Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trợ giúp pháp lý giúp công dân tiếp cận được công lý, hiểu rõ quyền và nghĩa vụ khi tham gia pháp luật

Thái Hải (Thực hiện)

Thứ ba, 11/06/2024 - 13:23

(Thanh tra) - Mỗi ngành, mỗi cơ quan, tổ chức khi cử người tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương (TCDTƯ) nên xây dựng kế hoạch hoạt động; phải có tập huấn thường xuyên cho cán bộ, luật sư, luật gia về kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn để có thể đáp ứng được các yêu cầu giải quyết KNTC của công dân theo đúng quy định của pháp luật.

Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Ảnh: Liên đoàn Luật sư

Đó là chia sẻ của Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam với phóng viên Báo Thanh tra về công tác trợ giúp pháp lý trong việc tiếp công dân tại Trụ sở TCDTƯ.

Phát hiện những lỗ hổng trong việc xây dựng thể chế

+ Xin ông cho biết, sau 6 năm thực hiện quy chế phối hợp tiếp công dân, giải quyết KNTC của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại Trụ sở TCDTƯ theo Quy chế số 02 giữa Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, đã đạt được kết quả như thế nào?

+ Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh: Kết quả phối hợp tiếp công dân, giải quyết KNTC của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại Trụ sở TCDTƯ được thể hiện trên một số mặt như sau:

Thứ nhất là sự phối hợp tiếp công dân, giải quyết KNTC của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại Trụ sở TCDTƯ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam đã thể hiện được trách nhiệm của Nhà nước, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam đối với những KNTC của công dân theo quy định của pháp luật. Giúp công dân tiếp cận được công lý, hiểu rõ hơn quyền và nghĩa vụ khi công dân tham gia vào các quan hệ pháp luật. Từ đó, các công dân có KNTC sẽ có những ứng xử phù hợp với pháp luật. Sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành trong việc tiếp công dân đã hướng dẫn cho nhiều người dân đến KNTC đúng quy định.

Thực tế cho thấy, số vụ việc KNTC của công dân và vụ việc khiếu kiện đông người đang có xu hướng giảm hàng năm. Kết quả đó cũng có một phần quan trọng từ hoạt động giải quyết KNTC của các cơ quan ban ngành tại Trụ sở TCDTƯ trong đó có sự đóng góp của đội ngũ luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Trong quá trình luật sư tham gia tiếp công dân tại trụ sở, một mặt luật sư đã thực hiện đúng trách nhiệm nghề nghiệp, đã trợ giúp pháp lý một cách trung thực, khách quan, độc lập, trên cơ sở pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Mặt khác, hoạt động trợ giúp pháp lý của các luật sư tại Trụ sở TCDTƯ ở TP Hà Nội được Thanh tra Chính phủ phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện cho luật sư thực hiện các hoạt động tư vấn cho người dân theo quy định của pháp luật.

Thứ 2, thông qua hoạt động giải quyết KNTC tại Trụ sở TCDTƯ, các cơ quan, ban ngành cũng đã phát hiện những lỗ hổng trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế trong hệ thống pháp luật khi điều chỉnh những quan hệ pháp luật có liên quan đến công dân. Qua đó, các cơ quan ban ngành có kiến nghị đến các cơ quan Trung ương và địa phương trong việc xây dựng pháp luật, góp phần hoàn thiện pháp luật, từng bước hoàn thiện thể chế pháp lý của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, qua việc giải quyết KNTC tại TCDTƯ, các cơ quan ban ngành cũng phát hiện những khiếm khuyết, tồn tại thiếu sót trong việc thực hiện pháp luật, thực hiện chức năng nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước, từ đó có các kiến nghị phù hợp với các cơ quan ban ngành.

Đặc biệt là trách nhiệm và việc giải quyết không triệt để, thiếu trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành và chính quyền ở cấp cơ sở và địa phương khi giải quyết KNTC của công dân. Những biểu hiện né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm khi giải quyết KNTC của công dân vẫn còn tồn tại ở một số nơi và một số cơ quan. Những nội dung nêu trên đã được phát hiện qua công tác giải quyết KNTC. Từ đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đội ngũ luật sư Việt Nam có những đề xuất với các cơ quan ban ngành và chính quyền địa phương nên có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả khi giải quyết KNTC của công dân theo đúng quy định pháp luật.

Ngoài ra, thông qua các hoạt động tư vấn pháp lý của luật sư, người dân đi khiếu kiện đã có cơ hội tiếp cận với dịch vụ pháp lý của luật sư, qua đó người dân hiểu rõ hơn quyền và nghĩa vụ của họ trong các quan hệ pháp lý. Luật sư đã giải thích rõ cho người dân về trình tự thủ tục khiếu kiện, quyền nghĩa vụ khi khiếu kiện, giúp cho họ biết là việc khiếu kiện có phù hợp với pháp luật hay không, có nên tiếp tục khiếu kiện nữa hay không nếu thời hiệu, thời hạn theo quy định của pháp luật đã hết hạn.

Xây dựng kế hoạch hoạt động khi tham gia giải quyết KNTC

+ Theo ông, trong quá trình tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người dân, các luật sư, luật gia tại Trụ sở TCDTƯ gặp những vướng mắc nào cần được tháo gỡ?

+ Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh: Vụ việc người dân KNTC tại Trụ sở TCDTƯ thường là những vụ việc phức tạp đã qua nhiều cấp giải quyết nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục KNTC. Thời gian nghiên cứu, lắng nghe công dân trình bày vụ việc và tiếp cận vụ việc của luật sư là rất ít và rất ngắn chỉ trong 1 buổi tiếp dân, so với hồ sơ và tính chất vụ việc rất phức tạp. Điều đó đòi hỏi luật sư phải hiểu rõ được bản chất vụ việc ngay và định hình được các quan hệ pháp lý có thể tư vấn, giải thích pháp luật, giúp người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của họ trong các quan hệ pháp luật, hướng dẫn cho người dân KNTC theo quy định pháp luật.

Luật sư tham gia tư vấn pháp lý tại Trụ sở TCDTƯ. Ảnh: TH

Mặt khác, các vụ việc khiếu kiện thường phức tạp, kéo dài, được giải quyết qua nhiều cơ quan, nhiều cấp tồn đọng, do đó luật sư cần nhiều thời gian để nghiên cứu.

Việc giải quyết KNTC của các cơ quan, ban ngành tại Trụ sở TCDTƯ không phải là cấp giải quyết theo thẩm quyền để có kết quả ngay, mà công tác này chỉ mang tính hướng dẫn về thủ tục trình tự giải quyết theo quy định pháp luật. Qua đó, định hướng hành vi cho các chủ thể KNTC. Do đó, luật sư, luật gia chỉ thực hiện tư vấn, giải thích pháp luật nên có thể chưa đáp ứng được hết các mong muốn, yêu cầu của công dân.

Người dân khi đến KNTC tại Trụ sở TCDTƯ bao giờ cũng mong muốn các cơ quan ban ngành giải quyết dứt điểm các KNTC cho họ, nhưng thực chất việc giải quyết của công dân tại Trụ sở TCDTƯ chỉ dừng lại ở phạm vi hướng dẫn về thủ tục KNTC theo đúng quy định của pháp luật là chính. Do đó, luật sư, luật gia phải nhận thức đúng được vị trí, vai trò của mình thì mới giúp được cho người dân.

+ Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, góp phần ổn định, đảm bảo an ninh trật tự tại trụ sở các cơ quan Trung ương như ông đã nêu, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có kiến nghị, đề xuất gì với Thanh tra Chính phủ?

+ Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh: Liên đoàn Luật sư Việt Nam có một số kiến nghị, đề xuất như sau:

Một là, cần tiếp tục thực hiện sự điều phối và chỉ đạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ tại Trụ sở TCDTƯ trong việc giải quyết KNTC của công dân theo đúng quy định pháp luật. Từ đó mới có thể xử lý kịp thời nhanh gọn việc giải quyết các KNTC của công dân khi đến trụ sở, đặc biệt là Thanh tra Chính phủ cần phải có các phương án xử lý các KNTC của công dân với những đoàn khiếu nại đông người.

Trong đó, khâu đầu tiên để giải quyết KNTC tận gốc là công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về quyền, nghĩa vụ người dân, quyền và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong quan hệ pháp luật có liên quan đến lợi ích hợp pháp của người dân. Mỗi luật sư phải làm như thế nào để người dân hiểu được quyền, lợi ích hợp pháp của họ và họ cũng phải có trách nhiệm thực hiện đúng pháp luật. Nếu người dân hiểu và tin vào chính sách pháp luật thì việc khiếu kiện sẽ ít dần đi.

Đối với các vụ việc khiếu kiện kéo dài nhiều năm, UBND các cấp nên tập trung giải quyết dứt điểm, trong đó có thể huy động Đoàn Luật sư, Hội Luật gia, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội khác cùng tham gia, hạn chế tối đa các vụ việc đưa về cơ quan Trung ương giải quyết.

Các cơ quan có thẩm quyền lựa chọn một số vụ việc khiếu kiện kéo dài, tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm, không nên để việc khiếu kiện của dân kéo dài sẽ ảnh hưởng tới tình hình trật tự và an sinh xã hội nói chung. Nên lựa chọn một số vụ việc phức tạp kéo dài, trên cơ sở đó thành lập tổ công tác liên ngành của 5 cơ quan tại trụ sở phối hợp để giải quyết các vụ việc đó, có thể là giải quyết ngay tại trụ sở hoặc có thể là về địa phương để giải quyết triệt để.

Hai là, việc giải quyết KNTC tại Trụ sở TCDTƯ thường có nhiều biến động về số lượng vụ việc, số người KNTC nên việc tiến hành giao ban, họp rút kinh nghiệm giữa Thanh tra Chính phủ với các cơ quan, ban ngành cần được triển khai thường xuyên. Thanh tra Chính phủ cần chủ động chủ trì, tổng kết để giúp cho các cơ quan, ban, ngành và luật sư có thêm kinh nghiệm, kiến thức trong việc giải quyết KNTC.

Ba là, mỗi ngành, mỗi cơ quan, tổ chức khi cử người tham gia giải quyết KNTC tại Trụ sở TCDTƯ nên xây dựng kế hoạch hoạt động khi tham gia vào công việc chung tại trụ sở. Phải có tập huấn thường xuyên cho cán bộ, luật sư, luật gia về kỹ năng, về nghiệp vụ chuyên môn để có thể đáp ứng được các yêu cầu giải quyết KNTC của công dân theo đúng quy định của pháp luật.

Khi Liên đoàn Luật sư Việt Nam tập huấn cho đội ngũ luật sư thì Thanh tra Chính phủ cùng tham dự, chia sẻ và hỗ trợ luật sư tham gia công việc chung khi giải quyết KNTC phải đạt 2 mục tiêu vừa có thể giúp được cho dân, vừa giúp được cho cơ quan Nhà nước làm đúng pháp luật.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm