Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra góp phần nâng cao vị trí, vai trò của ngành

Thái Hải

Thứ ba, 12/12/2023 - 15:27

(Thanh tra)- Sáng 12/12, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CL&KHTT) tổ chức Hội thảo Góp ý kiến vào dự thảo báo cáo sơ kết việc thực hiện Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và kế hoạch thực hiện Chiến lược giai đoạn 2023 - 2030 (Chiến lược).

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH

Có 9/13 nhiệm vụ Chiến lược được hoàn thành

Phát biểu dẫn đề, Viện trưởng Viện CL&KHTT TS Nguyễn Quốc Văn cho biết, Viện CL&KHTT được lãnh đạo Thanh tra Chính phủ (TTCP) giao chủ trì, phối hợp với các cục, vụ, đơn vị, thanh tra các bộ, ngành, địa phương tham mưu xây dựng thực hiện kế hoạch sơ kết, đánh giá việc thực hiện Chiến lược và xây dựng kế hoạch cụ thể cho giai đoạn tiếp theo.

Tại hội thảo, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT Nguyễn Huy Hoàng cho biết, trên cơ sở các báo cáo kết quả sơ kết Chiến lược của các bộ, ngành, địa phương, TTCP đã dự thảo báo cáo sơ kết toàn quốc việc thực hiện Chiến lược. Báo cáo gồm 2 phần chính: Kết quả thực hiện Chiến lược; Phương hướng, nhiệm vụ và kiến nghị, đề xuất nhiệm vụ cho giai đoạn 2023 - 2030 kèm theo phụ lục dự kiến các hoạt động chủ yếu sẽ thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Dự thảo Báo cáo được xây dựng theo các tiêu chí về: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chiến lược; công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về Chiến lược; kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược; đề xuất kế hoạch thực hiện Chiến lược giai đoạn 2023 - 2030.

Gần 7 năm thực hiện (2016 - 2023), công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chiến lược đã được Chính phủ, TTCP, các bộ, ngành, địa phương quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện và xác định là một trong những nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước. Việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chiến lược đã mang lại nhiều hiệu quả, kết quả tích cực trong công tác phát triển ngành Thanh tra. Mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể, các nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn thứ nhất của Chiến lược cơ bản hoàn thành; có 9/13 nhiệm vụ được hoàn thành theo Phụ lục các hoạt động chủ yếu của thực hiện Chiến lược giai đoạn thứ nhất.

Chiến lược đã củng cố hành lang pháp lý để nâng cao vị trí, vai trò, tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách, cơ sở vật chất, kỹ thuật đối với ngành Thanh tra. Các quy định pháp luật có liên quan đến thanh tra, tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã được rà soát, sửa đổi và hoàn thiện.

Việc thực hiện Chiến lược thời gian qua đã có tác động tích cực đến sự phát triển của ngành Thanh tra. Công tác thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung những lĩnh vực, vấn đề bức xúc mà dư luận xã hội quan tâm; đảm bảo đúng thời gian, trình tự, thủ tục; kết luận chính xác, khách quan, đúng pháp luật. Qua thanh tra đã phát hiện các sai phạm, thu hồi tiền; kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục kịp thời các sai sót, hạn chế trong hoạt động thanh tra; công tác giải quyết KNTC được quan tâm, chỉ đạo và chú trọng…

Chiến lược đã kết thúc giai đoạn thứ nhất, đang trong giai đoạn thứ hai, nhưng nhìn chung tính tập trung, thống nhất, độc lập tương đối, tự chủ, tự chịu trách nhiệm vẫn chưa đảm bảo về cơ chế pháp lý, điều kiện để thực hiện. Việc xây dựng hệ thống cơ quan thanh tra tập trung, thống nhất chưa triển khai trong giai đoạn hiệ nay. Còn 4/13 nhiệm vụ đặt ra tại phụ lục thực hiện Chiến lược chưa được hoàn thành.

Pháp luật hiện hành không đề cập việc xây dựng các cơ quan thanh tra tập trung, thống nhất theo cấp hành chính gồm 2 cấp, cấp Trung ương và cấp tỉnh do không phù hợp với chủ trương, chính sách xây dựng pháp luật; pháp luật cũng chưa minh định trong giao chức năng giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước; không quy định thanh tra cấp tỉnh chỉ đạo và quản lý tập trung, thống nhất cơ quan thanh tra cấp huyện như mục tiêu Chiến lược đặt ra ở giai đoạn tầm nhìn.

Vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại

Việc đổi mới công tác cán bộ có chuyển biến, nhưng tại một số bộ ngành, đại phương chưa thực hiện luân chuyển, biệt phái cán bộ, công chức trong hệ thống các cơ quan Thanh tra Nhà nước để đào tạo, rèn luyện qua các môi trường công tác; việc đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan thanh tra chuyên ngành vẫn chưa theo kịp với yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội đặt ra. Công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra chưa triệt để; chưa chú trọng việc thực hiện xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể vi phạm…

Luật PCTN vần còn nhiều vướng mắc, bất cập liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của ngành Thanh tra; tổ chức ngành Thanh tra thiếu tính độc lập tương đối và không có được sự lãnh đạo chỉ đạo tập trung thống nhất trong ngành; cơ sở vật chất, phương tiện làm việc vẫn còn có những khó khăn…

Nguyên nhân, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chiến lược có lúc có nơi chưa thường xuyên; chính sách, pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN chưa đồng bộ, thống nhất; một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn; việc kiện toàn bộ máy cơ quan thanh tra các cấp còn gặp nhiều khó khăn; công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức thanh tra chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là chuyên môn nghiệp vụ...

Tại phần thứ 2 dự thảo báo cáo Chiến lược đề ra định hướng mục tiêu phát triển ngành Thanh tra đến năm 2030 và các nhiệm vụ giải pháp như: Nâng cao vị trí, vai trò ngành Thanh tra; kiện đoàn tổ chức, bộ máy của cơ quan thanh tra; đổi mới phương thức hoạt động của cơ quan thanh tra; đổi mới công tác cán bộ; tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã cho ý kiến, trao đổi vào dự thảo.

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tổng hợp Vũ Hồng Khánh đánh giá cao sự chuẩn bị dự thảo của Viện Cl&KHTT; cấu trúc dự thảo đã bám vào nội dung Chiến lược từ mục tiêu chung, cụ thể, và giải pháp thực hiện.

Tuy nhiên, báo cáo còn dài; chưa có phụ lục. Đơn cử, 5 trụ cột cần phải có 5 phụ lục; báo cáo phải đi sâu vào từng mục cụ thể; báo cáo chưa có số liệu. Do đó, đề nghị bổ sung hệ thống số liệu (bao nhiêu tỉnh, bộ, ngành xây dựng kế hoạch); từng trụ cột phải có số liệu chứng minh những mặt đặt được, mặt chưa đạt được. Báo cáo cũng chưa nêu được bài học kinh nghiệm để thực hiện giai đoạn tiếp theo. Ông Khánh đề nghị, các hạn chế nên nêu hết vào báo cáo, nhất là trụ cột thứ 5 - điều kiện vật chất. Nên nêu rõ các giải pháp để khắc phục hạn chế các trụ cột trong giai đoạn mới.

Ông Trần Đình Trữ, Phó Chánh Thanh tra TP Hồ Chí Minh đồng tình với ý kiến của ông Khánh, báo cáo thiếu nhiều số liệu của từng giai đoạn từ trước khi thực hiện Chiến lược, giai đoạn 2015 - 2020 và giai đoạn 2020 đến 6 tháng đầu 2023. Do đó, cần bổ sung số liệu theo từng giai đoạn để thấy được những kết quả đạt được và những hạn chế để đưa ra giải pháp, bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện giai đoạn sau.

Theo ông Lê Hoàng Thông, Phó Chánh Thanh tra TP Cần Thơ, cần rút ngắn lại báo cáo, đánh giá cụ thể 13 nhiệm vụ, phải có số liệu để từ đó đưa ra 4 nhiệm vụ chưa đạt hoàn thành. Đồng thời, cần bổ sung đánh giá thêm các vị thế của ngành Thanh tra như biên chế, bố trí cán bộ, công tác đào tạo…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm