Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Quan điểm định hướng về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam

Thái Hải

Thứ sáu, 18/08/2023 - 14:00

(Thanh tra) - Là chủ đề hội thảo lần 3 trong khuôn khổ đề tài khoa học cấp quốc gia “Kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam” do Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CL&KHTT), Thanh tra Chính phủ phối hợp với Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội và Tạp chí Thanh tra đồng tổ chức diễn ra vào sáng 18/8.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: Hội thảo được tổ chức nhằm thu thập ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và cán bộ thực tiễn để đề xuất quan điểm định hướng nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng (PCTN) ở Việt Nam trên cơ sở nghiên cứu lý thuyết và thực trạng về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN.

Qua đó, ban chủ nhiệm đề tài hi vọng tổng hợp được các đề xuất, kiến nghị về quan điểm định hướng nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực nhằm PCTN ở Việt Nam trong thời gian tới; tham luận tại hội thảo được tập hợp và in thành kỷ yếu để phục vụ trực tiếp cho việc nghiên cứu đề tài.

Phát biểu dẫn đề tại hội thảo cho thấy, Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng lần đầu tiên khẳng định yêu cầu kiểm soát quyền lực Nhà nước trong cơ chế tổ chức và vận hành quyền lực Nhà nước.

Thể chế hóa quan điểm trên, Điều 2, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Qua đó nhận thấy, vấn đề kiểm soát quyền lực Nhà nước được hiến định là bước phát triển đột phá trong tư tưởng về tổ chức quyền lực Nhà nước ở Việt Nam.

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã tiếp tục khẳng định nhất quán nguyên tắc: “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp dưới sự giám sát của nhân dân”.

PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, Hiệu trường Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: TH

Để hiện thực hóa quan điểm này, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Nhà nước ta phải quan tâm đến việc “hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, bảo đảm quyền lực Nhà nước là thống nhất, được kiểm soát hiệu quả”. Trọng tâm là “hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước, đẩy mạnh PCTN, tiêu cực”.

Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đã có những định hướng lớn về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tiến hành những cải cách toàn diện, mạnh mẽ về tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị và hướng tới xây dựng một Chính phủ minh bạch, liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân thì việc hoàn thiện, nâng cao hiệu quả cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm PCTN là sứ mệnh lịch sử khách quan của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân.

“Sứ mệnh đó đòi hỏi trước hết các cơ quan chức năng, các nhà khoa học cần phải có sự quan tâm nghiên cứu thấu đáo, toàn diện về mối liên hệ giữa kiểm soát quyền lực và PCTN làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp tổng thể, chiến lược về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN phù hợp với điều kiện Việt Nam” - TS Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện CL&KHTT nhấn mạnh.

Liên quan đến chủ đề kiểm soát quyền lực nhằm PCTNTC, đến thời điểm này, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền (thay thế Quy định 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019); một số quy định khác vẫn đang trong quá trình chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện, bao gồm: Đề án Kiểm soát quyền lực nhằm PCTNTC trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Đề án Kiểm soát quyền lực nhằm PCTNTC trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; Đề án Kiểm soát quyền lực nhằm PCTNTC trong hoạt động xây dựng pháp luật.

“Bối cảnh này đang đặt ra yêu cầu đối với Ban Chủ nhiệm Đề tài là cần phải kế thừa, cụ thể hóa các quy định đã ban hành, đồng thời phải song hành với các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung, phát triển các quan điểm chỉ đạo của Đảng về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN ở Việt Nam” - TS Nguyễn Quốc Văn cho hay.

Hội thảo lần này là 1 trong 4 hội thảo khoa học được tổ chức trong khuôn khổ đề tài độc lập cấp quốc gia “Kiểm soát quyền lực nhằm PCTN ở Việt Nam” do Viện CL&KHTT là đơn vị chủ trì, phối hợp với Tạp chí Thanh tra và Trường Đại học Luật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đồng tổ chức.

TS Nguyễn Quốc Văn khái quát lại kết quả 2 hội thảo lần trước và hi vọng hội thảo lần này đặt được kết quả mục đích đề tài. Ảnh: TH

Khái quát lại kết quả 2 lần hội thảo trước, TS Nguyễn Quốc Văn cho hay, tại hội thảo lần 1: Những vấn đề lý luận về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN, đã tiếp cận các lý thuyết, tư tưởng, quan điểm, kinh nghiệm trong nước và quốc tế về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN; nhận thức về khái niệm, đặc điểm, chủ thể, đối tượng, nội dung, phương thức kiểm soát quyền lực nhằm PCTN và những yếu tố tác động, ảnh hưởng đến kiểm soát quyền lực nhằm PCTN; thống nhất việc tiếp cận, nghiên cứu nhằm hướng tới đề xuất hoàn thiện đồng thời 3 cơ chế kiểm soát quyền lực chủ yếu nhằm PCTN phù hợp với thực tiễn Việt Nam (cơ chế kiểm soát của đảng, cơ chế kiểm soát của Nhà nước và cơ chế kiểm soát của xã hội).

Tại hội thảo lần 2: Thực trạng kiểm soát quyền lực nhằm PCTN ở Việt Nam đã làm rõ khung chính sách của đảng, quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN; thực trạng tham nhũng, tiêu cực, xác định nguyên nhân và thực trạng kiểm soát quyền lực nhằm PCTN trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước...

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung tham luận đề cập đến nhiều khía cạnh, nhiều vấn đề thuộc phạm vi nghiên cứu của đề tài, trong đó tập trung vào 5 khía cạnh như: Quan điểm định hướng vận dụng và phát triển lý thuyết, tư tưởng, quan điểm về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN ở Việt Nam; quan điểm định hướng nâng cao hiệu quả cơ chế kiểm soát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các chủ thể xã hội nhằm PCTN ở Việt Nam; quan điểm định hướng nâng cao hiệu quả cơ chế kiểm soát của Đảng và của Nhà nước nhằm PCTN ở Việt Nam; quan điểm định hướng nâng cao hiệu quả kiểm soát việc thực thi quyền lực của các cơ quan Nhà nước nhằm PCTN; quan điểm định hướng nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực nhằm PCTN trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm