Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

TP Hà Nội hay Bộ Y tế sẽ quản lý các bệnh viện Trung ương?

Phương Anh

Thứ năm, 10/08/2023 - 06:36

(Thanh tra)- Trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến, Ban Soạn thảo đề xuất chuyển giao các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, cơ quan Nhà nước ở Trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô về TP Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bệnh viện của các trường đại học y. Nội dung này đang thu hút sự quan tâm của các bệnh viện và chuyên gia trong ngành.

Dù đơn vị nào quản lý thì mục tiêu hướng tới là người dân thuận lợi nhất trong khám, chữa bệnh. Ảnh: PV

Với vai trò là Giám đốc Câu lạc bộ Các bệnh viện phía Bắc, ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, qua trao đổi với nhiều lãnh đạo bệnh viện tuyến tỉnh đều nhận được thông tin đề nghị các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành vẫn tiếp tục do Bộ Y tế quản lý để đảm bảo sự chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm, hiện trên thế giới, hầu hết các nước phát triển có nhiều bệnh viện tư, nhưng họ vẫn có 20 - 30% bệnh viện công do Chính phủ trực tiếp quản lý để làm công tác an sinh xã hội.

Về vấn đề này, ông Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương cho biết, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn Hà Nội hiện nay đều là các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành, có cả hạng đặc biệt, là bệnh viện tuyến cuối, có tầm ảnh hưởng quốc tế và quan hệ quốc tế, phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, tương đương với các nước trong khu vực và thế giới.

Ngoài ra, Bộ Y tế và các bệnh viện tuyến Trung ương còn có khả năng huy động và hỗ trợ, tổng hợp các nguồn lực để ứng phó với các tình huống khẩn cấp như dịch Covid-19 vừa qua.

Không những vậy, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế còn là cánh tay nối dài của Bộ Y tế trong hoạt động khám, chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh. Qua dịch Covid-19, do Tây Nguyên chưa có bệnh viện Trung ương tại vùng, nên Bộ Y tế đã đề nghị và được Bộ Chính trị đồng ý thông qua Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có việc xây dựng Bệnh viện Đa khoa Trung ương Tây Nguyên, hiện Bộ Y tế đang gấp rút triển khai.

Đại diện các bệnh viện cũng cho rằng, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế như Bệnh viện K, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương không chỉ có nhiệm vụ khám và điều trị bệnh cho 10 triệu dân Hà Nội mà còn cho hàng chục triệu người dân của các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Do vậy, việc đưa các bệnh viện đầu ngành về trực thuộc Hà Nội sẽ đồng nghĩa thu hẹp tầm hoạt động của bệnh viện.

Vì vậy, là đơn vị trực thuộc Bộ Y tế sẽ có vị thế hơn rất nhiều trong việc hợp tác quốc tế và tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển…

Theo thống kê, TP Hà Nội hiện có 42 bệnh viện công, 7 bệnh viện bộ, ngành khác ngoài Bộ Y tế, 43 bệnh viện tư nhân, 579 trạm y tế và 3.895 phòng khám đa khoa, chuyên khoa và cơ sở y tế tư nhân. Bên cạnh đó, TP Hà Nội đang quản lý hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh dược, trang thiết bị các cơ sở y tế khối dự phòng, kiểm nghiệm.

Bộ Y tế hiện có 34 bệnh viện trực thuộc đang đảm nhận nhiệm vụ khám, chữa bệnh tuyến cuối, chỉ đạo tuyến, đào tạo nhân lực y tế; nghiên cứu, phát triển các kỹ thuật, phương pháp chẩn đoán và điều trị mới; hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước về chuyên ngành; hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật…

Theo Dự thảo Đề án Tổng thể sắp xếp lại bệnh viện trực thuộc, Bộ Y tế chỉ giữ lại các bệnh viện đầu ngành, đảm nhận vai trò ứng phó và hỗ trợ chuyên môn cấp quốc gia; có năng lực thực hiện các nghiên cứu ứng dụng, phát triển kỹ thuật chuyên sâu mới; tiếp nhận và chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến…

Dự kiến, Bộ Y tế sẽ còn 30 bệnh viện trực thuộc. 3 bệnh viện được tổ chức lại thành bệnh viện thực hành, hoặc sáp nhập với bệnh viện khác trực thuộc Bộ Y tế; chuyển 1 bệnh viện về địa phương quản lý.

Theo các chuyên gia trong ngành, nếu chuyển các đơn vị về trực thuộc Hà Nội thì sẽ làm giảm đầu mối của Bộ Y tế nhưng lại làm tăng đầu mối của địa phương. Như vậy, số đơn vị đầu mối không thay đổi. Đó là chưa kể hiện Hà Nội đang đầu tư phát triển bệnh viện vùng, bệnh viện khu vực tại một số địa điểm. Vì thế, việc đưa các bệnh viện thuộc Bộ Y tế về Hà Nội quản lý sẽ gây ra sự lãng phí chồng chéo.

“Tuy nhiên, dù đơn vị nào quản lý thì mục tiêu hướng tới là người dân thuận lợi nhất trong khám, chữa bệnh, được chăm sóc bởi hệ thống y tế thân thiện, gần dân và phải có quy hoạch y tế thật sự hiệu quả để phục vụ người dân”, các chuyên gia nhấn mạnh.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh cán bộ Sở Y tế Hà Nội còn đang rất mỏng, cần cân nhắc tới năng lực quản lý và điều kiện phát triển của y tế Hà Nội. Vì vậy, Ban Soạn thảo khi đưa ra mô hình dự kiến cần đánh giá tác động, hiệu quả và khả năng thực hiện.

Tại hội thảo góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị đưa ra khỏi dự thảo nội dung này.

Theo Thứ trưởng Y tế, Bệnh viện Trung ương là các cơ sở y tế đầu ngành của cả nước ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Các bệnh viện khi thuộc Bộ Y tế sẽ mang thương hiệu quốc gia, thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, đặc biệt là công tác chuyển giao công nghệ từ các tổ chức, các nước phát triển cho Việt Nam. Sau khi tiếp nhận thành công, các bệnh viện trung ương sẽ chuyển giao cho các bệnh viện tuyến dưới cấp tỉnh, huyện, xã.

Đại diện Bộ Y tế cho rằng, việc để bệnh viện Trung ương cho Bộ Y tế quản lý phù hợp Nghị quyết 30/2022 của Bộ Chính trị. Đồng thời nhấn mạnh, việc chuyển các bệnh viện của Trung ương trên địa bàn về TP Hà Nội quản lý là công việc hệ trọng, liên quan đường lối chính sách và hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân nên cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Đề tài “Đổi mới tổ chức hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam” được xếp loại xuất sắc

Đề tài “Đổi mới tổ chức hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam” được xếp loại xuất sắc

(Thanh tra) - Đề tài cấp bộ “Đổi mới tổ chức hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam” do ThS Dương Văn Huế, Phó Chánh Văn phòng, Thanh tra Chính phủ làm Chủ nhiệm được Hội đồng Khoa học Thanh tra Chính phủ nghiệm thu với kết quả xuất sắc vào ngày 22/11.

15:37 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm