Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh tra

Thái Hải

Thứ năm, 15/09/2022 - 16:52

(Thanh tra) - Đó là mục tiêu nghiên cứu được đặt ra tại đề tài khoa học cấp bộ “Giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra” do TS Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra làm chủ nhiệm.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH

Tại hội thảo về nội dung nghiên cứu đề tài, TS Cung Phi Hùng cho biết, với mục tiêu nghiên cứu là đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật thanh tra về lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh tra; đề xuất các giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra.

Đề tài gồm 3 chương: Chương 1: Cơ sở lý luận xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra; Chương 2: Thực trạng pháp luật và hoạt động ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra; Chương 3: Giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra.

Theo TS Cung Phi Hùng, xây dựng kế hoạch thanh tra, tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra là những khâu quan trọng liên quan đến chất lượng, hiệu quả của hoạt động thanh tra.

Tuy nhiên hiện nay, việc xây dựng kế hoạch thanh tra vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Thông thường kế hoạch công tác thanh tra hàng năm của mỗi tổ chức thanh tra căn cứ trên cơ sở hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ, của bộ, ngành và uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, ngoài ra, còn một số cuộc thanh tra đột xuất.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của thanh tra một số bộ, ngành như: Tài chính, thuế, khoa học và công nghệ, thuỷ sản... Do chưa có sự thống nhất về thời gian trong chỉ đạo giao và duyệt kế hoạch thanh tra, dẫn đến việc chưa xử lý được chồng chéo giữa hoạt động thanh tra hành chính với thanh tra chuyên ngành.

Mặt khác, thanh tra chuyên ngành ở các địa phương còn nhiều lúng túng, thụ động trong việc tổ chức thực hiện. Thực tế nhiều cuộc thanh tra còn chưa đảm bảo thời hạn, thời hiệu thanh tra hoặc còn chồng chéo trong hoạt động thanh tra.

Ngoài ra, ở một số đơn vị, khi hết năm công tác theo kế hoạch, nhưng vẫn còn có cuộc thanh tra chưa kết thúc, do đó, phải chuyển sang đầu năm tiếp theo tiếp tục tiến hành thanh tra. Tuy nhiên, xét về góc độ quản lý thì đây là việc không hoàn thành kế hoạch bởi lẽ công việc của kế hoạch năm trước đã phải chuyển năm sau, điều này làm cho cả đơn vị được thanh tra, kiểm tra lẫn cơ quan tiến hành thanh tra, kiểm tra đều thụ động.

Thời gian giữa thanh tra hành chính với thanh tra chuyên ngành thường ''lệch pha'' gây khó khăn, thụ động trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra. Thanh tra Chính phủ chưa thống nhất chỉ đạo trong việc xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm về thời gian, cũng như các lĩnh vực trọng yếu trong năm đối với thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.

Các tổ chức thanh tra chưa thực hiện được các bước khảo sát cụ thể, sâu sát đúng tình hình thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình chấp hành công tác thanh, kiểm tra của đơn vị trong thời gian dự kiến để đưa vào xây dựng kế hoạch thanh tra năm tới nên còn hạn chế trong việc giúp cho công tác lãnh đạo, quản lý điều hành của chính quyền các cấp, lãnh đạo các cơ quan chuyên môn chưa sát thực tiễn và hiệu quả.

Việc các cuộc thanh tra đã được phê duyệt trong kế hoạch năm trước nhưng hết năm đó mà chưa kết thúc và Thanh tra Chính phủ chưa có hướng dẫn cụ thể về việc đưa các cuộc thanh tra chưa được thực hiện đó vào kế hoạch năm tiếp theo hay không.

“Nguyên nhân là do xây dựng kế hoạch thanh tra bằng phương pháp truyền thống hiện nay nên rất khó có sự thống nhất chung trong toàn ngành. Chỉ có xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra để cho các cơ quan thanh tra Nhà nước ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia này trong xây dựng kế hoạch thanh tra sẽ khắc phục được tình trạng trên”, TS Cung Phi Hùng nhấn mạnh.

Cho ý kiến tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, đề tài cần có sự tổng kết thực tiễn về phát luật và ứng dụng dữ liệu về thanh tra; làm rõ khái niệm “cơ sở dữ liệu quốc gia”, “cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra”, cơ sở dữ liệu quốc gia bao gồm những yếu tố gì; xác định thẩm quyền xây dựng và đối tượng phục vụ của việc xây dựng dữ liệu quốc gia về thanh tra; bổ sung nội dung quản lý dữ liệu quốc gia về thanh tra.

Đối với Chương II, Ban Chủ nhiệm cần tăng tính thực tiễn thông qua các số liệu, đánh giá sát hơn thực trạng pháp luật và hoạt động ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra; làm rõ hơn phương pháp xây dựng dữ liệu quốc gia về thanh tra và các thông tin được đưa vào dữ liệu quốc gia về thanh tra…

Trên cơ sở đó, ở Chương III phải đánh giá được những tồn tại, hạn chế, bất cập và nguyên nhân để đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật và giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra.

Kết thúc hội thảo, chủ nhiệm đề tài phát biểu cảm ơn và tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự để tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện đề tài trong thời gian tới.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm