Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tố cáo nặc danh, qua thư điện tử có chứng cứ vẫn xem xét

Thứ sáu, 29/06/2018 - 08:53

(Thanh tra) - Sáng 28/6, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố 7 luật vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua. Trong đó, đáng chú ý là Luật Tố cáo (TC) năm 2018, Luật An ninh mạng, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh thông tin những quy định mới của Luật TC năm 2018. Ảnh: HG

Giữ 2 hình thức TC

Phó Tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho hay, qua quá trình triển khai thực hiện, Luật TC năm 2011 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập về thẩm quyền giải quyết TC; trình tự, thủ tục giải quyết TC; tổ chức thi hành kết luận nội dung TC và bảo vệ người TC.

“Những hạn chế, bất cập nêu trên dẫn đến tình trạng làm giảm hiệu lực hiệu quả công tác giải quyết TC, trật tự, kỷ cương pháp luật”, Phó Tổng Thanh tra nêu lý do phải xây dựng Luật TC mới.

Luật TC năm 2018 được Quốc hội khóa XIV thông qua với tỷ lệ 96,1%, gồm 9 chương, 67 Điều.

Liên quan đến quy định về hình thức TC, theo Phó Tổng Thanh tra, để xác định rõ trách nhiệm của người TC, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức TC để TC tràn lan, cố ý TC sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị TC, Luật TC mới vẫn tiếp tục quy định 2 hình thức TC như Luật 2011 là TC bằng đơn và TC trực tiếp.

Quá trình thảo luận cho ý kiến về Dự án Luật này, nhiều đại biểu Quốc hội nêu, không nên bỏ qua những hình thức TC khác như qua điện thoai, thư điện tử, bản fax... Tuy nhiên, nếu quy định như vậy sẽ không bảo đảm tính khả thi, bởi cơ quan được giao nhiệm vụ giải quyết TC sẽ phải bố trí một nguồn nhân lực rất lớn.

“Chính phủ và Quốc hội thấy rằng hai hình thức TC chính thức bằng đơn hoặc đến TC trực tiếp rồi ký vào văn bản đó là những hình thức bắt buộc phải thụ lý. Còn những hình thức khác, nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền vẫn phải xem xét, nghiên cứu để phục vụ công tác quản lý của mình, nhưng không phải thụ lý, giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại luật này”, ông Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh.

Đối với TC nặc danh, mạo danh, Điều 25 Luật TC mới quy định, khi nhận được thông tin có nội dung TC nhưng không rõ họ, tên, địa chỉ của người TC hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người TC hoặc người TC sử dụng họ tên của người khác để TC; hoặc thông tin có nội dung TC được phản ánh không theo hình thức quy định tại luật này thì cơ quan, tố chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý theo quy định của Luật TC.

Trường hợp thông tin TC có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra, phục vụ cho công tác quản lý.

“Bảo vệ người TC là trách nhiệm của Nhà nước”

Còn về bảo vệ người TC, Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh, các quy định nhằm bảo vệ, khuyến khích, động viên người dân dũng cảm đấu tranh chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, giúp các cơ quan nhà nước phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật.

“Bảo vệ người TC là trách nhiệm của Nhà nước, là sự thể hiện cụ thể và sinh động bản chất của Nhà nước ta của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, ông Nguyễn Văn Thanh nói và cho hay, Luật TC (sửa đổi) đã dành một chương quy định về vấn đề này.

Luật mới đã quy định cụ thể các vấn đề về người được bảo vệ (người TC, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người TC). Phạm vi bảo vệ gồm: Bí mật thông tin của người TC; vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ.

Luật giao trách nhiệm bảo vệ trước hết thuộc về cơ quan có thẩm quyền giải quyết TC. Bên cạnh đó, các cơ quan khác, trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cũng có trách nhiệm bảo vệ người TC và những người thân thích của họ, đó là cơ quan tiếp nhận, xác minh nội dung TC, cơ quan công an, cơ quan quản lý Nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, lao động, UBND các cấp, Công đoàn các cấp…

Luật mới còn quy định cụ thể trình tự, thủ tục giải quyết TC; giải quyết TC hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận nội dung TC; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết TC; khen thưởng và xử lý vi phạm…

Luật An ninh mạng không hạn chế quyền tự do của người dân

Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an) cho hay, Luật An ninh mạng được kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV thông qua với tỷ lệ 86,86%, gồm 7 chương, 43 điều.

Luật An ninh mạng được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng với sự tham gia đóng góp ý kiến của các bộ, ngành chức năng, hơn 30 doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin lớn trong nước như VNPT, FPT, BKAV. Bên cạnh đó, còn ý kiến nhiều chuyên gia, tập đoàn kinh tế, viễn thông nước ngoài, như Facebook, Google, Apple, Amazon, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Hiệp hội Điện toán đám mây châu Á... và ý kiến rộng rãi của quần chúng nhân dân.

Theo Trung tướng, dể bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, luật dành một chương quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ các nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

Cụ thể gồm: Phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên không gian mạng; phòng ngừa, xử lý hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự....

"Đây là hành lang pháp lý vững chắc để người dân có thể yên tâm buôn bán, kinh doanh hay hoạt động trên không gian mạng", Tướng Thuận nêu rõ và nói thêm, “dữ liệu của người sử dụng Việt Nam trên không gian mạng đã và đang bị sử dụng tràn lan với mục đích thu lợi nhuận mà Nhà nước Việt Nam chưa có đầy đủ hành lang pháp lý để quản lý, thậm chí là bị sử dụng vào các âm mưu chính trị hoặc vi phạm pháp luật”.

Luật đã quy định doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.

Trả lời thêm câu hỏi của báo chí, Trung ướng Hoàng Phước Thuận khẳng định: “Luật An ninh mạng không hạn chế quyền tự do, dân chủ của người dân”. Tất cả những điều không bị cấm (được quy chiếu ở 29 điều của Bộ luật Hình sự, những điều luật trực tiếp, những điều luật liên quan và những luật khác) sẽ được nhà nước bảo hộ trên không gian mạng.

Liên quan đến kế hoạch triển khai Dự án Luật An ninh mạng, theo Cục trưởng Cục An ninh mạng, Ban Soạn thảo đã họp bàn với Bộ Tư pháp, chuẩn bị xây dựng một nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng. Dự kiến, trong tháng 10 sẽ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua.

Cũng tại cuộc họp báo, Luật Quốc phòng; Luật Cạnh tranh; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và Bản đồ; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch cũng được công bố.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm