Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Còn nhiều vướng mắc trong việc ban hành quyết định hành chính

Thứ sáu, 08/04/2016 - 11:10

(Thanh tra) - Ngày 8/4, Viện Khoa học Thanh tra tổ chức buổi tọa đàm sinh hoạt khoa học với chủ đề “Quyết định hành chính (QĐHC) và ban hành QĐHC ở Việt Nam hiện nay". TS Đinh Văn Minh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra chủ trì buổi sinh hoạt.

Các ý kiến tại cuộc họp cũng đưa ra nhiều vấn đề còn vướng mắc thực tế hiện nay về QĐHC như các hình thức QĐHC, quy trình ban hành QĐHC… Ảnh: TH

Hàng ngày, có rất nhiều QĐHC được ban hành, là 1 trong 3 bộ phận trong hệ thống văn bản nước ta hiện nay. Trong khi hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản tố tụng đã có các luật riêng điều chỉnh, thì hoạt động ban hành QĐHC chưa được điều chỉnh đầy đủ, thống nhất bởi một văn bản luật có hiệu lực trong phạm vi toàn quốc. 

Thực tế cho thấy, pháp luật về ban hành QĐHC và thực tiễn ban hành loại văn bản này ở nước ta hiện nay còn nhiều vướng mắc, bất cập chưa đáp ứng được yêu cầu về tính dân chủ và pháp quyền, chưa phù hợp với tình hình mới. 

GS.TSKH Nguyễn Văn Thâm, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, QĐHC Nhà nước rất đa dạng, phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau như: Theo tính chất pháp lý có quyết định chính sách, quyết định quy phạm, quyết định cá biệt; theo chủ đề ban hành có quyết định của Chủ tịch nước, nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân…; theo hình thức thể hiện có quyết định bằng văn bản, văn nói, ám hiệu, tín hiệu…; theo phạm vi tác động của quyết định có quyết định chiến lược, quyết định có thời hạn, quyết định tạm thời mang tính tình thế.

Mặc dù có sự khác nhau về cơ quan ban hành, hiệu lực pháp lý, tính chất pháp lý, hình thức thể hiện, hình thức pháp lý, nhưng mọi QĐHC Nhà nước đều có những đặc điểm chung do bản chất của hoạt động thực hiện quyền lực hành chính Nhà nước đặt ra, đều là thực hiện quyền hành pháp, có nghĩa là các cơ quan, tổ chức Nhà nước ban hành QĐHC là để thực hiện quản lý hành chính Nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đời sống quản lý.

Cũng theo GS Nguyễn Văn Thâm, quy trình ban hành các QĐHC Nhà nước trải qua 4 bước: Điều tra, nghiên cứu thu thập thông tin về vấn đề cần quyết định; xây dựng quyết định; thẩm định và thông qua; ra văn bản và công bố. Tuy nhiên, trên thực tế quy trình ra quyết định ở mỗi cấp đều có những yêu cầu khác nhau, quy định ra quyết định của Thủ tướng Chính phủ khác với quy trình ra quyết định của Bộ trưởng hay Chủ tịch UBND các cấp.

QĐHC Nhà nước có vai trò cụ thể hóa các đạo luật của Quốc hội và các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước cấp trên; điều chỉnh, quy định hoặc áp dụng biện pháp nhằm giải quyết các vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước; góp phần tạo sự nề nếp trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước; duy trì sự ổn định và thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực trong đời sống xã hội.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, từ năm 2003 đến hết tháng 3/2013, Bộ đã kiểm tra được 2.353.490 văn bản, qua đó đã phát hiện được 63.277 văn bản có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp pháp của văn bản. Năm 2014 các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương tự kiểm tra được 1,25 triệu văn bản, trong đó có 42.410 văn bản là quy phạm pháp luật, phát hiện 6.872 văn bản vi phạm quy định. 

“Các số liệu đó chưa nói hết được các sai phạm trong lĩnh vực ban hành các QĐHC mà thực tế chưa kiểm tra được. Tuy vậy, rất đáng nói về các hệ lụy của chúng ta trong đời sống quản lý và đời sống xã hội nói chung. Hệ lụy đó chắc chắn là không nhỏ và không phải chỉ trước mắt”, GS Nguyễn Văn Thâm nhấn mạnh

Theo GS Thâm nguyên nhân chính là do trách nhiệm công vụ của cán bộ các cấp, các ngành đã không được đề cao đúng mức và chúng ta không có chế tài xử lý thích hợp, buông lỏng quản lý lâu dài, hời hợt trong việc khắc phục hậu quả; trình độ cán bộ, nhất là trình độ lý luận, hiểu biết pháp luật của nhiều người còn hạn chế. Các vấn đề thực tế của cơ chế thị trường không bắt kịp để xử lý, máy móc, phiến diện trong việc xử lý và ra quyết định; việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật của chúng ta làm không tốt, hình thức là chính, không thiết thực.

Tại buổi sinh hoạt, TS Nguyễn Tuấn Khanh đã trình bày về Tờ trình Dự án Luật Ban hành QĐHC, đồng thời, các vấn đề liên quan đến QĐHC là làm thế nào để hạn chế tình trạng khi chúng ta có luật ban hành QĐHC, trách nhiệm của các cơ quan liên quan cũng được đưa ra thảo luận, bàn bạc.

Các ý kiến tại cuộc họp cũng đưa ra nhiều vấn đề còn vướng mắc thực tế hiện nay về QĐHC như các hình thức QĐHC, quy trình ban hành QĐHC…

TH

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh tra tỉnh Đồng Tháp: Phong trào thi đua luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành

Thanh tra tỉnh Đồng Tháp: Phong trào thi đua luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành

(Thanh tra) - Năm 2024, được sự quan tâm và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, sự quan tâm Tỉnh ủy và UBND tỉnh, phong trào thi đua của Thanh tra tỉnh Đồng Tháp được triển khai đầy đủ, kịp thời. Việc tổ chức triển khai phong trào thi đua luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành, gắn với các hoạt động chuyên môn, các nhiệm vụ trọng tâm cụ thể…

Thu Huyền

06:00 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm