Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ tư, 17/08/2022 - 22:12
(Thanh tra) - Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) quy định rõ hơn mối quan hệ giữa thanh tra huyện với chủ tịch huyện, giữa thanh tra tỉnh với chủ tịch tỉnh và giữa Thanh tra Chính phủ với Thủ tướng.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: Phạm Thắng
Chiều ngày 17/8, tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
So với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), dự thảo luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này đã được chỉnh lý 87/117 điều (80 điều được chỉnh lý về nội dung, 7 điều chỉnh lý về kỹ thuật văn bản); tăng thêm 1 điều và sắp xếp, bố cục lại các điều, mục trong các chương của dự thảo luật cho hợp lý.
Tính độc lập của thanh tra thế nào?
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra rà soát, báo cáo thêm về quan hệ giữa thanh tra huyện với chủ tịch huyện, UBND huyện; thanh tra tỉnh với chủ tịch tỉnh, UBND tỉnh; Thanh tra Chính phủ với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Ông Huệ đặt một loạt câu hỏi: Tính độc lập của thanh tra về chuyên môn, nghiệp vụ, thể hiện như thế nào trong dự án luật này? Khi kết luận thanh tra có những vấn đề phức tạp thì quyền hạn của trưởng đoàn đến đâu, của Tổng Thanh tra đến đâu? Ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng với vấn đề này thế nào? Trong thực tế hoạt động hiện nay có vướng gì không?
“Có trường hợp nào thanh tra sở chuẩn bị công bố nhưng ủy ban tỉnh hoặc chủ tịch tỉnh chưa đồng ý, cứ để ngâm lại không công bố được không?”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc giải quyết các mối quan hệ này “quan trọng lắm”.
Giải trình sau đó, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, mối quan hệ giữa thanh tra huyện với chủ tịch huyện, giữa thanh tra tỉnh với chủ tịch tỉnh và giữa Thanh tra Chính phủ với Thủ tướng là vấn đề rất được quan tâm khi sửa Luật Thanh tra.
“Luật hiện hành cơ bản đã quy định nhưng dự luật sửa đổi sẽ quy định rõ hơn”, ông Phong nói.
Theo Tổng Thanh tra, tại điều 74 dự thảo quy định theo hướng, “trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình”. “Tức là có tính độc lập ở đây”, ông Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh.
Đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm về kết quả thanh tra
Tiếp lời, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết dự thảo luật đã cố gắng xử lý, phân định được trách nhiệm mang tính chất chuyên môn, đảm bảo tính độc luật của đoàn thanh tra với thẩm quyền của người ra quyết định thanh tra, trong trường hợp này là chánh thanh tra và thủ trưởng cơ quan quản lýNhà nước.
“Về nguyên tắc, đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm về kết quả thanh tra của mình. Tức là anh đi thanh tra, anh thấy vi phạm, anh phải kết luận. Nếu anh kết luận không vi phạm thì anh cũng phải chịu trách nhiệm chuyện đó”, ông Tùng nói.
Cũng theo ông Tùng, thành viên đoàn thanh tra, trưởng đoàn thanh tra đều có quyền bảo lưu ý kiến về nội dung kết luận thanh tra, thể hiện bằng văn bản kèm theo dự thảo kết luận thanh tra...
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý dự thảo luật cần làm rõ hơn quy trình thanh tra, việc công bố, thực hiện kết luận thanh tra có các khâu, các bước cụ thể... Việc gì phải xin ý kiến, việc gì cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên có quyền chỉ đạo, điều hành theo thẩm quyền của mình.
“Phải làm rõ tính độc lập của đoàn thanh tra, của cơ quan thanh tra và tính độc lập này gắn với chịu trách nhiệm theo pháp luật”, ông Định nói rõ.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng dẫn lại quan điểm đã được Tổng Bí thư nêu tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cơ quan thanh tra, thanh tra viên, đoàn thanh tra phát hiện sai phạm trong quá trình thanh tra mà không xử lý thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
3 trường hợp được thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đề nghị cho giữ thanh tra huyện như Chính phủ trình và ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp căn cơ, đồng bộ để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của thanh tra huyện thời gian qua.
“Trước hết cần khẩn trương kiện toàn tổ chức, biên chế, bảo đảm các điều kiện cần thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để thanh tra huyện có đủ năng lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao”, ông Tùng nói.
Về việc dự thảo luật quy định thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, quan điểm của Thường trực Ủy ban Pháp luật là nhằm tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho hoạt động thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan này.
Đặc biệt, việc thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ về thực chất không làm phát sinh tổ chức, biên chế mới.
Sau khi luật này có hiệu lực thi hành, không phải ở tất cả các tổng cục, cục thuộc bộ hiện đang được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đều sẽ thành lập tổ chức thanh tra.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ quy định về việc thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ trong dự thảo luật.
Đồng thời, để việc thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ được chặt chẽ hơn, đề nghị quy định rõ trong luật các tiêu chí, nguyên tắc thành lập.
Cụ thể: Thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ được thành lập trong 3 trường hợp: (1) Theo quy định của luật; (2) tại các tổng cục, cục thuộc bộ có phạm vi đối tượng quản lý Nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ quy định trên cơ sở đề nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ sau khi thống nhất với bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; (3) theo yêu cầu của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Vấn đề nữa liên quan đến thanh tra sở. Ông Tùng cho hay, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội quy định theo hướng:
“Thanh tra sở được thành lập tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ. Việc thành lập thanh tra tại các sở khác do UBND cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao”.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Năm 2024, hoạt động thanh tra, kiểm tra trên địa bàn thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang tiếp tục được tăng cường. Qua thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các hạn chế, thiếu sót, không để phát sinh hành vi tham nhũng.
Cảnh Nhật
11:28 23/11/2024(Thanh tra) - Chiều ngày 22/11/2024, Thanh tra tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Gặp mặt tri ân các thế hệ lãnh đạo ngành Thanh tra tỉnh qua các thời kỳ nhân kỷ niệm 79 năm ngày truyền thống Thanh tra Việt Nam.
Lê Hữu Chính
10:23 23/11/2024Lâm Ánh
10:12 23/11/2024Thái Hải
22:15 22/11/2024Phương Anh
21:53 22/11/2024Hoàng Nam
21:38 22/11/2024Cảnh Nhật
Hương Giang
Văn Thanh
Hương Trà
Lê Hữu Chính
Chu Tuấn - Quang Danh
H.Trang
Văn Thanh
Bùi Bình
Trung Hà
Bùi Bình