Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thí điểm thừa phát lại chậm từ Trung ương đến địa phương

Thứ tư, 19/03/2014 - 16:26

(Thanh tra) - Sáng 19/3, Ban Chỉ đạo Thí điểm chế định thừa phát lại nhóm họp để bàn về kết quả của tình hình triển khai việc thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại.

Sau khi thí điểm thực hiện thừa phát lại tại TP Hồ Chí Minh đã nhân rộng thí điểm mới ở 12 tỉnh, TP. Ảnh: Thảo Nguyên

Tính đến ngày 18/3/2014, tổng số văn phòng thừa phát lại trên cả nước là 37 văn phòng. 12 địa phương mở rộng thí điểm đã thành lập được 27 văn phòng, trong đó: Vĩnh Phúc: 2, Bình Dương: 3, Quảng Ninh: 2, Vĩnh Long: 1…

Bộ Tư pháp đã có quyết định bổ nhiệm 50 trường hợp làm thừa phát lại cho TP Hồ Chí Minh và 126 trường hợp làm thừa phát lại cho 12 địa phương mở rộng thí điểm, nâng tổng số tThừa phát lại được bổ nhiệm lên 176 trường hợp. 

Cùng với đó, Bộ Tư pháp đã cấp thẻ hành nghề cho 58 Thừa phát lại (trong đó có 50 trường hợp tại TP Hồ Chí Minh và 8 trường hợp tại 12 địa phương khác (Vĩnh Long: 3, Vĩnh Phúc: 3, Quảng Ninh: 2). 

Tuy nhiên, theo báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo, hiện tiến độ triển khai thí điểm chế định thừa phát lại chậm từ trung ương đến địa phương, chưa đáp ứng đúng yêu cầu mà Nghị quyết của Quốc hội, Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Công tác phối hợp từ liên ngành Trung ương đến địa phương cũng được thực hiện chưa tốt. Nhận thức của cả người dân và cán bộ, công chức trong ngành Tư pháp về chế định thừa phát lại còn nhiều hạn chế. Việc đề nghị bổ nhiệm, cấp thẻ thừa phát lại và thành lập các văn phòng thừa phát lại rất chậm. 

Số liệu thống kê cho thấy, 12 tỉnh, thành thí điểm mới số người được cấp thẻ hành nghề quá ít dẫn đến hầu hết các văn phòng đều chưa hoạt động, chưa có việc làm. Tính đến thời điểm ngày 11/3/2014, mới có 3 văn phòng thừa phát lại chính thức hoạt động ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), Cai Lậy (Tiền Giang), Vĩnh Long (Vĩnh Long). 

Tại cuộc họp, đại diện Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng cục Thi hành án dân sự… đã chỉ ra những điểm còn hạn chế của công tác triển khai thí điểm; đồng thời cho rằng, vai trò của Sở Tư pháp các tỉnh còn “mờ nhạt” khiến việc triển khai trở nên chật vật. 

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng Ban cho biết, tới đây Ban Chỉ đạo sẽ tổ chức đoàn làm việc đến các địa phương thí điểm để đôn đốc, gỡ vướng trong việc triển khai thực hiện. 

Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc như thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự. Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự. Đây là một ngành nghề trong xã hội.

Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm