Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 24/11/2017 - 10:45
(Thanh tra)- Chiều ngày 23/11, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Giải trình ý kiến đại biểu (ĐB) QH, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái cho biết, dự thảo luật đã quy định một cách khái quát, bảo đảm tính toàn diện trong xử lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ đối với người về hưu mà đối với cả những người không còn là cán bộ, công chức, viên chức.
Tổng Thanh tra Lê Minh Khái tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH. Ảnh: TN
Vi phạm của cán bộ nghỉ hưu… xử lý nghiêm
Cho ý kiến, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, cần quy định giải quyết tố cáo đối với những cán bộ, công chức đã nghỉ hưu. Vì, đã xảy ra nhiều câu chuyện buồn khi có một số cán bộ lãnh đạo cận kề thời điểm nghỉ hưu đã không vượt qua được sự cám dỗ bình thường, làm trái công vụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, Nhà nước.
"Vì thế nên báo chí mới có nhiều thuật ngữ rất hay, rất đúng là “hội chứng nhiệm kỳ cuối”, “chuyến tàu vét cuối cùng”, “ga cuối cùng” để phản ánh thực trạng đáng buồn đó", ông Cầu nêu.
Hơn nữa, Điều 4 Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2005 đã quy định nguyên tắc "người có hành vi tham nhũng đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác vẫn bị xử lý hành vi tham nhũng do mình thực hiện". Dự thảo Luật PCTN sửa đổi tiếp tục xác lập nguyên tắc này.
Một lý do nữa được ông Cầu đưa ra, là gần đây nhân dân cả nước đã tin tưởng, phấn khởi và đồng thuận cao khi Đảng, Nhà nước xử lý nghiêm sai phạm của những quan chức đã nghỉ hưu, không có vùng cấm. Việc xử lý như vậy có tác dụng răn đe, phòng ngừa rất lớn.
ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu. Ảnh: TN
Cùng quan điểm, theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa, dù pháp luật công chức, viên chức chưa có quy định xử lý đối với người đã nghỉ hưu, nhưng nếu không quy định giải quyết tố cáo người đã nghỉ sẽ bỏ sót vi phạm. “Không thể hạ cánh là an toàn”, ông Hòa nói.
Giải trình làm rõ vấn đề này, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái cho biết, về nguyên tắc mọi hành vi vi phạm pháp luật cần phải được phát hiện và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian công tác trước đây nhưng nay đã nghỉ hưu.
“Dự thảo Luật không quy định cụ thể mà quy định một cách khái quát, Luật này quy định về tố cáo và giải quyết đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, bao gồm cả tố cáo và việc giải quyết tố cáo đối với người đã nghỉ hưu”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh.
Theo Tổng Thanh tra, Khoản 4 Điều 12 dự thảo Luật quy định cụ thể về thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác, bị mất chức, cho thôi việc, bị buộc thôi việc, tự ý thôi việc hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức.
“Quy định như vậy, đảm bảo tính toàn diện trong xử lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ đối với người về hưu mà đối với cả những người không còn là cán bộ, công chức, viên chức”, Tổng Thanh tra nói.
Tránh để "người tố cáo khóc rưng rức khi nhận khen thưởng"
Khoản 2, Điều 9, quy định người tố cáo có các nghĩa vụ “chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình”; “bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra theo quy định của pháp luật”.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Sỹ Diến nêu, bên cạnh điều chỉnh hành vi tố cáo không đúng để tránh tố cáo tràn lan, dự thảo luật cũng cần sửa đổi, bổ sung theo hướng để khuyến khích người dân trong đó có công chức, viên chức mạnh dạn tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật, nhất là những hành vi tham nhũng.
“Chúng ta biết, có một số công chức, viên chức, người dân mạnh dạn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân. Nhưng tố cáo xong, người bị tố cáo được xem xét kết luận xử lý, thì người tố cáo bị họ hàng tẩy chay, công chức, viên chức là người tố cáo phải xin chuyển công tác, người tố cáo khóc rưng rức khi nhận khen thưởng”, ông Diến nói.
Có công chức, viên chức tố cáo đúng vẫn bị kiểm điểm, xử lý với lý do biết nội dung vi phạm nhưng trong các buổi sinh hoạt hàng tháng không phê bình để đồng chí mình biết sửa chữa, ngăn chặn. Thậm chí, “có tổ chức lợi dụng quy định này để xử lý người tố cáo là công chức, viên chức triệt để vì cái tội “vạch áo cho người xem lưng”, “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường”, không đóng cửa bảo nhau, làm ảnh hưởng đến cơ quan, làm tốn tiền công quỹ vì phải tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra”.
“Những vấn đề nêu trên làm cho người dân không dám tố cáo, trong đó có công chức, viên chức”, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Sỹ Diến đề nghị, việc quy trách nhiệm người tố cáo cần mềm hơn.
ĐBQH Mai Sỹ Diến. Ảnh: TN
Ông Nguyễn Hữu Cầu lại đặt vấn đề, “khi bị tố cáo, các quan chức thường dựng đứng, khó chịu, đây cũng là tâm lý hết sức bình thường vì có lý do chính đáng của họ”. Cho nên, ông đồng tình với dự thảo khi quy định, “người bị tố cáo được bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi chưa có kết luận của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo”.
Nhưng theo Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, biện pháp bảo vệ người bị tố cáo chưa đủ. “Đến kỳ bầu cử, kỳ đại hội, kỳ bổ nhiệm cán bộ do động cơ không thích, viết đơn thư nặc danh làm hại người ta, mà được vạ thì má đã sưng. Đây là thực tế, nên cần cân nhắc để bảo vệ”, ông Cầu nói.
Nhiều ĐBQH cũng đồng ý với quy định cho người tố cáo quyền rút đơn vì đó là quyền của công dân. Nhưng theo ĐB Phạm Văn Hòa, “Cần quy định chặt chẽ việc rút tố cáo vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có việc tố cáo do ích kỷ cá nhân, do bị mua chuộc hoặc bị hăm dọa... để phòng ngừa tiêu cực. Trường hợp nhiều người tố cáo về một nội dung, trong đó có người rút tố cáo mà có căn cứ thì những nội dung tố cáo còn lại vẫn được xem xét, giải quyết”.
“Mở rộng hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại là khó khả thi” Theo Tổng Thanh tra, hình thức tố cáo là vấn đề rất phức tạp, cần phải được cân nhắc một cách kỹ lưỡng, thấu đáo và bảo đảm tính khả thi. Một mặt phải tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo, nhưng mặt khác phải hạn chế việc lợi dụng quyền tố cáo để gây rối, vi phạm pháp luật. “Nếu mở rộng hình thức tố cáo, nhất là tố cáo qua điện thoại sẽ dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan, gây khó khăn cho các cơ quan Nhà nước trong quá trình xác minh nội dung tố cáo, người tố cáo, cũng như việc xử lý trách nhiệm những người tố cáo sai sự thật. Trong trường hợp không kiểm soát được thì đây là kẽ hở để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để gây mất ổn định an ninh xã hội”, Tổng Thanh tra nói. Hơn nữa, tố cáo cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ rất phức tạp, cần phải được tiếp nhận và xử lý chặt chẽ. Trong bối cảnh hiện nay, việc mở rộng hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại là khó khả thi. Tổng Thanh tra cho hay, mặc dù không giải quyết đối với tố cáo qua điện thoại, fax, hộp thư điện tử theo quy trình giải quyết tố cáo nhưng những hành vi vi phạm pháp luật được phản ánh qua điện thoại, fax, hộp thư điện tử không bị bỏ sót, bỏ lọt mà được các cơ quan Nhà nước tiếp nhận, xử lý phục vụ yêu cầu công tác quản lý, công tác thanh tra, kiểm tra được quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 20. Tuy nhiên, ĐBQH có nhiều ý kiến đề nghị mở rộng hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra cân nhắc kỹ tiếp thu hoàn chỉnh dự án Luật. Còn liên quan đến việc bảo vệ người tố cáo, Chính phủ cho rằng, đây là vấn đề rất quan trọng và cần thiết, là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Hiện nay, Bộ luật Tố tụng Hình sự đã quy định về trách nhiệm của cơ quan công an và cơ quan khác trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản, sức khỏe của người tố giác, tố cáo, người làm chứng trong vụ án hình sự. “Đối với dự thảo Luật này, cần tập trung bảo vệ tốt người tố cáo và những nội dung cần bảo vệ trong điều kiện và khả năng cho phép như bảo vệ bí mật thông tin, vị trí việc làm, thu nhập”, Tổng Thanh tra giải trình. Cũng theo Tổng Thanh tra, các ý kiến của ĐBQH về bảo vệ người tố cáo đều có cơ sở và có căn cứ. Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan thẩm tra nghiên cứu để tiếp thu, chỉnh lý cho phù hợp. Đặc biệt là trong việc xác định trách nhiệm chính và trách nhiệm phối hợp của từng cơ quan trong bảo vệ người tố cáo, quy định các biện pháp bảo vệ cụ thể hơn để đảm bảo tính khả thi. |
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Thanh tra tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quá trình thực hiện 2 dự án đấu giá quyền sử dụng đất tại thị xã Thuận Thành và TP Bắc Ninh.
Hải Hà
12:54 15/12/2024(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.
Thu Huyền
21:00 14/12/2024Hương Trà
16:36 14/12/2024Thu Huyền
16:28 14/12/2024Hương Trà
07:00 14/12/2024Lâm Ánh
06:30 14/12/2024Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh