Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Vì sao chưa nghiên cứu thành lập Bộ Thanh niên và Thể thao?

Hương Giang

Thứ sáu, 10/07/2020 - 21:31

(Thanh tra) - Ngày 10/7, Văn phòng Chủ tịch Nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam công bố 10 luật đã được kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV thông qua.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. Ảnh: TN

Quy định rõ vai trò, trách nhiệm của thanh niên

Giới thiệu nội dung cơ bản của Luật Thanh niên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, luật lần này không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của thanh niên mà quy định vai trò, trách nhiệm của thanh niên.

Theo ông Tuấn, quy định này làm cơ sở pháp lý định hướng cho thanh niên rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu nâng cao trách nhiệm đối với dân tộc, đất nước, xã hội, gia đình và đối với chính bản thân thanh niên như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”; “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi Nhà nước đã làm cho mình những gì mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải thế nào cho lợi ích nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào”.

Tại buổi họp báo, báo chí đã đặt câu hỏi về việc tại sao chưa nghiên cứu thành lập Bộ Thanh niên và Thể thao như một số ý kiến ĐBQH đã nêu?

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, trong giai đoạn này Quốc hội thấy chưa phù hợp, nên đã quy định trong Luật Thanh niên là Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về thanh niên, giao Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về thanh niên.

"Trong quá trình triển khai thực hiện các bộ, ngành, các địa phương cũng như các tổ chức liên quan đều có trách nhiệm phối hợp (sẽ có cơ chế phối hợp) làm sao đảm bảo thực hiện tốt quản lý Nhà nước về thanh niên", Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nói và nêu rõ, không nghiên cứu để triển khai xây dựng Bộ Thanh niên và Thể thao như ý kiến một số đại biểu Quốc hội đề xuất.

Luật Thanh niên 2020 có 7 chương, 41 điều và đã sửa đổi toàn diện (tăng 1 chương, 5 điều so với luật năm 2005).

Đại biểu Quốc hội chỉ có 1 quốc tịch

Về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, một trong những điểm mới đáng chú ý là đã bổ sung quy định về tiêu chuẩn quốc tịch đối với đại biểu Quốc hội.

Theo đó, ngoài những tiêu chuẩn chung, đại biểu Quốc hội chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho biết, quy định này nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tránh xảy ra vi phạm trong quá trình bầu cử đại biểu Quốc hội như nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14.

Ngoài ra, luật lần này tăng tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất 40% trong tổng số đại biểu để tạo cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự giới thiệu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách từ Quốc hội khóa 15 sắp tới.

Một điểm mới nữa là, luật lần này quy định đổi tên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thành Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; đổi tên Ủy ban Về các vấn đề xã hội thành Ủy ban Xã hội. Tên gọi mới của 2 Uỷ ban bắt đầu thực hiện từ nhiệm kỳ khóa XV của Quốc hội.

"Việc đổi tên của hai Uỷ ban này là để đảm bảo ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, thể hiện được lĩnh vực hoạt động chủ yếu của cơ quan", ông Giang lý giải.

Về cơ cấu của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Luật Sửa đổi, bổ sung lần này vẫn tiếp tục giữ như luật hiện hành nhưng mở rộng cơ cấu của Thường trực Hội đồng Dân tộc và Thường trực các Ủy ban.

Theo đó, Thường trực Hội đồng Dân tộc và Thường trực các Ủy ban gồm: Chủ tịch/Chủ nhiệm; Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm; Ủy viên Thường trực và Ủy viên Chuyên trách.

Tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng Chủ tịch Nước Đào Việt Trung đã đọc Lệnh công bố 10 Luật.

Đó là: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Đầu tư; Luật Thanh niên; Luật Doanh nghiệp; Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định Tư pháp.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm