Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra trong các đơn vị sự nghiệp công lập

Thái Hải

Thứ tư, 16/12/2020 - 16:20

(Thanh tra) - Ngày 16/12, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức hội nghị nghiệm thu đề tài khoa học cấp bộ “Tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra trong các đơn vị sự nghiệp công lập” do TS.Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, làm chủ nhiệm. TS. Trần Văn Minh, Phó Tổng Thanh tra làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Ban chủ nhiệm đề tài trình bày nội dung. Ảnh: TH

Cơ cấu tổ chức thanh tra trong các ĐVSNCL không thống nhất

Theo Ban Chủ nhiệm, đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) được xác định là bộ phận cấu thành của bộ máy cơ quan Nhà nước và chịu sự quản lý Nhà nước cả về tổ chức cũng như hoạt động. Khái niệm về ĐVSNCL được ghi nhận lần đầu tiên trong Luật Viên chức năm 2010.

Đặc trưng của ĐVSNCL để phân biệt với cơ quan hành chính Nhà nước, ĐVSN ngoài công lập và các cơ quan, tổ chức khác là vị trí pháp lý, tính chất hoạt động và đội ngũ viên chức. Các ĐVSN được các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo trình tự, thủ tục chặt chẽ và là bộ phận cấu thành trong cơ cấu tổ chức cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị,.. nhưng không mang quyền lực Nhà nước, không có chức năng quản lý Nhà nước,…

Bản thân các ĐVSN với quy mô hoạt động của mình đều có nhu cầu về thanh tra, kiểm tra với những mức độ khác nhau, nhằm phục vụ công tác quản lý trong đơn vị.

Tuy nhiên, việc tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra trong các đơn vị này còn thiếu các quy định hướng dẫn cụ thể đã làm nảy sinh những tồn tại, bất cập. Đó là cơ cấu tổ chức thanh tra trong các ĐVSNCL được tổ chức không thống nhất.

Thực tiễn cho thấy, các ĐVSNCL có quy mô lớn do Chính phủ thành lập như Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia HCM, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam… cũng có nhu cầu tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra để giúp người đứng đầu xem xét, đánh giá được các quyết định quản lý của mình. Với quy mô lớn, thực hiện dịch vụ công và phục vụ quản lý Nhà nước, các ĐVSNCL này đều thiết lập các tổ chức thanh tra với quy mô khác nhau. Việc không có các quy định hướng dẫn cụ thể về thiết chế thanh tra, kiểm tra trong các ĐVSNCL đã dẫn đến sự không thống nhất trong tổ chức, từ tên gọi đến quy mô, cơ cấu.

“Đây thực sự là một bất cập cần được xem xét, đánh giá để có những quy định trực tiếp hoặc mang tính dẫn chiếu, tạo cơ sở cho người đứng đầu các đơn vị này tổ chức thiết chế thanh tra, kiểm tra trong hệ thống tổ chức của mình” - TS. Long nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra trong các đơn vị đặc thù hơn so với các cơ quan Nhà nước khác nhưng lại không có cơ chế áp dụng đặc thù, chỉ theo những quy định về trình tự, thủ tục chung mà không có quy định hướng dẫn cụ thể, trực tiếp về vấn đề này. Việc tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra thiếu đi sự chủ động, độc lập vì không có cơ sở pháp lý trực tiếp ở tầm luật hay nghị định.

Không quy định rõ ràng về tổ chức và hoạt động thanh, kiểm tra trong các ĐVSNCL

Việc thiếu các hướng dẫn về hoạt động đã tạo ra sự không thống nhất trong áp dụng pháp luật thanh tra, không kiểm soát được chất lượng hoạt động thanh tra, kiểm tra cũng như giám sát, phòng ngừa các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị này. Những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra và uy tín của tổ chức thanh tra trong các đơn vị này.

Ngoài ra, việc không quy định rõ ràng về tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra trong các ĐVSNCL đã ảnh hưởng đến việc áp dụng các chế độ, chính sách, tiêu chuẩn cho người làm công tác thanh tra tại các đơn vị này. Các chế độ chính sách cho cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra cũng chưa tương xứng, phù hợp với các chính sách cho cán bộ làm công tác thanh tra nói chung.

Viêc không có các quy định cụ thể dẫn đến việc tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra phụ thuộc nhiều ý chí vào người đứng đầu ĐVSNCL. Nếu việc áp dụng chính sách không phù hợp có thể sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm tư, tinh thần trách nhiệm của các cán bộ, viên chức làm công tác thanh tra trong các đơn vị này.

Trên cơ sở đó, đề tài đã nêu ra đặc điểm, nội dung tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra trong các ĐVSNCL; vai trò, ý nghĩa của việc tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra trong các ĐVSNCL; các yếu tố tác động đến việc tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra trong các ĐVSNCL.

Thực trạng quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra trong các ĐVSNCL; thực tiễn thực hiện tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Ban Chủ nhiệm đề tài cho biết, ngoài phần mở đầu, kết luận thì đề tài được chia làm 3 chương; Chương 1: Cơ sở lý luận về tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra trong các ĐVSNCL; Chương 2: Quy đinh pháp luật và thực tiễn tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra trong các ĐVSNCL; Chương 3: Đưa ra định hướng giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra trong các ĐVSNCL.

Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu khẳng định các giải pháp, kiến nghị có tính khả thi cao, có cơ sở thực hiện trong thực tiễn. Ảnh: TH

Các giải pháp, kiến nghị có tính khả thi cao, có cơ sở thực hiện trong thực tiễn

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên hội đồng đánh giá cao về kết quả nghiên cứu. Đề tài có tính cấp thiết nghiên cứu nhằm làm rõ những vấn đề lý luận về thanh tra, kiểm tra trong các ĐVSNCL, nhất là những ĐVSNCL lớn về quy mô và quan trọng về tính chất nội dung hoạt động. Những tiếp cận về vai trò của công tác thanh, kiểm tra gắn với quản lý cần được xem xét và tiếp cận mới cho phù hợp với thực tiễn hiện nay khi bắt đầu xuất hiện những cơ quan, đơn vị không có chức năng quản lý Nhà nước nhưng được giao thực hiện hoạt động thanh tra Nhà nước.

Bên cạnh đó nhiều ĐVSN do nhu cầu quản lý cũng xuất hiện yêu cầu cần thanh tra, kiểm tra nội bộ, để đảm bảo các hoạt động của các đơn vị trực thuộc  thực hiện đúng, đầy đủ các quyết định về quản lý, các quyết định về hoạt động, nhất là các chương trình, kế hoạch công tác…

“Chính vì vậy, việc nghiên cứu đề tài có ý nghĩa và tính cấp thiết quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi Thanh tra Chính phủ đang xây dựng dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Kết quả nghiên cứu của đề tài  có giá trị tham khảo, cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện chính sách và các quy định về vấn đề này trong Luật Thanh tra sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành”, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu khẳng định.

Đề tài cũng đã làm rõ đưa ra tiếp cận có tính mới về quan điểm thanh tra, kiểm tra, trong đó  xác định thanh, kiểm tra là công cụ quản lý nói chung, chứ không phải chỉ là công cụ quản lý Nhà nước. Tiếp cận mở này giúp cho đề tài  có cơ sở lý luận đầy đủ hơn cho các phân tích, đánh giá và kiến nghị giải pháp.

Các giải pháp của đề tài đưa ra có tính đồng bộ, thống nhất và logic, thể hiện ở việc các quan điểm của đề tài phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về thanh, kiểm tra và đổi mới, tổ chức, sắp xếp lại các ĐVSNCL.

Trên cơ sở các quan điểm, định hướng, đề tài đã đưa ra các giải pháp khắc phục  những bất cập hạn chế trong thực tiễn các quy định và thực tiễn tổ chức, hoạt động thanh tra, kiểm tra của các ĐVSNCL hiện nay.

“Các giải pháp, kiến nghị đưa ra một cách cụ thể, có tính khả thi cao, có cơ sở thực hiện trong thực tiễn. Các giải pháp, kiến nghị của đề tài là cơ sở để hoàn thiện chính sách, pháp luật về vấn đề này, nhất là trong giai đoạn khi Thanh tra Chính phủ tiến hành sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010 để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trong đó có yêu cầu về thanh tra” - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu nhấn mạnh.

Với những kết quả nghiên cứu của đề tài đạt được, Hội đồng nghiệm thu đánh giá kết quả đạt loại khá.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm