Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tăng cường đối thoại, thực hiện dân chủ cơ sở tại nơi làm việc

Thứ sáu, 05/06/2020 - 06:00

(Thanh tra)- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đang Dự thảo Nghị định quy định việc tổ chức đối thoại và thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

Đối thoại, thực hiện dân chủ cơ sở tại nơi làm việc sẽ góp phần tích cực cho việc ngăn ngừa, giảm thiểu các tranh chấp phát sinh. Ảnh: Internet

Bộ LĐTB&XH cho biết, đối thoại, thực hiện dân chủ ở cơ sở ở nơi làm việc được quy định lần đầu trong Bộ luật Lao động năm 2012 và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013; Nghị định số 149/2018/NĐ-CP ngày 7/11/2018 để quy định chi tiết và hướng dẫn việc thực hiện. 

Nghị định đã quy định cụ thể các nguyên tắc về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; những nội dung người sử dụng lao động phải công khai; những nội dung người lao động được tham gia ý kiến; được quyết định; được kiểm tra, giám sát; quy định về việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo định kỳ hoặc khi có yêu cầu của một bên, với việc giao quyền tự quyết cho các bên về nội dung, số lượng, thành phần, thời gian, địa điểm, quy trình tổ chức đối thoại thông qua quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

Theo Bộ LĐTB&XH, qua quá trình thực hiện cho thấy, việc đưa các quy định về đối thoại và thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc đã tạo hành lang pháp lý tương đối đồng bộ về các chế định điều chỉnh về quan hệ lao động tại nơi làm việc (đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, tranh chấp lao động và đình công). 

Thông qua các quy định đã làm cho nhận thức xã hội, đặc biệt là các đối tác xã hội, các bên trong doanh nghiệp có được cái nhìn đúng đắn về vị trí, vai trò của hoạt động đối thoại và thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; nhiều doanh nghiệp đã quan tâm và thực hiện các hoạt động đối thoại định kỳ, tổ chức hội nghị người lao động và các hình thức dân chủ khác, qua đó tạo ra sự chuyển biến nhất định về quan hệ lao động, nhất là ở những doanh nhiệp có nguy cơ tranh chấp lao động, đình công cao.

Tuy nhiên, theo Bộ LĐTB&XH, hiện các quy định về đối thoại và thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc còn có những hạn chế, như: Các quy định về đối thoại được quy định dựa trên mô hình 1 tổ chức công đoàn là đại diện duy nhất cho người lao động trong doanh nghiệp, chưa phù hợp với bối cảnh hiện nay khi Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép trong doanh nghiệp được thành lập nhiều hơn một tổ chức đại diện của người lao động.

Bên cạnh đó, chưa hình thành được các quy định rõ ràng về xác định số lượng, thành phần đại diện của các bên khi tham gia vào các loại hình đối thoại nhất là ở những doanh nghiệp có đông lao động và trong bối cảnh doanh nghiệp có nhiều hơn một tổ chức đại diện của người lao động và có cả những người lao động không tham gia tổ chức đại diện nào.

Trong khi đó, không phân định được rõ bản chất giữa đối thoại định kỳ và tổ chức hội nghị người lao động. Chưa quy định rõ trách nhiệm của mỗi bên trong việc tổ chức và tiến hành từng loại hình đối thoại, dẫn tới sự lúng túng, không nhất quán trong quá trình thực hiện của các doanh nghiệp.

Đặc biệt, nội dung về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc mới chỉ quy định cụ thể từng nội dung về người lao động được biết, được tham gia ý kiến, được quyết định và kiểm tra giám sát mà chưa nêu được các hình thức thực hiện cơ bản.

Bộ luật Lao động năm 2019 có các quy định về đối thoại khác với Bộ luật Lao động năm 2012, trong đó: Quy định đối thoại định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần (điểm a khoản 2 Điều 63);  bổ sung loại hình đối thoại vụ việc (điểm c khoản 2 Điều 63); chủ thể tham gia đối thoại bên người lao động là tổ chức đại diện người lao động, có thể có nhiều tổ chức khác nhau được thành lập theo quy định của Bộ luật Lao động; tại khoản 4 Điều 63 của Bộ luật Lao động giao Chính phủ quy định việc tổ chức đối thoại và thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

Từ các thực tế trên, Bộ LĐTB&XH cho rằng cần thiết phải ban hành Nghị định quy định về việc tổ chức đối thoại và thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc cho phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 và khắc phục những bất hợp lý về đối thoại và thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc đang đặt ra hiện nay.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, việc xây dựng Nghị định phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát huy dân chủ tại cơ sở, bảo đảm những quyền cơ bản của người lao động về những nội dung được biết, được bàn, được tham gia quyết định và kiểm tra giám sát trong quan hệ lao động; phù hợp với những chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới theo tinh thần Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 3/9/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, các nội dung, quy định phải phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019, bảo đảm tính thống nhất của pháp luật, phù hợp với yêu cầu thực tiễn về phát triển quan hệ lao động trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế.

Đồng thời khuyến khích được các bên trong doanh nghiệp tích cực tham gia các hoạt động đối thoại, thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, góp phần tích cực cho việc ngăn ngừa, giảm thiểu các tranh chấp phát sinh.

Phương Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phú Thọ: Cử tri phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường

Phú Thọ: Cử tri phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường

(Thanh tra) - Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, ngày 10/12, nhiều vấn đề được cử tri quan tâm liên quan đến chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở ngoài công lập; tình trạng kê thuốc không có đơn của bác sỹ; ô nhiễm môi trường... đã được các sở, ngành giải trình làm rõ tại hội trường.

Nam Dũng

21:51 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm