Theo dõi Báo Thanh tra trên
(Thanh tra) - Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Thanh tra tỉnh diễn ra vào chiều nay (6/1).
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Vũ Linh
Báo cáo tại Hội nghị, trong năm 2024, ngành Thanh tra Lâm Đồng tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực. Việc thực hiện thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN, tiêu cực theo quy định.
Về kết quả thanh tra năm 2024, đã bám sát định hướng chương trình thanh tra, hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ về xây dựng kế hoạch thanh tra, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh, UBND tỉnh và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, ngành Thanh tra Lâm Đồng đã tham mưu xây dựng, ban hành và triển khai hoàn thành kế hoạch thanh tra.
Đồng thời, tiến hành thanh tra đột xuất, tập trung thanh tra công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, có nhiều KNTC, dư luận xã hội quan tâm. Trong đó, Thanh tra tỉnh tập trung thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của các sở, UBND các huyện, thành phố và thanh tra chuyên đề diện rộng theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ; tham mưu xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.
Kết quả, toàn ngành Thanh tra Lâm Đồng đã triển khai 147 cuộc thanh tra hành chính và 495 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, đã phát hiện sai phạm với số tiền hơn 40 tỷ đồng. Ngoài ra, kiến nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế và chuyển cơ quan điều tra 6 vụ việc.
Trong kỳ, công tác xử lý sau thanh tra được quan tâm thực hiện. Toàn ngành đã tiến hành theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 211 kết luận thanh tra. Trong đó, có 102 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện, đã thu hồi nộp ngân sách Nhà nước hơn 30 tỷ đồng, xử lý khác hơn 4,4 tỷ đồng. Đồng thời, kiến nghị xử lý hành chính đối với các tổ chức, cá nhân theo quy định.
Đối với công tác tiếp công dân, đã thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tiếp công dân. Qua tiếp công dân, kịp thời hướng dẫn, giải thích, thuyết phục để người dân hiểu và chấp hành pháp luật; hướng dẫn người dân gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; chuyển, chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thụ lý giải quyết theo thẩm quyền đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh của người dân theo quy định.
Trong kỳ, các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã tiếp 2.595 lượt công dân với 3.322 người được tiếp. Trong đó, tiếp thường xuyên 1.503 lượt/1.786 người, tiếp định kỳ và đột xuất của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị là 1.092 lượt/1.536 người; tiếp 42 đoàn đông người với 543 người.
Nội dung KNTC, kiến nghị, phản ánh chủ yếu tập trung trong lĩnh vực đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trật tự xây dựng; xử lý đơn… Qua tiếp công dân đã hướng dẫn, giải thích và tiếp nhận các vụ việc để giải quyết theo thẩm quyền quy định.
Sau khi nghe báo cáo, thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái đã ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của ngành Thanh tra trong năm 2024. Theo ông Trần Hồng Thái, năm 2024, ngành Thanh tra đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, thể hiện trên các mặt công tác như quản lý Nhà nước; công tác thanh tra; tiếp công dân, xử lý đơn; tham mưu giải quyết KNTC, PCTN, tiêu cực và các mặt công tác khác. Qua đó, đã phục vụ tốt cho công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng thẳng thắn nêu ra một số tồn tại, hạn chế để toàn ngành Thanh tra tỉnh rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp khắc phục trong năm 2025.
Thứ nhất, một số cuộc thanh tra còn kéo dài, quá thời hạn luật định; một số kết luận thanh tra chất lượng còn hạn chế, chưa kịp thời phát hiện các sai phạm hoặc việc kiến nghị xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan còn chưa cụ thể, kết quả xử lý chưa nghiêm, chưa tương xứng với hành vi vi phạm đã được kết luận; có cuộc thanh tra thực hiện chưa đúng thẩm quyền, phải đình chỉ; công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra còn hạn chế, hiệu quả chưa cao; việc xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm qua thanh tra còn lúng túng.
Thứ hai, trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, nhiều Thủ trưởng tại một một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện tốt. Vẫn còn sự đùn đẩy trách nhiệm lên trên, để đơn thư vượt cấp. Chất lượng tham mưu giải quyết một số vụ việc còn chậm, vẫn còn tình trạng tham mưu xử lý đơn thư của người dân chưa đúng quy định, đã có kết luận lại phải thu hồi xử lý lại.
Thứ ba, trong công tác PCTN, các vụ việc tham nhũng tiêu cực được phát hiện qua thanh tra còn ít, mặc dù qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện sai phạm nhiều về tài chính. Một số vụ việc chuyển cơ quan điều tra còn chưa đúng, sau khi cơ quan điều tra rà soát thì không thể khởi tố.
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác quản lý Nhà nước; công tác thanh tra; tiếp công dân; giải quyết KNTC và PCTN, tiêu cực. Trong đó, thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể:
Một là, quán triệt thực hiện nghiêm công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng và kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Thanh tra và trên các lĩnh vực công tác theo đúng chức năng, nhiệm vụ của ngành. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa. Thực hiện nghiêm việc kiểm soát quyền lực PCTN, tiêu cực trong công tác kiểm tra, thanh tra.
Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05, ngày 3/10/2024 của UBND tỉnh về nâng cao vai trò, trách nhiệm, chất lượng hiệu quả tham mưu, đề xuất giải quyết công việc của các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh nhằm giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, nhiệm vụ tồn đọng.
Hai là, trong công tác thanh tra tổ chức thực hiện hoàn thành xuất sắc kế hoạch thanh tra của tỉnh năm 2025 đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, thường xuyên theo dõi cơ quan, đơn vị, địa phương nơi có nhiều dấu hiệu vi phạm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để triển khai tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thanh tra đột xuất, đảm bảo các quy định của Luật Thanh tra, nhằm kịp thời, phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định.
Chú trọng rà soát, khắc phục triệt để việc chồng chéo, trùng lặp trong quá trình thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, góp phần tạo môi trường thuận lợi, minh bạch nhằm thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Rà soát, tổ chức thực hiện dứt điểm các kết luận thanh tra, trong đó chú trọng xử lý dứt điểm Kết luận số 672 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế xã hội tại địa phương và các kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Ba là, đối với công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, thực hiện nghiêm các chỉ thị của Bộ Chính trị, Trung ương, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC. Đồng thời, ngành Thanh tra tỉnh cần hoàn thiện quy chế tiếp công dân, việc tiếp công dân phải được thực hiện theo đúng trình tự, quy trình, quy định của pháp luật.
Bốn là, trong công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực, phải tổ chức thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh có liên quan đến công tác PCTN, tiêu cực, nhất là Kế hoạch số 10051/KH-UBND ngày 14/11/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 11/10/2023 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia PCTN, tiêu cực đến năm 2030.
Thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, lãng phí, tiêu cực. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của pháp luật. Qua hoạt động của Ngành, kịp thời phát hiện, chuyển cơ quan điều tra đối với các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định - trên nguyên tắc “tích cực, khẩn trương, làm rõ đến đâu xử lý đến đó”, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”…
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái yêu cầu ngành Thanh tra tỉnh phải thực hiện đúng theo lời căn dặn của đồng chí Tổng Bí Thư Tô Lâm “Xác định công tác của ngành Thanh tra đảm bảo việc thực thi pháp luật phải hiệu lực, hiệu quả, tuy nhiên cần hạn chế tối đa các bất ổn của xã hội, góp phần ổn định để phát triển”.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng nhấn mạnh, "Thanh tra tỉnh phải là đầu mối xuyên suốt điều hành cho các hoạt động thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, qua công tác thanh tra, ngành Thanh tra phải cần rà soát việc thực thi pháp luật, nếu thấy có bất cập xã hội thì kiến nghị Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND và các cơ quan liên quan kịp thời có thay đổi chính sách phù hợp để phục vụ người dân, doanh nghiệp, cộng đồng tốt hơn”.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Trong năm 2024, công tác thanh tra tại tỉnh Hà Giang đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc phát hiện và chấn chỉnh các sai phạm trong quản lý tài chính, kế toán, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản và đất đai. Qua đó, không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của người dân mà còn góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước.
Bùi Bình
(Thanh tra) - Mới đây, ông Hoàng Xuân Ánh – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Quyết định số 1851/QĐ-UBND, theo đó, toàn ngành Thanh tra tỉnh sẽ tổ chức thực hiên 88 cuộc thanh tra trong năm 2025.
Đông Hà
Hải Hà
Hải Hà
Nam Dũng
Trọng Tài
PV
Hương Giang
Nhật Minh
Minh Tân
Chu Tuấn
Bùi Bình
Thu Huyền
Văn Thanh
Thu Huyền
Bùi Bình
Hương Giang