Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần sửa đổi Luật Đất đai bảo đảm quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân

Thanh Thanh

Thứ tư, 14/09/2022 - 22:07

(Thanh tra) - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo về những vướng mắc, bất cập trong Luật Đất đai năm 2013 và giải pháp sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm quyền và lợi ích tổ chức, cá nhân diễn ra hôm nay (14/9).

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội. Ảnh: H.D

Tại hội thảo này, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng nhận định, hiện nay, bảng giá đất tại một số địa phương mới bằng khoảng 65% so với giá thị trường; công tác định giá đất cụ thể ở một số nơi chưa kịp thời, chưa có cơ chế, nguồn lực để thu thập đầy đủ các dữ liệu, thông tin giá thị trường phục vụ cho công tác định giá đất để đảm bảo định phù hợp với giá thị trường.

Vi phạm pháp luật về đất đai còn xảy ra nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời; tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; tỷ lệ đơn thư khiếu nại vẫn chiếm trên 60% trong tổng số đơn thư gửi đến các cơ quan Nhà nước; số vụ án liên quan tới cán bộ lãnh đạo các cấp về đất đai chiếm trên 70% số vụ án được xét xử hàng năm.

Đồng bộ giữa Luật Đất đai và các đạo luật khác có liên quan

Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp cho rằng, Luật Đất đai cần quy định cụ thể hơn căn cứ xác định thành viên hộ gia đình sử dụng đất, cơ chế xác lập, thực hiện, hủy bỏ, vô hiệu giao dịch nói chung, giao dịch bảo đảm nói riêng khi chỉ có một, một số thành viên của hộ gia đình sử dụng đất tham gia xác lập, thực hiện giao dịch.

Bổ sung việc định nghĩa tài sản gắn liền với đất vào Luật Đất đai để có sự thống nhất trong nhận thức pháp luật, xây dựng pháp luật và áp dụng pháp luật.

Ông Nguyễn Hồng Hải kiến nghị, cần có cơ chế pháp lý rõ ràng hơn về cơ chế đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, trong đó cần làm rõ các trường hợp tài sản gắn liền với đất phải được đăng ký, các trường hợp không cần phải đăng ký.

PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và hài hòa giữa Luật Đất đai và các đạo luật khác có liên quan.

Hiện nay, trên một thửa đất có 24 đạo luật điều chỉnh ở các góc độ khác nhau; vì vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai chỉ tháo gỡ được một phần, nếu không chú trọng sửa đổi đồng bộ các đạo luật khác có liên quan như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… sẽ không giải quyết được triệt để các tồn tại, bất cập trên thực tế.

Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, trong dự thảo sửa đổi Luật Đất đai 2013, giá đất đang được tiếp cận theo hướng gần nhất với giá thị trường mà không xác định theo khung giá đất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không dễ dàng để đưa ra những hình thức phù hợp để giá đất được tiếp cận với giá thị trường.

Luật sư Nguyễn Văn Hà chỉ ra, khung giá đất quy định một loại, giá đất chuyển nhượng ký trên hợp đồng được công chứng là một giá khác, giá đất do cơ quan thẩm định lại là một giá khác.

Trong dự thảo đã đưa ra nhiều cơ chế, nhưng công tác giám sát chưa được tiếp cận, cụ thể là việc chưa đưa các lực lượng ngoài Nhà nước tham gia vào quá trình xác định giá thị trường là bao nhiêu, vì việc xác định giá thị trường cần được đảm bảo đa thành phần đồng thuận và chấp nhận thì giá thị trường đó mới có thể được tạo dựng và áp dụng trên thực tế.

Đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các quy định của Hiến pháp

 Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBT Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, ý kiến đại biểu đều có nhận định Luật Đất đai chưa định chế rõ ràng, làm nổi bật vai trò của đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia; chưa xác định rõ, chi tiết việc kiểm soát quyền lực nhà nước đối với các cơ quan thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đất đai quy định tại Điều 21; chưa thể hiện được sự phân cấp, phân quyền và trách nhiệm trong quản lý đất đai; giá trị tăng thêm của đất chưa được tập trung vào ngân sách Nhà nước, chưa hài hòa lợi ích của các bên; vi phạm về đất đai, khiếu kiện về đất đai còn phức tạp; chưa đồng bộ giữa các Luật, còn mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật Đất đai năm 2013 với Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014...

Vì vậy, cần sửa đổi Luật Đất đai đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các quy định của Hiến pháp; cần nghiên cứu, chỉnh sửa các quy định tại các đạo luật khác nhau để bảo thống nhất, đồng bộ với pháp luật về đất đai; cần bổ sung các quy định về quyền của chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai trong Luật Đất đai đảm bảo sự tương thích với Điều 52 Hiến pháp; cần sửa đổi Luật Đất đai nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân.

Giá đất khi Nhà nước thu hồi đất còn một số bất cập, nhất là cơ chế xác định chưa hợp lý dẫn đến việc giá đất do Nhà nước quy định và quyết định thường thấp hơn so với thị trường, giá đất đền bù thấp.

Đây là một trong những nguyên nhân gây ra khiếu nại trong quản lý đất đai, vướng mắc khi thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh, khi Nhà nước thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Do đó, cần xây dựng cơ chế xác định giá đất đảm bảo nguyên tắc thị trường, trong đó cần đảm bảo người dân được tham gia sâu, rộng rãi và đủ tính đại diện trong tham vấn ý kiến về giá đất.

Ý kiến của đại biểu tại hội thảo này sẽ là một trong những cơ sở góp phần quan trọng để UBTƯ MTTQ Việt Nam xem xét tổng thể về kỹ thuật lập pháp, các vướng mắc, bất cập của Luật Đất đai năm 2013, từ đó tổng hợp góp ý quan trọng cho Ban Soạn thảo trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai sắp tới, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng khẳng định.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tôn sư trọng đạo là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục!

Tôn sư trọng đạo là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục!

(Thanh tra) - Đó là phát biểu của Hoà thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Học viên Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, khi bàn về Luật Giáo dục, nhân ngày 20/11- Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Trà Vân

16:21 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm