Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước

Thái Hải

Thứ hai, 17/10/2022 - 12:41

(Thanh tra) - Đây là tên đề tài khoa học cấp bộ do TS Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, Thanh tra Chính phủ là Chủ nhiệm được Hội đồng Thuyết minh khoa học do TS Lê Tiến Hào, nguyên Phó Tổng Thanh tra, làm Chủ tịch, thống nhất phê duyệt nghiên cứu vào ngày 17/10.

TS Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra. Ảnh: TH

TS Nguyễn Tuấn Khanh cho biết, việc phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều cơ quan có sự điều chỉnh, phù hợp với yêu cầu của quản lý Nhà nước, bảo đảm sự liên tục trong quản lý, điều hành và sự gắn kết giữa tạo lập các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội với công tác thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa, phát hiện, chấn chỉnh những bất cập, hạn chế, sai phạm trong quản lý.

Tuy nhiên, thực tiễn việc phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, ví dụ như còn “cào bằng” giữa các địa phương, chưa thiết lập được cơ chế phân cấp, phân quyền phù hợp với điều kiện đặc thù ở từng địa phương.

Phân cấp, phần quyền trong quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn chưa hợp lý, dẫn đến sự tùy tiện mà thiếu cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, nhiều vi phạm pháp luật chưa được phát hiện do sự trùng lặp, chồng chéo về trách nhiệm, thẩm quyền quản lý nói chung và trách nhiệm, thẩm quyền trong hoạt động thanh tra, kiểm tra nói riêng.

Mô hình tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra thời gian qua cũng đã có những đổi mới, đặc biết là từ sau khi Luật Thanh tra năm 2010. Tuy nhiên, qua báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra cho thấy, mô hình tổ chức và hoạt động thanh tra cũng còn không ít bất cập, chưa bảo đảm tính độc lập và hiệu quả cho hoạt động quản lý Nhà nước.

“Việc tổ chức hoạt động kiểm tra trong quản lý Nhà nước còn có cơ sở pháp lý đầy đủ chưa phân định rõ thẩm quyền, phạm vi, đối tượng kiểm tra, còn trùng lặp với hoạt động thanh tra chuyên ngành. Thẩm quyền, phạm vi, đối tượng kiểm tra giữa các cấp chính quyền và giữa các ngành, lĩnh vực còn chồng chéo, trùng lặp. Có một số lĩnh vực trong quản lý Nhà nước còn thiếu vắng hoạt động thanh tra, kiểm tra dẫn đến có những vi phạm xảy ra một thời gian dài mới được phát hiện, xử lý. Trong quá trình phát hiện, xử lý vi phạm cũng có hiện tượng đùn đầy đẩy trách nhiệm giữa các chủ thể có thẩm quyền” - Chủ nhiệm Đề tài nói.

Toàn cảnh hội nghị thuyết minh. Ảnh: TH

Gần đây, nội dung Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi và trình các cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến cũng đã có những quy định cơ bản thể hiện tinh thần tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng, Hiến pháp và chính sách của Nhà nước về công tác thanh tra nói riêng và công tác thanh tra, kiểm tra nói chung, nhất là trong những quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động thanh tra, kiểm tra vẫn cần phải có những biện pháp đồng bộ để đảm bảo tính hợp lý về mô hình tổ chức và tính hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kiểm tra đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ đang đạt ra trong bối cảnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước. Do đó, việc nghiên cứu đề tài “Tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước nước” là cần thiết.

Đề tài gồm 3 nội dung: Cơ sở lý luận về tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước; Thực trạng tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước; Quan điểm, giải pháp về tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước.

Tại hội nghị, các thành viên Hội đồng Thuyết minh đánh giá cao nội dung nghiên cứu đề tài, đề tài khá đầy đủ, luận giải và làm rõ lý do cần thiết để nghiên cứu đề tài; đã tổng hợp, đánh giá tổng quan kết quả nghiên cứu của một số công trình có liên quan, đề tài cũng đã nêu rõ những hạn chế và những vấn đề cần nghiên cứu.

Tuy nhiên, tại phần nội dung, đề tài cần tập trung nghiên cứu kỹ các quan điểm phân cấp, phân quyền hiện hành; bổ sung cụm từ “đẩy mạnh” trước cụm từ “phân cấp, phân quyền” thành “đẩy mạnh phân cấp, phân quyền” trong tên đề tài cũng như trong các nội dung nghiên cứu của đề tài.

Tại nội dung 1, bổ sung và nhấn mạnh vai trò của thanh tra, kiểm tra để đáp ứng yêu cầu của phân cấp phân quyền trong quản lý Nhà nước; vai trò kiểm soát quyền lực trong phân cấp, phân quyền.

Tại nội dung 3 nên bổ sung cụm từ “đổi mới” và “đẩy mạnh” thành “Quan điểm giải pháp đổi mới tổ chức, hoạt động thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền” cho phù hợp với tên đề tài…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm