Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Trách nhiệm giải trình là công cụ thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thái Hải

Thứ năm, 27/07/2023 - 16:44

(Thanh tra) - Là một trong những mục tiêu của đề tài khoa học cấp bộ “Việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính Nhà nước (HCNN) và các công cụ bảo đảm thực hiện nhằm phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực” do ThS Phạm Thị Thu Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CL&KHTT) làm chủ nhiệm được Viện CL&KHTT tổ chức hội thảo hoàn thiện đề cương nghiên cứu vào ngày 27/7.

ThS Phạm Thị Thu Hiền, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT trình bày đề cương nghiên cứu. Ảnh: TH

Trình bày đề cương nghiên cứu, bà Phạm Thị Thu Hiền nhấn mạnh, việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan HCNN và các công cụ bảo đảm thực hiện nhằm PCTN, tiêu cực là cần thiết để tiếp tục nghiên cứu sâu về thực trạng thực hiện trách nhiệm giải trình và công cụ bảo đảm cho việc thực hiện trách nhiệm giải trình ở Việt Nam hiện nay, qua đó đánh giá tổng thể các hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân đặt ra để từ đó tìm ra các giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện công cụ bảo đảm thực hiện trách nhiệm giải trình ở Việt Nam trong thời gian tới.

Trách nhiệm giải trình là một trong các giá trị cơ bản mà hầu hết các nền công vụ trên thế giới đều hướng đến để xây dựng và phát triển.

Ở Việt Nam, dù không được quy định trong các văn bản nhưng cũng đã gián tiếp khẳng định những giá trị cốt lõi mà nền công vụ Việt Nam muốn xây dựng là phục vụ nhân dân, dân chủ gắn liền với pháp quyền, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực và hiệu quả.

Để thiết lập được giá trị này thì trách nhiệm giải trình là một hạt nhân quan trọng, đặc biệt trong việc góp phần PCTN, thiết lập giá trị “trong sạch” của nền công vụ. Trách nhiệm giải trình đòi hỏi cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức phải có trách nhiệm đối với hoạt động của mình, bao gồm cả việc công bố, cung cấp, giải thích các thông tin về hoạt động và chịu trách nhiệm đối với nó.

Hiện nay, việc thực hiện trách nhiệm giải trình mặc dù đã có những tiến bộ nhất định nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, hạn chế. Việc giải trình thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, họp báo nhiều khi còn hình thức.

Thực tiễn tổng kết việc thực hiện Luật PCTN cho thấy, việc yêu cầu và thực hiện giải trình không nhiều. Tính đến năm 2016, các cơ quan Nhà nước chỉ tiếp nhận và thực hiện giải trình 17/17 yêu cầu của người dân. Các hình thức để cán bộ, công chức chịu trách nhiệm còn thiếu mạnh mẽ, mới chỉ áp dụng hình thức lấy phiếu tín nhiệm (đánh giá mức độ tín nhiệm để làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá cán bộ) đối với các chức danh trong Chính phủ, mà chưa áp dụng hình thức bỏ phiếu tín nhiệm (thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm), việc lấy phiếu tín nhiệm còn nể nang, hình thức, ít tác dụng trong việc bảo đảm thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, hầu hết việc vi phạm quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình ít được xử lý nghiêm chưa thực hiện văn hóa từ chức đối với lãnh đạo không thực hiện đúng trách nhiệm của mình.

Kết quả khảo sát PAPI năm 2020 cũng cho thấy điểm chỉ số nội dung “trách nhiệm giải trình với người dân” năm 2020 của Việt Nam ở mức thấp với mức điểm cấp tỉnh chỉ trong khoảng từ 4,4 đến 5,82 trên thang điểm từ 1 đến 10.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH

Một trong những lý do quan trọng dẫn tới những hạn chế này là các công cụ bảo đảm cho việc thực hiện trách nhiệm giải trình như công cụ pháp lý, công cụ tổ chức, con người, công cụ tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ còn chưa hoàn thiện về công cụ pháp lý.

Luật PCTN năm 2005 và Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 8/8/2013 của Chính phủ là những văn bản đầu tiên ghi nhận về thuật ngữ trách nhiệm giải trình với giải thích về trách nhiệm giải trình là việc cơ quan Nhà nước/tổ chức/đơn vị/cá nhân cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, hành vi của mình và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó.

Luật và Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN 2018 cũng quy định bước đầu về nguyên tắc, nội dung, trình tự, thủ tục thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền nhưng chủ yếu là về việc giải trình trước xã hội khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân hoặc khi báo chí đăng tải thông tin, yêu cầu trả lời.

Bên cạnh đó, công cụ tổ chức, con người bao gồm trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân còn chưa đầy đủ, rõ ràng, năng lực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân còn hạn chế. Công cụ về tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật, công nghệ cũng chưa đầy đủ, hoàn thiện để bảo đảm vững chắc cho việc thực hiện trách nhiệm giải trình cả chủ động và theo yêu cầu. Công cụ về thông tin, truyền thông như việc tiếp cận thông tin của người dân, sự phát triển của các phương tiện thông tin, truyền thông cũng còn một số khó khăn, hạn chế…

Mục tiêu là làm sáng tỏ cơ sở lý luận, chính trị, pháp lý và thực tiễn để đề xuất các giải pháp, kiến nghị, bảo đảm việc trách nhiệm giải trình của cơ quan HCNN nhằm PCTN, tiêu cực.

Cho ý kiến vào đề cương nghiên cứu, các đại biểu cho rằng, đề tài gắn với mục tiêu là PCTN, tiêu cực sẽ khác với đề tài khác nói về giải trình nói chung. Nhận thấy, đề tài đang ở hướng phạm vi rộng, hơi dàn trải, các đại biểu đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu có trọng tâm, trọng điểm mới có giá trị ứng dụng.

Chương I, khái niệm đề tài đưa ra rất rộng, không phải là quyết định hành vi. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài cần khéo léo đưa ra có mục tiêu là phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Khái niệm công cụ bảo đảm, nếu không giải quyết tốt, người đọc sẽ nghĩ ngay đến điều kiện bảo đảm. Vậy nên đề tài cần xác định rõ công cụ bảo đảm ở đây là công cụ thực hiện.

Trong phần chương 1, 2 cần làm rõ thêm phần công cụ bảo đảm.

Trong chương 3 nên có giải pháp cho cả trách nhiệm giải trình và điều kiện đảm bảo. Trong phần kiến nghị, cần có những kiến nghị về luật hay nghị định cho phù hợp.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm