Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nhiều kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác ngành Thanh tra

Phương Hiếu - Nguyễn Nhuần

Thứ năm, 07/07/2022 - 20:00

(Thanh tra) - Tại hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành Thanh tra, nhiều tham luận đã nêu bật những kết quả đạt được trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN). Bên cạnh đó, cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, có nhiều kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác ngành.

Nhiều kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác ngành Thanh tra. Ảnh: LP

Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp: Tăng cường đối thoại trong quá trình giải quyết KNTC

6 tháng đầu năm 2022, tình hình công dân khiếu kiện diễn ra phức tạp, nhưng Ban Tiếp công dân Trung ương đã tăng cường công tác tiếp công dân, phối hợp chặt chẽ với lực lượng an ninh, bảo vệ; chủ động liên hệ với UBND các tỉnh, thành phố có công dân khiếu kiện đông người, phức tạp tại Thủ đô Hà Nội; cử tổ công tác phối hợp, vận động công dân trở về địa phương, tránh để các phần tử cơ hội chính trị lợi dụng lôi kéo, tránh diễn biến phức tạp trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, nhất là trong thời điểm diễn ra Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Để công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC được hiện đồng bộ hơn, đạt hiệu quả cao hơn, Ban Tiếp công dân Trung ương kiến nghị Chính phủ, Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ đạo địa phương tăng cường phối hợp với Ban, Trụ sở Tiếp công dân Trung ương trong việc cung cấp thông tin về tình hình KNTC có dấu hiệu phức tạp ở địa phương; thực hiện nghiêm túc quy định tiếp công dân định kỳ theo Luật Tiếp công dân; tăng cường đối thoại trong quá trình giải quyết KNTC, đặc biệt là các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp để giải quyết ngay từ cơ sở, tránh vượt cấp lên Trung ương; tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ về công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC cho cán bộ, công chức, đặc biệt là thủ trưởng các cơ quan quản lý Nhà nước...

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hồng, Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an: Sớm có hướng dẫn về xử lý trùng lặp, chồng chéo

Công tác thanh tra và PCTN trong Công an nhân dân được tiến hành bảo đảm đúng chương trình, kế hoạch đã đặt ra, nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra đạt chất lượng tốt.

Bộ Công an đã kiện toàn Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực, lãng phí của bộ; ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Công an nhân dân để triển khai đến công an các đơn vị, địa phương thực hiện.

Để bảo đảm công tác thanh tra, PCTN trong Công an nhân dân thời gian tới được tổ chức thực hiện thuận lợi, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, Thanh tra Bộ Công an kiến nghị lãnh đạo TTCP sớm có hướng dẫn thanh tra các bộ, ngành, địa phương về xử lý trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm toán cũng như việc trao đổi, sử dụng kết quả thanh tra, kiểm toán, nhằm bảo đảm không để trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra, kiểm toán và làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra, đối tượng kiểm toán... theo tinh thần của Quy chế Phối hợp ngày 22/9/2021 giữa TTCP và Kiểm toán Nhà nước.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: LP

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn: Tăng cường phối hợp để nắm bắt các vụ việc KNTC đã được giải quyết hết thẩm quyền

Ngay từ bước xây dựng kế hoạch thanh tra, UBND tỉnh đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh bám sát định hướng chương trình thanh tra của TTCP, yêu cầu quản lý của địa phương để xây dựng kế hoạch thanh tra trong toàn ngành và triển khai thực hiện có hiệu quả.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương, của Tỉnh ủy trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, chỉ đạo ngành Thanh tra rà soát vụ việc phức tạp, tồn đọng theo Kế hoạch số 363/KH-TTCP của TTCP.

Đề nghị các cơ quan Trung ương, Ban Tiếp công dân Trung ương tăng cường phối hợp với các địa phương để nắm bắt các vụ việc KNTC đã được giải quyết hết thẩm quyền theo quy định pháp luật để tránh trường hợp vụ việc đã được giải quyết, trả lời nhiều lần nhưng Trung ương tiếp tục chỉ đạo giải quyết, tạo kỳ vọng cho người dân, dẫn đến người dân đeo bám khiếu kiện gây mất ổn định tình hình ở địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận: Cần có biện pháp, chế tài nâng cao hiệu quả thực hiện xử lý sau thanh tra

Vào đầu năm 2022, tại tỉnh Bạc Liêu, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, có trường hợp quá nửa thành viên đoàn thanh tra bị nhiễm bệnh, nên có thời điểm việc triển khai kế hoạch thanh tra chậm so với tiến độ.

Thêm vào đó, nhiều trường hợp doanh nghiệp lợi dụng Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để không hợp tác, phản ánh sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều này ảnh hưởng đến Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh…

Nhằm đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, nâng cao hiệu quả và tiến độ kế hoạch thanh tra, kiến nghị TTCP tổ chức tập huấn, hướng dẫn trước khi triển khai các cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng theo chỉ đạo của TTCP.

Bên cạnh đó, có quy định biện pháp, chế tài để nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện xử lý sau thanh tra.

Chánh Thanh tra tỉnh Bắc Ninh Trần Quang Ứng: Cần có cơ chế phối hợp giữa các cấp, ngành và địa phương

Cùng với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian qua, chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, KNTC trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được tăng cường và nâng cao; đơn thư KNTC có xu hướng giảm. Kiểm soát tốt các hoạt động thanh tra, kiểm tra. Thực hiện nghiêm túc các kết luận, quyết định sau thanh tra, kiểm tra và các giải pháp thực hành tiết kiệm, PCTN, lãng phí...

Thanh tra tỉnh Bắc Ninh kiến nghị TTCP tiếp tục tham mưu cho Chính phủ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), trình Quốc hội phê chuẩn, ban hành làm căn cứ tổ chức thực hiện trong thực tiễn. Có cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành và cơ quan Trung ương với địa phương trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để tránh chồng chéo, trùng lặp. Sửa đổi, bổ sung các quy định, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ đối với các cơ quan thanh tra Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền thanh tra chuyên ngành.

Chủ trì, phối hợp các ngành, địa phương triển khai, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, giải quyết KNTC từ Trung ương đến cơ sở, nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý, chỉ đạo giải quyết các trường hợp KNTC, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm