Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Năm 2023: Tập trung thanh tra các ngành, lĩnh vực, địa phương phát sinh nhiều vị phạm, tiêu cực, tham nhũng

Phương Anh

Thứ hai, 17/10/2022 - 14:51

(Thanh tra) - Năm 2023, Thanh tra Chính phủ (TTCP) và toàn ngành Thanh tra tăng cường công tác thanh tra công tác quản lý Nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương phát sinh nhiều vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC), dư luận có nhiều ý kiến...

Thanh tra Chính phủ yêu cầu hoạt động thanh tra bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm

Hoạt động thanh tra bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm

TTCP vừa có Văn bản số 1832/TTCP-KHTH  về định hướng chương trình thanh tra năm 2023.

TTCP yêu cầu hoạt động thanh tra bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành. Tiếp tục đổi mới phương pháp tiến hành thanh tra, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra, bảo đảm tiến độ các cuộc thanh tra được thực hiên theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra công tác quản lý Nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao; tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương phát sinh nhiều vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, nhiều đơn thư KNTC, dư luận có nhiều ý kiến... Thanh tra các cấp ngành cần phối hợp chặt chẽ trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế...

Về công tác thanh tra, năm 2023, TTCP thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trên các lĩnh vực quan trọng, chủ yếu, cơ bản của bộ để góp phần chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước, phát hiện, phòng ngừa, xử lý vi phạm và hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra.

Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác quản lý đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng đất đai; khai thác tài nguyên, khoáng sản; thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC, phòng chống tham nhũng (PCTN).

Tiếp tục thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (theo Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 11/9/2022 của Chính phủ); thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở (theo Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ) tại một số bộ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thanh tra công tác quản lý và thực hiện các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai tại đô thị và thanh tra việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác  gắn liền với đất tại khu vực đô thị (theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 6/12/2019 của Chính phủ); thanh tra việc chấp hành pháp luật về hoạt động tín dụng, đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm trang thiết bị tại ngân hàng cổ phần Nhà nước.

TTCP phối hợp với Bộ Công an nắm tình hình thực hiện một số dự án hạ tầng giao thông lớn. Thanh tra chuyên đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng; tiếp tục thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn tiền từ trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời thanh tra vụ việc khác theo yêu cầu, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN tiêu cực; thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; kiểm tra, đốc việc thực hiện kết luận thanh tra thuộc thẩm quyền.

Đinh hướng chương trình thanh tra năm 2023 cũng nêu rõ, thanh tra bộ sẽ thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị cá nhân thuộc bộ, bao gồm thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết KNTC, PCN của thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc bộ; thanh tra dự án đầu tư, quản lý vốn, mua sắm tài sản của các đơn vị trực thuộc bộ.

Thanh tra bộ sẽ thanh tra các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn kỹ thuật, quản lý ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của bộ; thanh tra theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ thị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, Thủ tướng Chính phủ; thanh tra việc quản lý vốn, tài sản, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước do bộ trưởng quyết định thành lập (nếu có)...

Thanh tra tỉnh, thành sẽ thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của sở, ngành cấp tỉnh, trong đó cần tập trung vào những nội dung quan trọng, lĩnh vực dư luận xã hội quan tâm; thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, KNTC, PCTN của giám đốc sở và chủ tịch UBND cấp huyện...

Thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của UBND của UBND cấp huyện, tập trung thanh tra các dự án đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng đất đai; quản lý và khai thác tài nguyên, khoáng sản; việc mua bán, chuyển nhượng, mua sắm tài sản công; việc quản lý và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường kiểm tra, thanh tra pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Thanh tra chuyên đề việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng. Thanh tra theo yêu cầu của chủ tịch UBND tỉnh; thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; thanh tra lại, kiểm tra tính chính xác, khách quan các kết luận thanh  tra của sở, huyện...

Phấn đấu tỷ lệ trên 90% thực hiện các quyết định giải quyết KN,TC

Đối với công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, TTCP yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC, nhất là Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết KNTC; Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân...

TTCP yêu cầu bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC; nghiêm túc thực hiện chế độ tiếp công dân định kỳ và đột xuất; công khai lịch tiếp công dân trên cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan...

Thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC; chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm,đúng pháp luật các vụ việc KNTC mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; thực hiện tốt các quyết định giải quyết KN, quyết định xử lý TC đã có hiệu quả pháp luật, phấn đấu tỷ lệ trên 90%... Giải quyết dứt điểm các vụ việc KNTC đông người, phức tạp kéo dài, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân...

Đối với công tác PCTN, triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN, nhất là Chỉ thị số 33-T/TW ngày 3/1/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản, các quy định về công khai, minh bạch của Luật PCTN; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng...

Tập trung thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện pháp luật về PCTN, nhất là công tác kê khai tài sản, xác minh tài sản, thu nhập của  nười có chức vụ, quyền hạn...

Tăng cường thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dự luận về tham nhũng như: đất đai, tài nguyên khoáng sản; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan..

Đối với công tác xây dựng ngành, định hướng công tác thanh tra năm 2023 của TTCP nêu rõ, TTCP tập trung triển khai Luật Thanh tra (sửa đổi) sau khi được ban hành và xây dựng ban hành các nghị định hướng dẫn, thi hành Luật Thanh tra, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, KNTC và PCTN.

Thanh tra các cấp, các ngành tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Nghị quyết 26-NQ-TW  ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, trong đó chú trọng xây dựng tổ chức bộ máy đào tạo, thực hiện chế độ, chính sách để thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước và các hoạt đông nghiệp vụ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.

Thu Huyền

21:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm