Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa quan trọng

Thanh Thanh

Thứ năm, 15/09/2022 - 17:28

(Thanh tra) - Ngày 15/9, tại hội nghị trực tuyến phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, những ý kiến đóng góp tại hội nghị có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần hoàn thiện dự án luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần thứ 4, khóa XV.

MTTQ Việt Nam rất quan tâm tới việc xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Q.Vinh

Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).

Các nhóm nội dung góp ý, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam tập trung vào một số nội dung như: Tính thống nhất, đồng bộ, khắc phục chồng chéo giữa Luật Đất đai với các qui định khác của pháp luật; các ý kiến về bảo đảm hài hòa lợi ích, khắc phục lợi dụng, thâu tóm đất đai, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…

Phát huy nguồn lực từ đất đai

 Theo bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ đất đai; sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp phát huy nguồn lực từ đất đai; song cũng còn một số vấn đề cần trao đổi, thảo luận để hoàn thiện.

Cần quy định cụ thể về “đối tượng tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng” và “điều kiện được nhận chuyển nhượng” để vừa thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển, vừa đảm bảo ổn định cuộc sống của nông dân, tránh tình trạng nông dân không còn tư liệu sản xuất, không có việc làm và thu nhập sau khi chuyển nhượng đất trồng lúa cho các tổ chức kinh tế.

Đồng thời cũng nên xem xét quy định về việc “nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp” đối với các tổ chức kinh tế giữa Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) để đảm bảo tính thống nhất; tránh vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện sau khi các luật này được ban hành.

Khắc phục tình trạng quản lý lỏng lẻo

GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, cần bổ sung vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công, đất đai thuộc khu vực quyền tài sản tư và gắn với nó là các quy tắc quản lý phù hợp.

Hiện, đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công thường không được các cơ quan quản lý đất đai đặt thành trọng tâm. Chính vì vậy mà nguồn lực công sản bị rơi vào hoàn cảnh dễ dàng bị tham nhũng, lãng phí.

Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, để khắc phục tình trạng quản lý lỏng lẻo này, cần bổ sung vào Luật Đất đai sửa đổi quy định về đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công và đất đai thuộc khu vực quyền tài sản tư và gắn với nó là các quy tắc quản lý phù hợp.

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân về đất đai

GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam đề xuất bổ sung, làm rõ quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; quyền tham gia quản lý Nhà nước về đất đai; quyền khiếu nại, tố cáo về đất đai cũng như việc thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân về đất đai của MTTQ Việt Nam trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Bà Trịnh Thị Thanh Bình, Thành viên Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật Uỷ ban MTTQ tỉnh Bến Tre nêu thực trạng ở những vùng định cư ổn định, nhưng lại “vẽ” ra một dự án đô thị là bị giải tỏa, đền bù. Từ đó, gây lãng phí nguồn lực xã hội, nguồn lực về tài nguyên môi trường; hay như việc thu hồi đất đất nông nghiệp, để thực hiện các dự án đô thị gây nguy cơ mất an ninh lương thực và nảy sinh nhiều vấn đề khác.

Để khắc phục tình trạng này, bà Trịnh Thị Thanh Bình kiến nghị, việc thu hồi đất để thực hiện các khu đô thị, khu dân cư, nhà ở thương mại trong dự thảo luật cần cụ thể hơn nữa theo đúng tinh thần Nghị quyết 18/NQ-TW. Đặc biệt phải rõ tiêu chí, nguyên tắc và theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, theo thẩm quyền quản lý đất đai.

Nhằm giảm thiểu các vụ việc khiếu kiện liên quan đến đất đai

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định, trong thời gian vừa qua, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động quan trọng để tập hợp ý chí, trí tuệ góp ý cho các dự thảo.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đến nay, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã tiếp nhận những đóng góp quan trọng, có giá trị từ các tổ chức, cơ quan và thành viên của MTTQ Việt Nam từ Trung ương đến địa phương.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, các ý kiến đóng góp tại hội nghị sẽ được cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc. Đặc biệt là những nội dung liên quan đến việc thể chế mục tiêu chính sách, giải pháp và điều kiện thực hiện chính sách liên quan đến lĩnh vực đất đai; chế định những nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề tài chính và định giá đất đai, về thu hồi đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư nhằm đảm bảo mọi quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất và quyền của người bị thu hồi đất sẽ được đảm bảo công bằng, chia sẻ lợi ích.

Cùng với đó, trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tiếp tục làm rõ, thể chế hóa các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Trong đó làm rõ được vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng, thực hiện và giám sát, phản biện xã hội chính sách pháp luật về đất đai.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhận định, các ý kiến đều ghi nhận, đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo và Chính phủ đã chuẩn bị Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bám sát nội dung Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; bám sát thực tiễn và tuân thủ Hiến pháp, cơ bản tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành và giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng đặt ra trong thực tiễn. Bước đầu đã tạo được niềm tin về một Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nhằm giảm thiểu các vụ việc khiếu kiện liên quan đến đất đai.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tôn sư trọng đạo là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục!

Tôn sư trọng đạo là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục!

(Thanh tra) - Đó là phát biểu của Hoà thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Học viên Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, khi bàn về Luật Giáo dục, nhân ngày 20/11- Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Trà Vân

16:21 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm