Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Góp phần quan trọng trong quản lý về công nghiệp, thương mại

Thứ bảy, 06/02/2021 - 06:00

(Thanh tra)- 2020 là một năm đặc biệt với nhiều sự kiện chưa từng xảy ra, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19, nhưng với sự nỗ lực không ngừng, ngành Công thương nói chung và Thanh tra Bộ Công thương nói riêng vẫn tiếp tục gặt hái được những thành tựu quan trọng, góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của cả nước.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tặng Bằng khen của Bộ trưởng cho những đơn vị, tập thể, cá nhân có thành tích và đóng góp tích cực cho sự nghiệp thanh tra. Ảnh: PH

Chánh Thanh tra Bộ Công thương Lê Việt Long cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những khâu quan trọng của quản lý Nhà nước nói chung và của Thanh tra ngành Công thương nói riêng. Năm 2020, theo kế hoạch được phê duyệt, Thanh tra Bộ thực hiện 315 cuộc thanh tra (5 cuộc thanh tra hành chính; 4 cuộc thanh tra về phòng chống tham nhũng (PCTN), 306 cuộc thanh tra chuyên ngành).

Từ năm 2016 đến năm 2020, Bộ Công thương đã tiến hành 403 cuộc thanh tra, trong đó có 25 cuộc thanh tra hành chính, 378 cuộc thanh tra chuyên ngành. Qua các cuộc thanh tra hành chính, phát hiện vi phạm về ngân sách 8.397,148 tỷ đồng, vi phạm về đầu tư xây dựng và mua sắm 330,855 tỷ đồng và 145 triệu USD, vi phạm về đất đai 5.700 là ha; kiến nghị xuất toán, thu hồi, giảm trừ 134,456 tỷ đồng; kiến nghị rà soát, làm rõ, xử lý theo quy định 6.847,724 tỷ đồng; yêu cầu hạch toán lại 201,976 tỷ đồng. Chuyển một số vụ việc sai phạm sang Cơ quan Công an, Tổng cục Thuế để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. 

Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác thanh tra, kiểm tra; điều chỉnh, đưa ra khỏi Kế hoạch 133 cuộc thanh tra nhằm đảm bảo tập trung cho công tác chống dịch COVID-19 và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn theo đúng yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp.

Qua các cuộc thanh tra chuyên ngành, các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành của Bộ Công thương đã phát hiện các vi phạm quy định liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành Công thương, ban hành 69 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt vi phạm hơn 4,62 tỷ đồng.

“Các hoạt động thanh kiểm tra đã góp phần quan trọng trong phục vụ đắc lực cho công tác quản lý Nhà nước về công nghiệp và thương mại; phát hiện, ngăn ngừa, chấn chỉnh nhiều vi phạm; góp phần tích cực vào việc xử lý, khắc phục hậu quả của các sai phạm; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương”, ông Long cho biết.

Bên cạnh việc thanh tra theo kế hoạch, lực lượng Thanh tra Bộ Công thương còn quan tâm giải quyết các vụ việc khiếu nại (KN), tố cáo (TC) của công dân và hoạt động tiếp công dân cũng được lực lượng thanh tra chú trọng hơn. Việc giải quyết đơn thư được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, không có tình trạng đơn thư tồn đọng, kéo dài.

Trong năm, Bộ đã tiếp 15 lượt công dân (12 vụ việc) với tổng số 21 người, không có đoàn đông người (từ 5 người trở lên); tiếp nhận 382 đơn thư KN,TC, kiến nghị, phản ánh.

Qua sàng lọc, xử lý, có 80 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ, 173 đơn thuộc thẩm quyền đơn vị trực thuộc và 129 đơn thuộc thẩm quyền cơ quan khác. Bộ đã tập trung xử lý theo đúng chức năng, thẩm quyền và các quy định của pháp luật, giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; giải quyết dứt điểm không để tồn đọng các vụ KN,TC phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã hành lập các đoàn xác minh nội dung TC tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế; Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại; Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ Luyện kim; Viện Nghiên cứu Da - Giầy và chuyển vụ việc TC tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế trong việc thực hiện, nghiệm thu, thanh quyết toán gói thầu xây dựng sang Cơ quan Điều tra, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng để tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý vi phạm theo đúng quy định.

Công tác PCTN cũng được lực lượng thanh tra Bộ Công thương thực hiện quyết liệt hơn. Theo đó, Thanh tra Bộ đã thực hiện tăng cường tuyên truyền, quán triệt, phổ biến giáo dục về PCTN, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Việc tuyên truyền phổ biến, quán triệt được lồng ghép trong các cuộc họp giao ban hàng tuần, hàng tháng, hàng quý...

Đồng thời, tổ chức, triển khai công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính; nêu cao tính chủ động, phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng và các hành vi bao che, dung túng, cản trở việc chống tham nhũng; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng, gắn công tác PCTN với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Thứ trưởng Bộ Công thương trao Bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc. Ảnh: PH

Đối với công tác kiểm tra, năm 2020, thực hiện kiểm tra theo kế hoạch trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ về điện lực, hóa chất, dầu khí, xăng dầu, than, cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng... xử phạt vi phạm hành chính; công tác thanh tra chuyên ngành; công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC, PCTN.

Qua kiểm tra, đã phát hiện tồn tại, vi phạm về công tác tổ chức cán bộ; công tác quản lý, sử dụng và thanh quyết toán vốn ngân sách; về hoạt động dịch vụ thu; việc thực hiện cải tạo, sửa chữa; việc thực hiện đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo…

Bộ đã kiến nghị một số cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền xem xét, bổ sung, sửa đổi một số văn bản, quy định cho phù hợp với thực tế.

Cũng theo ông Long, mặc dù kết quả đạt được là vậy, nhưng bên cạnh đó cũng có không ít khó khăn, tồn tại như Bộ Công thương là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực về công nghiệp và thương mại, nhiều mặt hàng, sản phẩm thiết yếu liên quan trực tiếp đến tình hình kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân; nhiều lĩnh vực có khả năng và điều kiện xảy ra tiêu cực, tham nhũng như cấp phép, triển khai dự án có vốn ngân sách Nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý thị trường, mua sắm thiết bị…

Thêm vào đó là diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến Việt Nam nói chung, Bộ Công thương nói riêng, trong đó có Thanh tra Bộ nên kết quả đạt được vẫn chưa được như mong muốn.

Để tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị chung của ngành Công thương cũng như cả nước, ông Long cho biết, trong công tác thanh tra tiếp tục thực hiện đúng trình tự, thủ tục, quyền và nghĩa vụ trong hoạt động thanh tra; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, làm tốt vai trò tham mưu trong hoạt động thanh tra, kiểm tra với tinh thần làm việc công tâm, khách quan hết lòng vì nhân dân phục vụ.

Đồng thời, tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; hướng dẫn, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác PCTN, gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chú trọng thanh tra, kiểm tra, xác minh làm rõ về các vụ việc tiêu cực, tham nhũng thuộc thẩm quyền; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý tham nhũng, nhất là lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn, dễ phát sinh tiêu cực; kiên quyết xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu trong công tác PCTN…

Tin rằng, trong năm 2021, Thanh tra Bộ Công thương tiếp tục phát huy phẩm chất bản lĩnh chính trị, đạo đức thực thi công vụ trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN,TC và PCTN để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh được giao phó.

Phương Hiếu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm