Cần thiết phải nghiên cứu Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh: Sau gần 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Thanh tra đã không ngừng phấn đấu vươn lên hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao trong các lĩnh vực thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN), đóng góp có hiệu quả vào hoạt động quản lý Nhà nước, góp phần ổn định tình hình trật tự xã hội, phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, với sự phát triển của nền kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, công tác thanh tra đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc cả về tổ chức và hoạt động, làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra và chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước trong tình hình mới. Đáng lưu ý, hàng năm, ngành Thanh tra tiến hành hàng vạn cuộc thanh tra, phát hiện số lượng sai phạm lớn, nhưng các cuộc thanh tra vẫn còn nặng về thanh tra vụ việc, mà chưa chú trọng đúng mức đến việc phát hiện và kiến nghị các vấn đề nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách. Hiệu lực thực hiện các kiến nghị thanh và việc thu hồi tài sản phát hiện qua thanh tra còn thấp. Đặc biệt là sự chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán Nhà nước, giữa các tổ chức thanh tra Nhà nước với nhau. Trong giải quyết KN,TC, mặc dù, pháp luật quy định trách nhiệm giải quyết thuộc về thủ trưởng cơ quan hành chính, thanh tra chỉ là cơ quan tham mưu cùng với cơ quan chuyên môn, nhưng thực tế các cơ quan thanh tra bị nhiều sức ép, chưa tập trung thực hiện công tác thanh tra trách nhiệm. Nội dung quản lý Nhà nước về PCTN chưa được làm rõ, nên quyền hạn thanh tra còn hạn chế, gây khó khăn trong việc xác định hành vi tham nhũng để chuyển cơ quan điều tra. Tổng Thanh tra cũng nêu nguyên nhân của những hạn chế, bất cập đó, trước hết xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ về bản chất của hoạt động thanh tra, về mục đích thanh tra cũng như do các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động thah tra còn chưa phù hợp.Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, Chiến lược sẽ xác định phương hướng, mục tiêu và giải pháp thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác thanh tra trên cơ quan xác định đúng và đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan thanh tra trong việc giám sát các hoạt động hành chính. Cụ thể, cần nâng cao vị trí, vai trò, thẩm quyền, tính độc lập tương đối của các cơ quan thanh tra Nhà nước và kiểm soát việc thực thi quyền lực Nhà nước, đủ thẩm quyền để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về thanh tra. Cơ quan thanh tra theo cấp hành chính chuyển mạnh sang thực hiện chức năng giám sát và thanh tra hành chính, tăng cường thanh tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công việc, việc thực hiện pháp luật về PCTN. Cần xây dựng cơ chế kết hợp tổ chức hoạt động giữa thanh tra và kiểm tra Đảng, cơ chế phối hợp giữa thanh tra và kiểm toán Nhà nước, cơ chế phối hợp giữa cơ quan thanh tra và cơ quan điều tra. Mở rộng đối tượng, phạm vi hoạt động thanh tra để thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Bên cạnh đó, cần đánh giá, đào tạo cán bộ, công chức ngành Thanh tra. Đầu tư hiện đại hóa cơ sở, vật chất, kỹ thuật, phương tiện làm việc phục vụ công tác thanh tra. Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thái HảiCần độc lập về chức năng, vai trò, nhiệm vụTại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về xác định mục đích, bản chất, vị trí, vai trò và hoạt động của cơ quan thanh tra trong việc giám sát và kiểm soát việc thực hiện thực thi quyền hạn hành pháp; vị trí, vai trò các cơ quan thanh tra Nhà nước trong hệ thống các cơ quan hành pháp; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra trong công tác PCTN; trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan thanh tra trong việc giải quyết KN,TC; mô hình các cơ quan thanh tra Nhà nước theo tinh thần Hiến pháp 2013; vai trò của cơ quan thanh tra công vụ đối với việc nâng cao hiệu quả của hoạt động công vụ…Tham luận tại hội thảo, GS.TSKH Đào Trí Úc - Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam nhận định, chúng ta cần một chức năng kiểm soát Nhà nước trong lĩnh vực hành pháp. Đồng thời, phân biệt được chức năng kiểm soát của cơ quan thanh tra với các cơ quan kiểm soát khác. GS.TSKH Đào Trí Úc cho rằng, đã là thanh tra thì phải độc lập về chức năng, nhiệm vụ và phải có thẩm quyền. Vì vậy, cần phải xây dựng cơ chế thanh tra và có sự rành mạch về chức năng, nhiệm vụ nhưng phải độc lập, độc lập để phối hợp. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải xây dựng thiết chế một cơ quan thanh tra gắn với quyền công dân. Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam cũng cho rằng, xác định vị trí, vai trò của ngành Thanh tra trong xây dựng Chiến lược ngành cần xem xét đến cơ chế độc lập trong kiểm soát quyền hành pháp đối với ngành Thanh tra và vấn đề này cần được xem xét và làm rõ khi xây dựng thiết chế của Nhà nước nhằm đảm bảo quyền bảo vệ quyền con người của công tác thanh tra, trong nhiệm vụ tham mưu và quản lý Nhà nước.Vấn đề chiến lược, GS.TSKH Đào Trí Úc đề nghị phải xác định được sứ mệnh, mục đích, bản chất, vị trí vai trò của cơ quan thanh tra trong việc giám sát và kiểm soát việc thực thi quyền hành pháp.Bàn vai trò của cơ quan thanh tra trong việc giải quyết KN,TC, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn - TS Nguyễn Văn Thanh khẳng định: Việc xây dựng chiến lược ngành là hết sức cần thiết và việc xác vai trò trách nhiệm của cơ quan thanh tra lại trở nên cần thiết hơn trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, vai trò của cơ quan thanh tra trong giải quyết KN là rất quan trọng, nhất là ở cấp tỉnh. Bởi, theo phân cấp, cấp tỉnh là cấp giải quyết lần 2 với 80% KN liên quan đến đất đai. Vấn đề hiệu lực, hiệu quả trong giải quyết KN,TC nên đặt trong vấn đề hiệu lực, hiệu quả chung của nền hành chính Nhà nước.Bên cạnh đó, sự mất cân đối giữa giải quyết vụ việc với việc tham mưu giải quyết, tổng công suất và sự quan tâm dành cho các vụ việc cụ thể lớn hơn và lực lượng thanh tra cấp huyện còn rất mỏng và yếu nên Phó Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn cho rằng, cấp huyện không nên có cơ quan thanh tra, tổng biên chế cấp huyện nên chuyển về thanh tra cấp tỉnh và thanh tra chuyên ngành. Đồng thời, nếu có thể gắn công thanh tra với công tác kiểm tra của Đảng thì càng tăng thêm hiệu quả.TS Nguyễn Văn Thanh kiến nghị TTCP, ngoài quản lý Nhà nước, khi giải quyết KN,TC nên tổ chức hội đồng; tiến hành sửa luật; phải có cơ chế hoạt động cụ thể để giải quyết lợi ích cho người dân. Quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan thanh tra không nên có thay đổi lớn nhưng cần có thay đổi về tổ chức và phương thức giải quyết KN,TC. Tăng cường mối quan hệ gữa Uỷ ban Kiểm tra T.Ư với cơ quan thanh tra.Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh phát biểu chỉ đạo hộithảo. Ảnh: Thái HảiCũng tại hội thảo, PGS.TS Bùi Xuân Đức, T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, hoạt động thanh tra còn nhiều vấn đề phải bàn như chức năng, nhiệm vụ, vai trò, vị trí, mối quan hệ giữa các cơ quan kiểm toán, kiểm soát. Vì vậy, tinh thần chung là muốn đẩy mạnh hoạt động của ngành có hiệu quả thì phải làm rõ những vấn đề đó, đặc biệt là vai trò, vị trí của ngành Thanh tra.Với tham luận, mô hình các cơ quan thanh tra Nhà nước theo tinh thần Hiến pháp 2013, GS.TS Trần Ngọc Đường, chuyên gia cao cấp của Quốc hội cho rằng, TTCP vẫn tổ chức theo mô hình cũ, đó là phương tiện, cách thức quản lý Nhà nước đã ăn đậm vào mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra.Phát biểu tại hội thảo, Tổng Thanh tra đánh giá cao các ý kiến tham luận của các đại biểu. Các ý kiến đã xác định vị trí, chức năng, hiệu quả hoạt động của hoạt động thanh tra và thực hiện kết luận sau thanh tra. Đồng thời, Tổng Thanh tra cũng tiếp thu các ý kiến về việc xây dựng mô hình cơ quan thanh tra. “Chúng ta không đổi mới, thì các hoạt động ngành Thanh tra sẽ không có hiệu quả; ngoài ra, chúng ta cần phân định rõ về thẩm quyền, tính độc lập, quản lý ngành và chất lượng đào tạo cán bộ, vì đây chính là quyền định chất lượng ngành. Lãnh đạo TTCP cần phải làm thế nào để trao đổi, xây dựng chiến lược, thay đổi được Hiến pháp, các luật, nếu không có tiếng nói độc lập thì hoạt động thanh tra sẽ không phát triển được”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh. Ngoài ra, Tổng Thanh tra cũng lưu ý một số vấn đề khi xây dựng chiến lược, đó là xác định bản chất vị trí chức năng của cơ quan thanh tra trong hệ thống hành chính, hành pháp Nhà nước; hoạt động ngành Thanh tra sẽ mang hiệu quả trong hoạt động quản lý Nhà nước như thế nào; mô hình tổ chức bộ máy Nhà nước của thanh tra chuyên ngành; biên chế tổ chức, đào tạo cán bộ thanh tra như thế nào để đảm bảo hoạt động thanh tra có hiệu quả; chức năng của người đứng đầu cơ quan thanh tra để thực hiện chức năng thanh tra; mối quan hệ giữa cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm tra, kiểm soát Nhà nước…Thái Hải