính phủ chủ trì.

Kết quả nghiên cứu các đề tài khoa học còn là tài liệu tham khảo để xây dựng tài liệu phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức ngành Thanh tra; bồi dưỡng, tập huấn về các lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng cho nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương.

Riêng đối với cán bộ thanh tra, việc tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học cũng chính là quá trình nâng cao nhận thức và năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Thứ ba, thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học, năng lực của đội ngũ công chức, viên chức của Thanh tra Chính phủ không ngừng được nâng lên.

Vừa qua, trong năm 2022, Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành xây dựng chuyên đề kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án liên quan đến thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ để giúp Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị; phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương xây dựng chuyên đề và quy định về kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra để trình Bộ Chính trị; trình Bộ Chính trị ban hành Quy chế Phối hợp và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Kiểm soát tài sản, thu nhập, giúp Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ xây dựng Đề án về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa để trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ vừa hoàn thành xây dựng Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) để trình Quốc hội khóa XV trong kỳ họp tới. Những kết quả nói trên thể hiện năng lực nghiên cứu của Thanh tra Chính phủ nhằm đáp ứng yêu cầu của cấp trên.

+ PV: Xin ông cho biết định hướng công tác nghiên cứu khoa học của Thanh tra Chính phủ trong thời gian tới?

- Ông Trần Văn Minh: Định hướng nghiên cứu khoa học của Thanh tra Chính phủ cần bám sát các yêu cầu nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra được thể hiện trong các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chỉ thị của Bộ Chính trị; Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Trong đó, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra tập trung nghiên cứu hoàn thiện cơ chế về kiểm soát quyền lực nhằm phòng chống tham nhũng; xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, vì nhân dân phục vụ; đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong điều kiện mới.

Trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp để nâng cao hơn nữa ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn thông qua việc thực hiện Quy chế Quản lý đề tài khoa học của Thanh tra Chính phủ.

+ PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm