Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sửa luật cần hạn chế truy hỏi nguồn tin của báo chí

Thứ sáu, 17/07/2015 - 09:24

(Thanh tra) - Theo các chuyên gia, bảo vệ nguồn tin là tối quan trọng trong hoạt động báo chí cũng như công cuộc phòng, chống tham nhũng…

Sau khi dẫn chứng nhiều tờ báo trước đây như VietNamNet; VnExpress; VTC đều do doanh nghiệp thành lập, sau này mới giao cho Nhà nước quản lý, GS. TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, không nên né tránh vấn đề báo chí tư nhân. Ảnh: Thảo Nguyên

Không kiểm duyệt báo chí

Bà Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Nhà nước không kiểm duyệt báo chí trước khi đăng là cơ sở pháp lý tạo ra cơ chế đảm bảo quyền tự do, dân chủ trong hoạt động báo chí.

Dự thảo lần này có cả một chương quy định cụ thể về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; trách nhiệm của cơ quan báo chí, trách nhiệm của cơ quan tổ chức đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. "Có thể nói đây là điểm sáng trong Dự thảo Luật Báo chí, bảo đảm phát huy quyền con người trong hoạt động báo chí", bà Đan nhận định.

Tuy nhiên, bà Đan lưu ý, Nhà nước đã không kiểm duyệt thì trách nhiệm phải thuộc về cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí. "Tồn tại của báo chí trong thời gian qua chính là do công tác quản lý của cơ quan chủ quản, tổng biên tập. Tôi thấy, các cơ quan chủ quản chỉ xin cho ra tờ báo rồi khoán cho tổng biên tập, như vậy không đúng. Dự thảo luật cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản đối với nội dung thông tin trên báo chí, cũng như chế tài xử lý khi phát hiện sai sót”.

Để thực hiện quyền tự do ngôn luận trên báo chí phụ thuộc rất nhiều vào ý thức trách nhiệm của cơ quan báo chí, đạo đức và năng lực của nhà báo. Vì vậy, theo các chuyên gia, dự luật cần quy định cụ thể về cơ chế, chính sách để nhà báo yên tâm thực hiện nhiệm vụ, khách quan, vô tư trong giải quyết quyền, lợi ích của người dân.

Quy rõ trách nhiệm bảo vệ nguồn tin

Tiếp nối quy định về nguồn tin như Luật Báo chí hiện hành, dự thảo quy định rõ "cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện KSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”.

Theo các chuyên gia, quy định này cần phải cân nhắc vì bảo vệ nguồn tin là tối quan trọng trong hoạt động báo chí cũng như công cuộc phòng, chống tham nhũng. TS Vũ Minh Tâm, Trưởng Ban Kiểm tra, Đài Truyền hình Việt Nam chỉ ra: Tội phạm nghiêm trọng có mức án hình phạt từ 3 đến 7 năm tù, phổ biến trên mọi lĩnh vực như tội trốn thuế, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông… đến các tội phạm về tham nhũng với mức vi phạm, chiếm đoạt chỉ từ 500 nghìn đồng đến dưới 50 triệu đồng... Nghĩa là, phạm vi số lượng các vụ án buộc phải cung cấp nguồn tin rất lớn nên dễ bị lợi dụng để tìm kiếm người cung cấp thông tin và việc bảo vệ người cung cấp thông tin cũng rất khó khăn. “Tôi cho rằng, chỉ nên quy định với loại tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và chỉ buộc phải cung cấp nguồn tin khi việc đó là thật sự cần thiết cho việc điều tra, xét xử, khi không còn cách nào khác. Đồng thời, cần quy định trách nhiệm của cơ quan chức năng trong bảo vệ nguồn tin và chịu trách nhiệm khi để lộ nguồn tin”, bà Tâm đề xuất.

Cùng với đó, nhằm khuyến khích sự tự giác, chủ động của các cơ quan báo chí, nhà báo, nên bổ sung quy định việc giảm nhẹ trách nhiệm hành chính nếu trong thời gian nhất định đã tự phát hiện thông tin sai sự thật, chủ động công khai, xin lỗi.

Có nên thừa nhận báo chí tư nhân?

GS. TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phân tích: Quyền tự do báo chí là một trong những quyền của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận. Thực tế, sự tham gia của tư nhân vào hoạt động báo chí làm cho báo chí đa dạng hơn, sinh động hơn. Tuy nhiên, không ít lần Bộ Thông tin và Truyền thông phải xử phạt, chủ yếu xảy ra ở hoạt động liên kết. Nguyên nhân là do đối tác liên kết không phải chịu trách nhiệm và “núp bóng” dưới các cơ quan báo chí.

Kinh nghiệm ở các nước cũng cho thấy, báo chí rất đa dạng (trong đó có báo chí tư nhân) nhưng đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Những hành vi đưa tin sai sự thật, xúc phạm tổ chức, cá nhân, tiết lộ bí mật quốc gia, kích động bạo lực và các hành vi vi phạm pháp luật khác có thể dẫn đến những án phạt rất nặng, thậm chí dẫn đến phá sản mà không có chủ báo nào không sợ.

“Về cơ sở pháp lý thực ra việc thừa nhận báo chí tư nhân không chỉ phù hợp với Hiến pháp mà còn phù hợp với quy định của Luật Báo chí hiện hành, bởi báo chí là diễn đàn của nhân dân… Trước một việc sớm muộn cũng diễn ra, chủ động nghiên cứu, ban hành quy phạm pháp luật để điều chỉnh sẽ tốt hơn là ứng phó một cách thụ động”, ông Thuyết nhấn mạnh.

Dự thảo Luật Báo chí đang lấy ý kiến rộng rãi có 6 chương, 58 điều (thêm nhiều điều mới so với Luật Báo chí 1989, được sửa đổi bổ sung năm 1999 gồm 7 chương, 30 điều) và sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm