Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kinh nghiệm đẩy nhanh tiến độ ban hành kết luận thanh tra - Nhìn từ Cục I

Phương Hiếu

Thứ năm, 04/01/2024 - 14:35

(Thanh tra) - Trong các cuộc họp giao ban lãnh đạo cấp vụ, Tổng Thanh tra luôn nhấn mạnh việc lựa chọn công chức có trình độ, năng lực, kinh nghiệm, có tinh thần trách nhiệm cao tham gia đoàn thanh tra là một trong những điều tiên quyết giúp thực hiện cuộc thanh tra bảo đảm tiến độ. Đây cũng là kinh nghiệm được rút ra từ thực tế tại Cục Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 1 (Cục I) trong thời gian qua.

Quang cảnh cuộc họp tổng kết công tác năm 2023 của Cục I. Ảnh: LP

Đánh giá kết quả công tác năm 2023 của Cục I, Phó Tổng TTCP Dương Quốc Huy nhấn mạnh: “Đây là đơn vị hiếm hoi của TTCP không có kết luận thanh tra bị tồn đọng so với kế hoạch được duyệt. Có được thành quả này do sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tổng Thanh tra cùng với sự vào cuộc của Cục trưởng, đơn vị đã chuẩn bị cẩn thận, chu đáo, chi tiết từ đề cương khảo sát đến xây dựng kế hoạch thanh tra. Cùng với đó là các cuộc thanh tra được triển khai có trọng tâm, trọng điểm; kế hoạch thanh tra bài bản, rõ ràng; kết luận thanh tra đủ căn cứ pháp lý…”.

Theo Cục trưởng Cục I Nguyễn Đức Hải, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), công tác quản lý Nhà nước, ngay sau khi định hướng thanh tra được phê duyệt, Cục I kịp thời đôn đốc thanh tra các tỉnh, thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch để trình UBND tỉnh phê duyệt, đảm bảo thời gian và tiến độ theo quy định. Đồng thời, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao bảo đảm chất lượng, hiệu quả và đúng thời gian quy định.

Chia sẻ làm thế nào để đạt hiệu quả công việc cao, ông Hải cho biết “nói đó là kinh nghiệm của Cục I cũng không hẳn, bởi nếu không có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo TTCP và trực tiếp là lãnh đạo thanh tra phụ trách đơn vị thì kết quả cũng không được như kỳ vọng hiện nay”.

Trong một cuộc họp giao ban lãnh đạo cấp vụ gần đây, từ hoạt động thực tiễn, nhất là hoạt động thanh tra của Cục I, Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong đã tổng hợp và rút ra một số kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ thanh tra để góp phần đẩy nhanh tiến độ ban hành kết luận thanh tra, trong đó có 5 điểm cần chú ý. Cụ thể:

Thứ nhất, quan tâm bố trí thành viên đoàn thanh tra phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của cuộc thanh tra, lựa chọn những công chức có trình độ, năng lực, kinh nghiệm, phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm cao để làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ chủ yếu của cuộc thanh tra; khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra cần quan tâm xác định nội dung, phạm vi, đối tượng thanh tra phù hợp với khả năng thực thi nhiệm vụ của đoàn thanh tra.

Thứ hai, người ra quyết định thanh tra (Phó Tổng TTCP phụ trách) thường xuyên, sâu sát trong chỉ đạo hoạt động của đoàn thanh tra, nhất là tổ chức nhiều cuộc họp ngay trong quá trình thanh tra (mời thủ trưởng đơn vị và tổ giám sát cùng dự) để nghe đoàn thanh tra báo cáo tiến độ và kết quả thanh tra để kịp thời chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ thanh tra, tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình thanh tra.

Thứ ba, thủ trưởng đơn vị chủ trì thanh tra thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát hoạt động của đoàn thanh tra; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh hoặc báo cáo người ra quyết định thanh tra (Phó Tổng TTCP phụ trách) chấn chỉnh, xử lý kịp thời những thiếu sót trong hoạt động thanh tra. Đồng thời, chủ động, tích cực tham gia vào quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra để thúc đẩy tiến độ và nâng cao chất lượng thanh tra, nhất là trong xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra, báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, địa phương...

Thứ tư, đoàn thanh tra phải có phương pháp làm việc khoa học, làm đến đâu gọn đến đó, chủ động xây dựng báo cáo kết quả thanh tra ngay trong quá trình thanh tra; phối hợp chặt chẽ với Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra; chủ động tham mưu văn bản lấy ý kiến bộ, ngành, cơ quan chức năng về dự thảo kết luận thanh tra; chủ động phối hợp với Vụ I, Văn phòng Chính phủ trong quá trình xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về dự thảo kết luận thanh tra.

Thứ năm, phát huy vai trò, trách nhiệm của Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, nhất là tham gia ý kiến trước khi người ra quyết định thanh tra phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra; giám sát hoạt động đoàn thanh tra; thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, bảo đảm khách quan, đúng pháp luật, phù hợp thực tế, có tính khả thi.

Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Hải cho biết, năm 2024, trong công tác quản lý Nhà nước, Cục I sẽ phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tổng hợp hướng dẫn thanh tra các tỉnh, TP trong khu vực triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra; kiến nghị, đôn đốc giải quyết kịp thời những vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền ngay tại cơ sở; hạn chế mức thấp nhất để xảy ra KNTC đông người, phức tạp, vượt cấp lên các cơ quan Trung ương. Tập trung kiểm tra, xác minh các vụ việc KNTC do Thủ tướng Chính phủ và Tổng Thanh tra giao; các vụ việc do đại biểu Quốc hội, các cơ quan Trung ương chuyển đến.

Chủ động, phối hợp với các cục, vụ, đơn vị tham gia tổ công tác nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác thanh tra năm 2024 tại một số địa phương được giao quản lý. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc thanh tra; chấp hành nghiêm các quy định pháp luật trong hoạt động thanh tra, quy chế hoạt động đoàn thanh tra theo quy định tại Quyết định số 465; chấn chỉnh, khắc phục những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong hoạt động thanh tra, nhất là việc chấp hành quy định về thời gian đối với việc xây dựng, hoàn thiện báo cáo kết quả thanh tra, kết luận thanh tra…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm