Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng

Nguyên Phê

Thứ tư, 06/05/2020 - 10:41

(Thanh tra) - Để xảy ra nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng tại các huyện Đăk Tô, Kon Rẫy, Đăk Glei... ngày 29/4/2020, Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum đã tổ chức cuộc họp khẩn, chỉ đạo xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, trước hết là giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh thành lập chuyên án để điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo pháp luật.

Gỗ lậu tại huyện Kon Plông (Kon Tum) bị lực lượng chức năng thu giữ. Ảnh: N.P

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa đã ký văn bản chỉ đạo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Công an tỉnh và các ngành, địa phương liên quan tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin phá rừng và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

Trong đó, Công an tỉnh và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn tất điều tra, xử lý vụ án phá rừng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can tại thôn Đăk Manh 1, xã Đăk Rơ Nga (huyện Đăk Tô); đồng thời khẩn trương điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm đối với các vụ phá rừng tại các huyện: Kon Rẫy, Đăk Glei. Trong quá trình điều tra thường xuyên báo cáo, thỉnh thị ý kiến của Bộ Công an để có sự hỗ trợ kịp thời.

Thời gian qua, tình trạng phá rừng trên địa bàn các huyện Kon Rẫy, Đăk Tô, Đăk Glei diễn ra phức tạp và liều lĩnh, manh động.

Theo thống kê, 4 tháng đầu năm 2020, các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ trong tỉnh đã phát hiện 150 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó xử lý hành chính 114 vụ, xử lý hình sự và khởi tố vụ án 9 vụ; riêng huyện Đăk Tô có 4 vụ phá rừng bị khởi tố hình sự.

Điển hình gần đây là vụ phá rừng tại thôn Đăk Manh 1, xã Đăk Rơ Nga với hàng chục đối tượng khai thác, vận chuyển trái phép hơn 10m3 gỗ tròn và gỗ xẻ còn tại hiện trường; thuộc lâm phần Cty TNHH Một thành viên Đăk Tô quản lý; đã được Công an huyện khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra, xử lý; sau đó UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh rút hồ sơ vụ việc để điều tra, xử lý theo quy định; Thường trực Tỉnh ủy cũng chỉ đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy nắm tình hình, theo dõi, giám sát từ đầu việc điều tra, xử lý.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Đăk Tô cũng đã khởi tố 4 vụ án hình sự liên quan đến phá rừng để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đối với các vụ phá rừng trái phép tại huyện Đăk Glei, huyện Kon Rẫy cũng được các ngành chức năng khẩn trương điều tra, xác minh và kiên quyết xử lý nghiêm.

Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum quan tâm chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng phá rừng trái phép trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo xây dựng và ban hành Kế hoạch số 34-KH/TU, ngày 5/5/2017 triển khai Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương; UBND tỉnh đã ban hành Chương trình Hành động cụ thể hóa các nhiệm vụ giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Quyết định số 459/QĐ-UBND ngày 8/5/2018.

Tập trung chính vào các giải pháp trọng tâm như: Rà soát, sắp xếp, kiểm tra, và xử lý các xưởng chế biến gỗ, các cơ sở mộc dân dụng trên địa bàn, đình chỉ hoạt động các cơ sở vi phạm; xử lý các phương tiện giao thông không đảm bảo điều kiện lưu hành, nhất là các xe độ chế tham gia vận chuyển lâm sản trái phép; thành lập ban chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tổ công tác liên ngành quản lý, bảo vệ rừng  3 cấp tỉnh, huyện, xã; tổ chức tuần tra, truy quét các tụ điểm, các điểm nóng về phá rừng trên địa bàn, tập trung vào các ngày nghỉ lễ, tết và đầu mùa khô; xem xét xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan không hoàn thành nhiệm vụ trên lâm phần quản lý...

Đặc biệt, ngày 20/1/2020, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2020 trên địa bàn; thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành xử lý nghiêm minh, không bao che, không có vùng cấm đối với các vụ việc vi phạm pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Đối với các vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, có dấu hiệu hoạt động phá rừng có tổ chức, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh rút hồ sơ từ huyện lên và trực tiếp thụ lý vụ án để truy tìm đối tượng chủ mưu, cầm đầu và xử lý nghiêm theo quy định.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đạt được kết quả nhất định. Tuy vậy, vẫn chưa ngăn chặn được triệt để tình trạng phá rừng, vận chuyển và mua bán lâm sản trái phép; nhất là với diện tích rừng lớn của tỉnh khoảng 600 ngàn ha thì công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn.

Do vậy, tỉnh cần giao các cơ quan chức năng điều tra, sử dụng các biện pháp nghiệp cần thiết để xác định rõ các đối tượng khai thác, vận chuyển và mua bán lâm sản trái phép, các hành vi tiếp tay, buông lỏng công tác quản lý của các đơn vị chủ rừng và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Mặt khác, thường xuyên triển khai việc kiểm tra, truy quét các tụ điểm phá rừng, tàng trữ, thu gom, chế biến gỗ, lâm sản nguồn gốc bất hợp pháp trên địa bàn; chấn chỉnh hoạt động quản lý, bảo vệ rừng đối với các ngành, các cấp, không để tái phạm các hành vi trái pháp luật, triệt phá các đường dây khai thác, vận chuyển, buôn bán, sản  xuất kinh doanh trái pháp luật; để lập lại kỷ cương trong quản lý, bảo vệ rừng.

Liên quan đến tình trạng phá rừng ở Kon Tum, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 138 tỉnh Kon Tum xác minh, làm rõ sự vụ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm