Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xây dựng cơ chế giám sát của nhân dân với cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất

Thái Hải

Thứ tư, 21/09/2022 - 21:45

(Thanh tra) - Đó là một trong những giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả thực thi về kiểm soát quyền lực trong thu hồi đất ở Việt Nam hiện nay được PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội - Chủ nhiệm Đề tài khoa học “Kiểm soát quyền lực trong thu hồi đất ở Việt Nam hiện nay” đưa ra tại hội thảo khoa học đề tài cấp bộ diễn ra vào ngày 21/9.

PGS.TS Doãn Hồng Nhung trình bày nội dung nghiên cứu. Ảnh: TH

Theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung, để làm rõ được những vấn đề lý luận và thực tiễn về kiểm soát quyền lực nhà nước trong vấn đề thu hồi đất, đề tài tập trung nghiên cứu một số vấn đề lý luận và cơ sở chính trị pháp lý về kiểm soát quyền lực, đưa ra các yếu tố ảnh hưởng đến quyền lực nhà nước trong thu hồi đất. Bước đầu tìm ra được một số nguyên nhân dẫn đến việc lạm dụng quyền lực ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và lợi ích của người dân có đất bị thu hồi.

Đề tài đưa ra được những giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện pháp luật về kiểm soát nhà nước trong thu hồi đất và nâng cao hiệu quả thực thi trong thực tiễn áp dụng.

Trong phần nội dung “Hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi về kiểm soát quyền lực Nhà nước trong thu hồi đất ở Việt Nam hiện nay”, Ban Chủ nhiệm nhấn mạnh: Lĩnh vực đất đai có tác động mạnh mẽ đến kinh tế, xã hội và đời sống của nhân dân. Sức lan tỏa và ảnh hưởng đến nhiều mặt trong quản lý Nhà nước về đất đai, chính vì vậy, nghiên cứu trong lĩnh vực đất đai là cần thiết.

Kiểm soát quyền lực Nhà nước trong thu hồi đất phải thực hiện từ giai đoạn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lên phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi. Kiểm soát từ giai đoạn lập quy hoạch là kiểm soát từ việc khoanh định loại đất, diện tích, quy mô để sử dụng đất vào mục đích theo định hướng của nhà nước, phát huy thế mạnh của vùng, miền và của cả quốc gia.

“Kiểm soát quyền lực từ những giai đoạn ban đầu có ý nghĩa chiến lược lâu dài bởi lẽ quy hoạch có thời hạn lâu dài và gắn với sự phát triển của vùng miền, hoặc khu vực có đất bị thu hồi nhằm phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng” - Ban Chủ nhiệm nhấn mạnh.

Mặt khác, khi ban hành quyết định thu hồi đất thì cũng phải công bố đồng thời phương án bồi thường, cách tính giá bồi thường hỗ trợ tái định cư cho người sử dụng đất. Việc lấy ý kiến của người dân nơi có đất bị thu hồi phải là từng hộ, từng thửa đất mà người dân đang trực tiếp khai thác những nguồn lợi từ đất, ý kiến của người trực tiếp từ người có đất bị thu hồi chứ không phải là người đại diện cho ý kiến. Phương pháp bồi thường, ý kiến của từng cá nhân, tổ chức phải được tính đến lợi ích lâu bền của người sử dụng đất.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH

Trên cơ sở đó, Ban Chủ nhiệm đề ra các giải pháp nhằm kiểm soát quyền lực Nhà nước trong bảo vệ quyền của người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất. Đó là:

Về giải pháp hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi của những người sử dụng đất khi Nhà nước bị thu hồi. Theo đó, Nhà nước bổ sung quy định về xác định giá bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất; hoàn thiện quy định về hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, nhằm đảm bảo các chính sách cho người sử dụng đất bị thu hồi đất phải có ý nghĩa thực sự chứ không phải tính hình thức; hoàn thiện quy định về giải phóng mặt bằng sau khi thu hồi đất, cần đặt ra yêu cầu về thời gian với giải phóng mặt bằng.

Đồng thời, pháp luật cần đưa ra khoảng thời gian tối đa mà chủ thể giải phóng mặt bằng phải thực hiện xong trách nhiệm. Nếu quá thời gian đó mà không thực hiện được thì dự án sẽ bị thu hồi.

Thực hiện tốt việc đối thoại với người dân khi tiến hành thu hồi đất; tăng cường tuyên truyền để cho người dân hiểu về ý nghĩa của hoạt động thu hồi đất cụ thể; nội dung tuyên truyền phải hướng người dân đến ý nghĩa của việc thu hồi đất.

Đặc biệt, Ban Chủ nhiệm nhấn mạnh: Trong kiểm soát quyền lực Nhà nước trong thu hồi đất thì hoạt động thanh tra có ý nghĩa rất lớn. Thanh tra là để bảo vệ quyền lợi của người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất. Hoạt động thanh tra nhằm trả lời các câu hỏi như: Thanh tra hoạt động thu hồi đất có đúng thẩm quyền, mục đích; hoạt động bồi thời, hỗ trợ có đúng quy định của pháp luật và thảo mãm nguyện vọng chính đáng của người sử dụng đất; hoạt động tái định cư có đảm bảo chất lượng đặc biệt là chất lượng về nhà tái định cư…

Ngoài ra, chính quyền mỗi địa phương cần có kế hoạch đẩy nhanh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Về giải pháp nhằm xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong quá trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất; xây dựng cơ chế giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương; xây dựng cơ chế giám sát của nhân dân với cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất, nhân dân có thể tham gia với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến quyết định thu hồi đất (người sử dụng đất) hoặc là chủ thể không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến quyết định thu hồi đất;  phát huy vai trò của tổ chức tự quản của nhân dân trong kiểm soát quyền lực khi Nhà nước thu hồi đất…

Tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, trong những năm gần đây, số lượng các vụ việc khiếu kiện về đất đai là gia tăng, nhưng vấn đề kiểm soát quyền lực trong thu hồi đất ở Việt Nam là rất ít. Vì thế việc nghiên cứu đề tài là rất cần thiết

Bên cạnh đó, đề tài được đánh giá có hàm lượng thông tin nhiều, đa dạng, là công trình nghiên cứu nghiêm túc, công phu, có chất lượng cao.

Tuy nhiên, việc trình bày chưa chặt chẽ, sự logic giữa các chương còn hạn chế. Với tên đề tài thì cần làm rõ vấn đề kiểm soát quyền lực và thu hồi đất; các nội dung trong đề tài cũng cần phải tập trung vào hai vấn đề đó.

Theo các đại biểu, tại Chương I chia 8 mục là dài quá, vì thế cần co gọn và tập trung làm rõ cơ sở lý luận (kiểm soát quyền lực là gì, thu hồi đất, mối quan hệ giữa kiểm soát quyền lực và thu hồi đất). Chương II chỉ cần nói về vấn đề thực trạng kiểm soát quyền lực của Việt Nam từ năm 1976 cho đến nay; pháp luật hiện hành của Việt Nam quy định về việc kiểm soát quyền lực về đất đai. Từ đó tại Chương III, làm rõ định hướng kiểm soát quyền lực Nhà nước về hoạt động thu hồi đất ở Việt Nam và đưa ra các giải pháp để giải quyết các mục tiêu đã đặt ra.

Trên cơ sở các ý kiến, Ban Chủ nhiệm đề tài sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến và hoàn thiện kết quả nghiên cứu đề tài trong thời gian tới.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Giải pháp nào “hạ nhiệt” giá nhà đất?

Giải pháp nào “hạ nhiệt” giá nhà đất?

(Thanh tra) - Đầu cơ, "tạo giá ảo", "thổi giá", khan hiếm nguồn cung… được cho là những nguyên nhân chính dẫn đến thị trường bất động sản (BĐS) tăng chóng mặt trong thời gian qua, tuy nhiên, giải pháp nào “hạ nhiệt” giá nhà đất vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.

Trần Quý

13:17 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm