Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thường xuyên kiểm tra, giám sát để phát hiện rủi ro trong hoạt động thanh tra và có phương án xử lý kịp thời

Thái Hải

Thứ năm, 21/12/2023 - 20:53

(Thanh tra) - Đây là giải pháp được Hội đồng Tư vấn đánh giá đề tài khoa học Thanh tra Chính phủ (Hội đồng Nghiệm thu) đánh giá có tính ứng dụng cao trong việc phòng ngừa và xử lý rủi ro trong hoạt động thanh tra tại Hội nghị Nghiệm thu đề tài khoa học cấp bộ “Phòng ngừa và xử lý rủi ro trong hoạt động thanh tra “ do TS Tạ Thu Thủy, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra làm Chủ nhiệm.

TS Tạ Thu Thủy trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: TH

Trình bày kết quả nghiên cứu, TS Tạ Thu Thủy cho biết, với mục tiêu là đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật và giải pháp tổ chức thực hiện phòng ngừa, xử lý rủi ro trong hoạt động thanh tra, đề tài đã nghiên cứu một số vấn đề chung về phòng ngừa và xử lý rủi ro trong hoạt động thanh tra; về thực trạng phòng ngừa và xử lý rủi ro trong hoạt động thanh tra và các quan điểm, giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện phòng ngừa, xử lý rủi ro trong hoạt động thanh tra; đề tài nghiên cứu về rủi ro và phòng ngừa, xử lý rủi ro trong hoạt động thanh tra; chủ yếu trong giai đoạn xây dựng kế hoạch thanh tra, chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra và kết thúc cuộc thanh tra.

Nhận diện rủi ro trong hoạt động thanh tra, chủ nhiệm đề tài cho biết, trong mỗi giai đoạn hoạt động thanh tra đều có những tính chất rủi ro như: Trong giai đoạn xây dựng kế hoạch thanh tra, có thể xẩy ra rủi ro chồng chéo, trùng lắp về phạm vi, thẩm quyền, đối tượng, nội dung thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.

Trong giai đoạn chuẩn bị thanh tra, rủi ro có thể là bỏ lọt đối tượng dự kiến thanh tra; rủi ro năng lực, chuyên môn của thành viên đoàn không phù hợp với yêu cầu, tính chất nội dung thanh tra, không có khả năng phát hiện được vi phạm; rủi ro sai lệch khi kế hoạch tiến hành thanh tra được xây dựng “quá tải” so với thời hạn thanh tra; rủi ro mất dấu vết khi đối tượng thanh tra có thể tiên lượng trước nội dung thanh tra và có động thái đối phó, che đậy thông tin, xóa dấu vết ngay từ khi khảo sát nắm tình hình, trước khi đoàn thanh tra vào trực tiếp.

Trong giai đoạn tiến hành thanh tra, có thể là trong hoạt động thanh tra; không hợp tác, cản trở, chống đối, gây khó khăn của đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhan; bỏ sót, bỏ qua hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra; để lộ thông tin nội bộ, bí mật trong quá trình thanh tra.

Giai đoạn kết thúc, rủi ro có thể là chậm tiến độ; bị khiếu nại, tố cáo hoặc bị khởi kiện nhu cầu bồi thường nhà nước…

Việc phòng ngừa và xử lý rủi ro trong hoạt động thanh tra đảm bảo cho hoạt động thanh tra đúng pháp luật và đạt hiệu quả. Trong quá trình thanh tra, người tiến hành thanh tra khi đã xác định được biểu hiện của rủi ro ở các giai đoạn và chủ động kiểm soát nó bằng cách phải tuân thủ đúng những quy định của pháp luật, đảm bảo tính độc lập, nghiêm minh khi thực hiện những thủ tục cần thiết và trong phạm vi thẩm quyền cho phép.

Toàn cảnh hội nghị nghiệm thu. Ảnh: TH

Đồng thời, đảm bảo thực hiện các nguyên tắc quản trị tốt, buộc các chủ thể tiến hành thanh tra thực thi quyền thanh tra công khai, minh bạch, kịp thời trách nhiệm gải trình; chủ động kiểm soát các trường hợp vi phạm của đối tượng thanh tra và các cá nhân tham gia đoàn thanh tra; giảm thiểu rủi ro công vụ thường nhấn mạnh đến cơ quan kiểm soát nội bộ…

Thực trạng cho thấy, rủi ro trong hoạt động thanh chưa được kiểm soát, ngăn ngừa, giảm thiểu một cách hiệu quả, thực chất; việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ và kiểm soát việc thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động thanh tra còn vướng mắc, chưa kiểm soát được rủi ro..

Trong quá trình tiến hành thanh tra, các quyền của những người tiến hành thanh tra mặc dù đã được quy định trong luật và nghị định nhưng vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể nên việc thực hiện gặp nhiều vướng mắc; việc thành lập và tổ chức hoạt động thanh tra liên ngành nhằm phòng ngừa rủi ro chồng chéo, trùng lắp trên thực tế không thống nhất và phát sinh nhiều vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; việc giám sát hoạt động của đoàn thanh tra ngằm ngăn ngừa rủi ro hiện nay còn mang nặng tính hình thức, chưa hiệu quả, chưa thực chất, nhất là cấp cơ sở; việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra nhằm phòng ngừa rủi ro về chất lượng kết luận trước thời điểm Luật Thanh tra 2022 có hiệu lực, chưa có quy định cụ thể về việc thẩm định sự thảo kết luận trước khi ký ban hành nên công tác thẩm định dự thảo kết luận được thực hiện không thống nhất...

Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế, chủ nhiệm đề tài đã đưa ra một số quan điểm, giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện phòng ngừa, xử lý trủi ro trong hoạt động thanh tra.

Để phòng ngừa, xử lý rủi ro trong hoạt động thanh tra cần nghiên cứu, bổ sung điều khoản quy định trực tiếp trong pháp luật thanh tra về trách nhiệm phòng ngừa và xử lý rủi ro trong hoạt động thanh tra; nghiên cứu, bổ sung chế định cụ thể quy định rõ nội dung của hoạt động thanh tra công vụ trong pháp luật cán bộ, công chúc và pháp luật thanh tra; tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người tiến hành thanh tra và đối tượng thanh tra; nghiên cứu tích hợp nhiệm vụ quản lý rủi ro cho bộ phận/đơn vị đang có cơ quan thanh tra; nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí thu thập và phân tích, khai thác thông tin quản lý rủi ro đầu vào trong hoạt động thanh tra; xây dựng quy trình quản lý rủi ro nội bộ; cẩm nang nghiệp vụ thanh tra theo ngành, lĩnh vực...

Bên cạnh đó, đề tài đưa ra các giải pháp tổ chức thực hiện phòng ngừa, xử lý rủi ro trong hoạt động thanh tra như: Nâng tầm tư duy chiến lược đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động thanh tra; chú trọng công tác chính trị, tư tưởng về sự cần thiết của phòng ngừa, xử lý rủi ro trong hoạt động thanh tra.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện rủi ro trong hoạt động thanh tra và khẩn trương có phương án xử lý. Trong hoạt động thanh tra, công tác kiểm tra giám sát phải gắn liền với chỉ đạo, quản lý, điều hành đoàn thanh tra để kiểm soát tốt rủi ro như: Kiểm tra việc thực hiện quyết định thanh tra và kế hoạch công tác của các thành viên trong đoàn thanh tra đã được người có thẩm quyền phê duyệt...

“Qua kiểm tra, giám sát, đánh giá nhận định một vấn đề, sự việc nào đó có nguy cơ rủi ro, bất trắc, người lãnh đạo phải đặt nó trong tổng thể tình hình để thấy rõ mối quan hệ tác động lẫn nhau và từ đó thấy rõ được bản chất của các sự kiện đó, đồng thời cũng phải xem xét diễn biến của sự việc trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể để có cái nhìn khách quan, chân thực về rủi ro và có phương án xử lý đúng đắn, khả thi” - TS Tạ Thu Thủy cho hay.

Chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ nhận diện, kiểm soát rủi ro trong hoạt động thanh tra; siết chặt kỷ cương, kiểm soát đáp ứng yêu cầu về phẩm chất đạo đức, liêm chính, năng lực chuyên môn phù hợp của thành viên đoàn thanh tra; tăng cường các điều kiện đảm bảo về chính sách cán bộ, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phòng ngừa rủi ro trong hoạt động thanh tra...

Đánh giá nội dung nghiên cứu tại hội nghị, các thành viên hội đồng cho rằng, sản phẩm đề tài được chuẩn bị rõ ràng, chu đáo, dành nhiều tâm huyết, nghiên cứu nghiêm túc. Nội dung nghiên cứu đáp ứng được mục tiêu nghiên cứu đề ra; các giải pháp có tính khả thi cao; dung lượng và kết cấu đề tài hợp lý, theo đúng quy định. Đề tài cần được biên soạn để đưa vào chương trình giảng dạy.

Với kết quả đạt được, Hội đồng thống nhất nghiệm thu đề tài, đề tài khoa học cấp bộ “Phòng ngừa và xử lý rủi ro trong hoạt động thanh tra” được đánh giá xếp loại xuất sắc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm