Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 12/10/2018 - 06:34
(Thanh tra)- Là người trực tiếp tham gia, chỉ đạo việc xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) ngay từ những ngày đầu, nguyên Phó Tổng Thanh tra Vũ Phạm Quyết Thắng đã thẳng thắn chỉ ra điều này trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Thanh tra.
Nguyên Phó Tổng Thanh tra Vũ Phạm Quyết Thắng. Ảnh: vov.vn
Xóa bỏ tham nhũng phải từ cơ sở
Tham nhũng là một vấn nạn không chỉ riêng nước ta mà ở nhiều nước trên thế giới. Nhưng nó chỉ “tác yêu, tác quái” ở những nơi mà luật pháp thiếu tính răn đe đúng mức, làm cho nó có thể phát triển như nấm độc.
Cơ chế chính sách không đầy đủ cũng là điều kiện làm cho tham nhũng phát triển. Đảng ta quyết tâm chống tham nhũng và Thanh tra Chính phủ là một trong những cơ quan được Đảng, Nhà nước ta chỉ định xây dựng Luật PCTN. Tôi có may mắn là người vừa tham gia vừa chỉ đạo trực tiếp.
Cần phải nói ngay rằng, khi đó, nhiều vấn đề được đặt ra, được giải quyết nhưng không thấu đáo và triệt để. Đó cũng là lẽ thường tình. Vì thế, Luật đã được nhiều lần sửa đổi, bổ sung. Lần sửa đổi này tôi hi vọng nó sẽ tốt hơn, đầy đủ hơn. Tuy nhiên, có những khái niệm gốc cần kiên định chứ không phải loay hoay bàn cãi nữa.
+ Đó có phải là kê khai tài sản thu nhập, là cách xử lý với tài sản tham nhũng không, thưa ông?
- Đúng vậy. Tài sản tham nhũng cần phải thu hồi, không cần phải bàn cãi, không có ngoại lệ.
Tôi tham gia ngay từ ngày đầu xây dựng qui định về kê khai tài sản, thu nhập. Ngay khi đó tôi đã nói, kê khai tài sản minh bạch phải có cơ chế sao cho không phải là cái cớ để người ta xử lý nhau. Vì nếu kê khai đúng khoản tiền người ta có thực sự thì có gì phải ngại. Nhưng nếu nói bà mẹ vợ tôi cho tôi 3 ngàn lượng vàng, chú vợ tôi cho tôi 7 ngàn lượng thì không được. Rồi chị nuôi, em nuôi cho tiền xây nhà thì không được.
Trong thực tế, ngay lãnh đạo của ngành Thanh tra cũng có người tưởng như “bị vướng” mà lại được chính các qui định này minh oan. Đó là khi mới về nhậm chức một thời gian thì gia đình đồng chí xảy ra vụ mất cắp tài sản số lượng lớn. Khi kiểm tra ra thì tất cả các khoản mất đó đều khớp hoàn toàn và chuẩn về nguồn gốc tài sản. Cụ thể, tiền là do con gái của đồng chí lấy chồng nước ngoài chuyển qua ngân hàng về cho bố nhờ mua nhà để về nước định cư. Vàng là do bán căn nhà của dòng họ, dòng họ giao cho đồng chí bảo quản, giữ gìn. Như vậy thì có gì phải ngại. Công khai ở đó và minh bạch cũng ở đó.
Theo tôi, minh bạch tài sản cần phải làm. Khi có sự chênh lệch quá lớn giữa đồng lương và tài sản mà không giải thích được thì là có vấn đề.
Việc kê khai chỉ diễn ra trong các cơ quan công quyền, trong các tổ chức Đảng, các đảng viên của Đảng. Cán bộ được bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng theo qui định cần phải kê khai. Điều đó chúng ta đã làm từ lâu rồi, không phải mới mẻ gì.
Và, điều đó là cần thiết đối với từng đảng viên, là giải pháp phòng ngừa thiết thực.
Muốn PCTN tốt và xây dựng Luật PCTN tốt, cần phải hiểu tận gốc là tham nhũng ở đâu? Tham nhũng chỉ xảy ra trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các cơ quan công quyền. Vì thế, Đảng không nên kêu gọi là toàn dân tham gia PCTN. Đảng chỉ nên kêu gọi toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị thực thi một cách nghiêm túc việc chống tham nhũng; ngăn chặn tham nhũng ngay từ trong Đảng, trong các cơ quan công quyền. Nhân dân chỉ thực hiện quyền giám sát, phát hiện, phê phán, góp phần ủng hộ công cuộc mà Đảng đang làm mà thôi vì họ không có công cụ trong tay như cơ quan điều tra, tòa án và các cơ quan kiểm toán, thanh tra... để chống tham nhũng.
Tôi cũng hiểu rằng, Đảng đã kêu gọi chống tham nhũng thì Đảng phải đi đầu, tiên phong trong việc chống tham nhũng; đảng viên của Đảng làm việc tại các cơ quan của Đảng từ cấp cao đến cấp thấp phải tiên phong.
Nên nhớ rằng, đảng viên ở cấp cao có thể tham nhũng bằng việc “ngoạm” một số tiền lớn, người dân rất đau xót nhưng đảng viên ở cơ sở, chính quyền cơ sở nhũng nhiễu dân, dù chỉ từ 50 ngàn đồng thì đã gây ra nhức nhối ghê gớm, trực tiếp làm suy giảm lòng tin của dân vào Đảng. Vì thế, đấu tranh chống tham nhũng cần phải bắt đầu từ cơ sở, xóa bỏ từ cơ sở, giải quyết tận gốc từ cơ sở.
Lời hứa của Đảng về chống tham nhũng chỉ có thể thực hiện được nếu Đảng thực hiện được việc cơ quan Đảng, tổ chức Đảng, từng đảng viên phải thực sự gương mẫu và phải có chế tài buộc từng cá nhân, tổ chức đó phải thực hiện. Không làm được điều đó thì chỉ là sáo rỗng!
Đừng để bất lực trong PCTN
+ Vậy, làm thế nào để chống tham nhũng trong Đảng, thưa ông?
- Từ khi lập nước, Đảng ra công khai, trở thành cơ quan quyền lực, tổ chức chính trị xã hội có quyền lực nhất trong việc tổ chức, thực hiện, định hướng sự phát triển của xã hội. Hầu hết đảng viên của Đảng được giới thiệu, đề cử vào những cương vị trọng trách của Nhà nước, của Chính phủ. Trên thực tế, Đảng là Nhà nước, Đảng là Chính phủ. Vì vậy, nói Đảng chống tham nhũng là nói Chính phủ chống tham nhũng, nói Nhà nước chống tham nhũng, các cơ quan công quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp chống tham nhũng.
Làm thế nào để chống tham nhũng là câu hỏi khó. Luật pháp đã đủ mạnh chưa? Cứ bảo là phải có mức lương nào đấy để đảm bảo điều kiện sống. Nhưng, biết bao nhiêu là đủ? Vậy, ngăn chặn thế nào để không tham nhũng? Hình phạt thế nào để người ta không tham nhũng? Có những người sẵn sàng tham nhũng, thậm chí chấp nhận một vài năm đi tù để có cuộc sống tốt hơn. Thậm chí, người ta đổi những năm tháng tự do ở ngoài bằng cuộc sống trong tù, rồi khi ở trong tù thì dùng tiền “tác động” để ở tù mà có đời sống vật chất còn sướng hơn nhiều người dân ở ngoài. Chúng ta đã thấy có nơi giam giữ tù nhân một cách lỏng lẻo, không đúng với hình phạt và chế tài đặt ra. Tù nhân có tiền nên được “nuôi dưỡng”, được “chăm sóc”, thậm chí được tự do đi về vào những ngày nào đấy. Hiện tượng đó có không? Có! Ai nhìn thấy điều đó? Nhân dân. Nhân dân nhìn thấy nhưng không làm được gì vì họ không có quyền, không thể điều tra được tại sao lại như thế…
Cũng có một bộ phận chúng ta nhìn thấy điều đó nhưng không làm được gì cả. Cái bất lực nhất, cái xấu hổ nhất là chúng ta biết mà không làm gì được. Đừng để công cuộc PCTN phải vấp phải cái bất lực ấy.
+ Sửa luật có khắc phục được sự bất lực mà ông vừa nói?
- Tôi không hy vọng khắc phục được tất cả và ngay lập tức!
Tôi mong khắc phục được dần và từng bước đẩy lùi được tham nhũng.
Nhiều năm qua, thành tích của cơ quan thanh tra là phát hiện được bao nhiêu vụ, thu hồi được bao nhiêu tiền, bao nhiêu mét đất…
Tôi cho rằng, thành tích của cơ quan thanh tra không phải chỉ như thế. Cần phải nêu ra những sai sót, những lỗ hổng của chế tài, của luật pháp để từ đó kiến nghị Đảng, Nhà nước điều chỉnh các lỗ hổng ấy mà hạn chế tham nhũng. Đấy mới là nhiệm vụ chính mà cơ quan thanh tra cần làm.
Mục tiêu của cơ quan thanh tra là xây dựng chứ không phải là chỉ tháo bỏ những sai trái. Tôi nói như vậy không phải để phê phán mà chỉ mong muốn định hướng Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra phải khác đi. Phải có nhiều luật sư hơn, nhiều luật gia hơn, nhiều cán bộ nghiên cứu hơn tham gia xây dựng Luật PCTN, tìm thấy kẽ hở của luật pháp, của chế tài để tạo ra một cách đi, một cách làm tốt hơn.
Chúng ta cũng cần phải làm rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan thanh tra trong việc PCTN khi sửa luật này. Nếu cơ quan thanh tra không xác định được mục tiêu phát hiện kẽ hở trong cơ chế chính sách để kiến nghị sửa đổi thì bất kỳ lĩnh vực nào mà thanh tra đụng vào cũng không có hiệu quả, hay nói là một bước lùi về thẩm quyền trong PCTN.
Đánh nặng lỗi xây dựng thể chế
+ Theo ông, để không bị lùi thì cần thay đổi thế nào?
- Trong kỳ sửa đổi này, tôi mong thay đổi các điều khoản về vai trò, trách nhiệm của cơ quan thanh tra trong đấu tranh PCTN. Cần có chế tài đối với những người xây dựng về thể chế chính sách.
Những sai sót, thiếu tinh thần trách nhiệm khi xây dựng chính sách, xây dựng văn bản dưới luật đã tạo lỗ hổng để tham nhũng, trong đó không loại trừ cố tình tạo ra lỗ hổng để tạo cho người ta có thể tham nhũng được. Ví dụ như thông tin của báo chí, của người A, B, C nào đó về việc di chuyển một trung tâm hành chính, một khu đô thị, thay đổi một chính sách… để tạo ra cơn sốt giả về đất đai, về một mặt hàng nào đó và trục lợi. Đấy cũng là tham nhũng.
Tham nhũng về cơ chế còn nguy hiểm hơn, kín đáo hơn, khó phát hiện hơn. Các nhà xây dựng luật pháp nên chú ý đến mặt này để xác định rõ, giao trách nhiệm, giao quyền cho các cơ quan thanh tra trong PCTN theo hướng không chỉ tìm được việc tham nhũng về tiền bạc mà cần tìm ra kẽ hở về cơ chế chính sách tiếp tay tham nhũng một cách kín đáo nhưng đầy tai hại mà đất nước phải gánh chịu.
Đơn cử, trước đây, khi đang soạn thảo Luật PCTN thì tôi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội gọi lên để nghe báo cáo giải trình thêm. Tôi nhớ có 1 qui định mà Dự thảo Luật nêu ra, đó là nghiêm cấm các hành vi sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước để đi học, đi chữa bệnh, đi tham quan du lịch mà không nằm trong kế hoạch, chương trình của Nhà nước. Lúc đó, một số đại biểu cho rằng, đi học nên khuyến khích, cần gì phải nghiêm cấm; đi chữa bệnh là nhân đạo, cần gì phải nghiêm cấm; đi du lịch rẻ tiền việc gì phải nghiêm cấm, cứ chiếu theo các điều khác là đủ rồi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý bỏ qui định đó. Và, nó dẫn tới hàng loạt hệ lụy mà báo chí gần đây đề cập. Vị này cho con đi học bằng chương trình “ghé” vào tiền ngân sách của tổng công ty Nhà nước. Vị kia đi công du nước ngoài nhiều gấp mấy lần thời gian điều hành công việc…
Như vậy, không chỉ xây dựng Luật PCTN mà xây dựng những bộ luật khác cũng vậy. Nếu các văn bản đó có kẽ hở thì người xây dựng luật đó cũng cần phải xem xét.
Cần phải luật hóa qui định để những người có quyền làm luật cũng phải cẩn trọng trong từng câu chữ, phải đảm bảo rằng mỗi câu từ mình viết ra không bị lợi dụng để trục lợi. Điều này khó nhưng cần phải làm. Vì các văn bản dưới luật nếu không cẩn thận sẽ tạo ra các kẽ hở để tham nhũng và chính những người xây dựng các văn bản dưới luật, văn bản thực thi luật lại bán thông tin để tham nhũng.
Đặc biệt, hiện nay, còn có một tình trạng tham nhũng kinh khủng hơn, đó là kiểu một người làm quan cả họ được nhờ. Một ông A, bà B nào đó được làm quan thì con, cháu, anh em người nhà của người đó tha hồ trúng dự án BT, BOT nào đó để làm. Không thể nói ông quan, bà quan đó không biết. Làm gì có chuyện không biết? Làm thế nào để “để mắt”, khoanh vùng được dạng siêu tham nhũng cơ chế đó.
+ Cần phải làm gì để PCTN ngay trong cơ quan thanh tra, thưa ông?
- Tôi cho rằng, cần phải tinh giản biên chế và giám sát cán bộ bằng những việc làm, chế tài cụ thể.
Chỉ khi nào cơ quan thanh tra có đội ngũ cán bộ thật tốt, thật tinh (không cần đông) và hiểu được nhiệm vụ cao cả của cơ quan thanh tra không chỉ là tìm ra những cái sai của cơ quan mình đến thanh tra mà tìm ra những chỗ hổng của luật pháp, của chính sách mà từ đó bị hiểu sai trong thực hiện hoặc cố tình hiểu sai để chiếm đoạt thì khi đó mới đổi mới thực sự nâng cao hiệu quả PCTN. Và như thế thì phải đổi mới cơ quan thanh tra. Đổi mới về tư tưởng, cái nhìn, đổi mới về cán bộ.
Tiếp đó, cần đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng thể chế, cần cẩn trọng trong từng qui trình, trình tự.
Tôi cũng cho rằng, chính báo chí của ngành Thanh tra cần phải góp sức mình vào việc này. Không thể chỉ đăng tải về vụ việc hay giới thiệu pháp luật một cách thông thường, báo chí của ngành còn cần phải phát hiện những kẽ hở về pháp luật và sự trục lợi từ các kẽ hở đó. Điều đó không chỉ hỗ trợ cho từng cán bộ ngành Thanh tra mà còn đi vào đời sống xã hội và có vị thế nhất định trong việc PCTN.
+ Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thúy Nhài (Thực hiện)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Năm 2024, hoạt động thanh tra, kiểm tra trên địa bàn thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang tiếp tục được tăng cường. Qua thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các hạn chế, thiếu sót, không để phát sinh hành vi tham nhũng.
Cảnh Nhật
11:28 23/11/2024(Thanh tra) - Chiều ngày 22/11/2024, Thanh tra tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Gặp mặt tri ân các thế hệ lãnh đạo ngành Thanh tra tỉnh qua các thời kỳ nhân kỷ niệm 79 năm ngày truyền thống Thanh tra Việt Nam.
Lê Hữu Chính
10:23 23/11/2024Lâm Ánh
10:12 23/11/2024Thái Hải
22:15 22/11/2024Phương Anh
21:53 22/11/2024Hoàng Nam
21:38 22/11/2024Cảnh Nhật
Hương Giang
Văn Thanh
Hương Trà
Lê Hữu Chính
Chu Tuấn - Quang Danh
H.Trang
Văn Thanh
Bùi Bình
Trung Hà
Bùi Bình