Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thông qua Luật Tổ chức Quốc hội: Đổi tên 2 Uỷ ban, tăng số lượng đại biểu chuyên trách

Hương Giang

Thứ sáu, 19/06/2020 - 19:13

(Thanh tra) - Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đổi tên thành Ủy ban Văn hóa, Giáo dục. Còn Ủy ban Về các vấn đề xã hội đổi tên thành Ủy ban Xã hội.

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua luật. Ảnh: TN

Chiều ngày 19/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội với 422/451 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách ít nhất là 40%

Theo đó, Quốc hội quyết đổi tên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thành Ủy ban Văn hóa, Giáo dục. Ủy ban Về các vấn đề xã hội đổi tên thành Ủy ban Xã hội.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tên gọi cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, thể hiện khái quát được lĩnh vực hoạt động chủ yếu của cơ quan để phân biệt với các cơ quan khác. Điều nay nhận được sự ủng hộ của đa số các vị đại biểu Quốc hội.

Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cũng được nâng lên “ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội”.

Luật này có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021, tuy nhiên, những thay đổi nói trên được thực hiện từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật trước khi Quốc hội bấm nút biểu quyết, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay, việc nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% đã thể hiện sự cân nhắc, tính toán kỹ. Đây là cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự để giới thiệu tham gia ứng cử làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, từ đó tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Ảnh: TN

“Để bảo đảm tính khả thi của quy định này, trong thời gian tới, Đề án bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV sẽ cụ thể hóa các nội dung liên quan cũng như xem xét việc bố trí hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở từng địa phương”, ông Tùng cho hay.

Nâng tiêu chuẩn về trình độ... sẽ hạn chế quyền ứng cử vào Quốc hội

Cũng theo ông Tùng, khi thảo luận, một số ý kiến đề nghị cần quy định tiêu chuẩn cụ thể cao hơn đối với đại biểu Quốc hội, đồng thời, không quy định tiêu chuẩn về độ tuổi đối với đại biểu Quốc hội. Ý kiến khác không tán thành và cho rằng, đại biểu Quốc hội là người đại diện cho các giai tầng khác nhau trong xã hội nên không thể quy vào một tiêu chuẩn chung.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, ngoài các tiêu chuẩn chung của đại biểu Quốc hội đã được Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành quy định, nếu đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn về trình độ chuyên môn, năng lực, kỹ năng làm việc (như am hiểu toàn diện các vấn đề kinh tế - xã hội, có khả năng tranh luận, tư duy phản biện, kỹ năng biểu đạt ý kiến…) sẽ làm hạn chế quyền ứng cử vào Quốc hội của công dân đã được quy định trong Hiến pháp.

Theo quy trình bầu cử hiện nay, bên cạnh những người tự ứng cử, phần lớn người tham gia ứng cử là đại diện do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước ở trung ương và địa phương lựa chọn, giới thiệu ứng cử để bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội.

Đối với mỗi loại cơ quan, tổ chức, đơn vị, hiện đã có những quy định riêng của Đảng, quy định của từng cơ quan, tổ chức trong việc xác định tiêu chuẩn, điều kiện khi xem xét, lựa chọn nhân sự.

Những nội dung, quy định này sẽ tiếp tục được nghiên cứu, rà soát để hoàn thiện. Cạnh đó, để nâng cao chất lượng của đại biểu Quốc hội nói chung, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc sàng lọc, lựa chọn, giới thiệu đại diện tiêu biểu, ưu tú nhất của mình tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội để cử tri có điều kiện lựa chọn người thực sự xứng đáng làm đại biểu Quốc hội

“Xin Quốc hội cho phép không bổ sung nội dung này trong dự thảo luật”, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật báo cáo trước Quốc hội.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm