Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vận tải bằng ô tô: Cắt 12, “đẻ” thêm 85 điều kiện kinh doanh

Thứ sáu, 24/08/2018 - 09:46

(Thanh tra)- So với Nghị định 86/2014/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô hiện đang có hiệu lực thi hành, dự thảo sửa đổi Nghị định này đã cắt bỏ 12 điều kiện nhưng lại bổ sung thêm 85 điều kiện...

Các chuyên gia cho rằng, cần xem Uber, Grab như là một xu hướng kinh doanh mới. Ảnh minh họa: internet

Còn điều kiện “con cháu” nữa không?

Theo đánh giá của các chuyên gia pháp lý và kinh tế, dù đã qua nhiều lần chỉnh sửa, dự thảo sửa đổi Nghị định 86 hiện đang được Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến vẫn chưa ổn.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, theo thống kê của CIEM, so với Nghị định hiện hành, dự thảo mới đã cắt bỏ 12 điều kiện nhưng lại bổ sung thêm 85 điều kiện.

Trong đó, có 64 điều kiện bổ sung thêm ngay trong dự thảo và 21 điều kiện được thể hiện dưới dạng “theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải”.

Theo bà Thảo, rõ ràng dự thảo không đạt mục tiêu, yêu cầu Chính phủ đề ra là cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% các điều kiện kinh doanh. "Với 21 điều kiện kinh doanh quy định kiểu "theo quy định của Bộ trưởng Giao thông Vận tải" thì không biết còn bao nhiêu điều kiện "con cháu" nào khác nữa hay không?”, bà Thảo băn khoăn.

Luật sư Trương Thanh Đức. Ảnh TN

Chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường, giá cả đã chỉ ra một loạt quy định trong dự thảo tạo thêm gánh nặng, phát sinh chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp (DN) vận tải và người dân.

Như quy định hợp đồng vận tải phải có thông tin “hạng giấy phép lái xe, số giấy phép lái xe” của lái xe, “năm sản xuất” của phương tiện. Hay, quy định các đơn vị vận tải, đơn vị cung cấp phần mềm, thậm chí cả lái xe, hành khách phải sử dụng chữ ký điện tử hoặc chữ ký số trong quá trình giao dịch.

“Phải tôn trọng quyền tự quyết của DN và hạn chế đưa ra các điều kiện kinh doanh không cần thiết. Khi đưa ra bất kỳ một điều kiện hay yêu cầu nào hạn chế quyền tự chủ của DN cần phải xác định rõ mục tiêu quản lý, để làm gì, có tác dụng gì và tác dụng đó có bù đắp được cho chi phí của xã hội hay không”, ông Long gay gắt.

Vị chuyên gia kinh tế đề nghị, phải có sự phản biện của các cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính, kiên quyết loại bỏ các điều kiện kinh doanh không chứng minh được sự cần thiết, tránh tạo gánh nặng, chi phí không cần thiết cho DN, gián tiếp làm gia tăng chi phí cho người tiêu dùng và xã hội.

Can thiệp sâu vào việc kinh doanh của DN

Cũng theo phân tích từ các chuyên gia, đại diện DN, dự thảo sửa đổi Nghị định 86 chưa giải quyết được những vấn đề cũ, mà còn làm phức tạp thêm thị trường vận tải.

Đại diện DN Thành Bưởi (TP Hồ Chí Minh) gay gắt, dự thảo Nghị định còn rất nhiều quy định cấm đoán hành chính, gây khó khăn, can thiệp sâu vào việc kinh doanh của DN. Dự thảo cũng không đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh mà còn làm tăng thêm nhiều điều kiện rất vô lý. Đơn cử, quy định trong thời gian một tháng, mỗi xe không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm khởi hành và kết thúc trùng nhau.

Không để cắt giảm hình thức

Chính phủ đã đặt chỉ tiêu: rà soát và cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, hiện còn nhiều phản ánh về thủ tục kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh vẫn phiền hà, tốn kém thời gian, phát sinh chi phí. Các phương án cắt giảm đưa ra nhưng chưa được áp dụng trên thực tế. Tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục vẫn diễn ra ở nhiều nơi.

“Với vai trò gác cổng, Văn phòng Chính phủ sẽ có kênh đánh giá độc lập, làm rất kỹ, tránh tình trạng cắt giảm hình thức hoặc cắt điều kiện này mọc điều kiện khác”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết và nhấn mạnh, “nếu chúng ta không đồng bộ, không áp từ trên xuống thì không ai muốn cải cách, vì cán bộ thực thi thủ tục không muốn rời bỏ quyền lợi”.

Theo Tổ công tác của Thủ tướng, đến nay mới chính thức cắt được 900/5.905 điều kiện kinh doanh (tương ứng 15,2%) của các ngành: Công thương, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông.

Còn 2.363 điều kiện kinh doanh (40%) đã có phương án tiếp tục cắt giảm nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể, thuộc trách nhiệm của 14 bộ: Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico thẳng thắn, dự thảo cần được xem lại, làm lại.

"Những nội dung thay đổi trong dự thảo không phải đổi mới, càng không phải là đột phá mà mới chỉ là sửa chữa sai lầm, nhầm lẫn, vô lý, cản trở phát triển. Đáng nói hơn, nếu chỉ xét về các điều kiện kinh doanh, điều mà Chính phủ đang nỗ lực cắt bỏ và đơn giản hóa thì dự thảo Nghị định 86 này đã bớt 1, thêm 5", luật sư Đức bày tỏ.

Chỉ riêng khái niệm kinh doanh vận tải, theo Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico đã có những bất hợp lý. “Uber, Grab sử dụng phần mềm để phục vụ chung cho các đơn vị kinh doanh vận tải, thực hiện điều hành các phương tiện kinh doanh vận tải để vận chuyển hành khách (quyết định phương tiện nào sẽ thực hiện đón khách), quyết định giá cước vận tải thì không thể gọi là đơn vị kinh doanh vận tải như ý kiến trong dự thảo tờ trình của Bộ Giao thông Vận tải”, ông Đức nêu.

Vị luật sư này lý giải, vì như vậy cùng với đơn vị có xe, có song song 2 đơn vị đồng thời cùng kinh doanh vận tải theo từng chuyến xe là không hợp lý.

Không triệt tiêu xu hướng kinh doanh mới

Cho nên, cần phải nhìn nhận Uber, Grab là một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới, sự kết hợp giữa kinh doanh vận tải ô tô và kinh doanh công nghệ, chưa có trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008, nên cần quy định các điều kiện khác.

Đồng ý Uber, Grab là 1 hiện tượng của xu hướng kinh doanh mới, theo Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung, bản chất là chia sẻ nền kinh tế số. Khi tiềm năng của Grab, Uber đang rất lớn, muốn hay không muốn nó vẫn tồn tại.

Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung. Ảnh TN

“Nếu cấm taxi Grab, Uber, các công ty công nghệ trong nước cũng không phát triển được. Đừng vì một hiện tượng mà xóa đi hay ngăn cản những xu thế thế kinh doanh mới”, ông Cung nhấn mạnh, muốn cạnh tranh với Uber, Grab, các DN taxi truyền thống phải làm mới, phát huy những sáng kiến.

Còn ở góc độ quản lý Nhà nước, theo Viện trưởng CIEM, “phải suy nghĩ theo thị trường, theo sự phát triển của công nghệ và phương thức kinh doanh mới chứ không phải dùng thủ tục hành chính can thiệp".

Cũng nhấn mạnh “cần phải đổi mới quan điểm về mô hình kinh doanh”, PGS.TS. Ngô Trí Long chỉ ra, lợi ích của việc sử dụng công nghệ là tính minh bạch cao, giúp hành khách và người điều khiển phương tiện tiết kiệm thời gian khi giao dịch, trao đổi giá, góp phần điều tiết giao thông trong giờ cao điểm.

“Kết quả thí điểm theo Quyết định 24/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải là minh chứng rõ ràng nhất cho hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ, phần mềm trong hoạt động của các đơn vị vận tải. Kết quả này đã khiến các hợp tác xã vận tải nhỏ lẻ trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm, buộc các hãng taxi truyền thống phải nhanh chóng cải tiến công nghệ, chất lượng dịch vụ để phục vụ hành khách tốt hơn”, ông Long cho hay.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm