Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Năm 2020 kỳ vọng các “nút thắt” về đầu tư công được tháo gỡ

Thứ ba, 07/01/2020 - 14:00

(Thanh tra) - Năm 2020, Nhà nước cần giải quyết những điểm nghẽn, chồng chéo trong kinh doanh tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển.

Toàn cảnh Diễn đàn

Đó là ý kiến của các chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn Đầu tư và Phát triển kinh doanh 2020, với chủ đề: “Cơ hội tăng tốc & bứt phá” do Ban Kinh tế Trung ương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng chủ trì, Hiệp hội Các tổ chức dịch vụ phát triển kinh doanh Việt Nam (VABO), Diễn đàn Đầu tư BizLIVE.vn tổ chức ngày 6/1/2020 tại TP.HCM.

Chính phủ đang chủ trương giải quyết

Chia sẻ về triển vọng kinh tế năm 2020, TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, năm 2020, nền kinh tế tiếp tục phát triển nhưng vẫn tồn tại những điểm nghẽn, cụ thể, Việt Nam đang còn “bị tắc” trong  đầu tư công, BOT, BT.

Nhận định về bức tranh kinh tế Việt Nam thời gian qua, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, điểm nổi bật nhất của năm 2019 là sự bứt phá của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh thương mại toàn cầu đi xuống, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước vẫn tăng trưởng 8%. Các doanh nghiệp tư nhân đang xuất khẩu ra nước ngoài nhiều hơn, thậm chí có doanh nghiệp tư nhân đã xuất khẩu cả máy móc.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, quy mô kinh tế của Việt Nam tăng nhanh, lần đầu tiên lọt tốp 50 nền kinh tế thế giới xét về quy mô nền kinh tế; cộng đồng doanh nghiệp đang phát triển, tốc độ phát triển của doanh nghiệp lớn có quy mô rất nhanh, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ ngày càng phát triển.

Mặc dù vậy, theo ông Lộc, 2020 vẫn tiếp tục là năm khó khăn với doanh nghiệp vì xu thế tăng trưởng kinh tế thế giới giảm tốc, thách thức với kinh tế còn nhiều. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, nhưng sức khoẻ của doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn còn nhiều vấn đề cần lưu tâm. Cụ thể, năm 2019, nguồn thu từ sản xuất kinh doanh vào ngân sách Nhà nước không đạt dự toán. Bên cạnh đó, dù chúng ta có cải thiện về môi trường kinh doanh nhưng vẫn còn chưa cao. Môi trường kinh doanh mới đứng thứ 5 trong ASEAN, hành trình như vậy vẫn còn rất xa để vào top 4.

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng nhấn mạnh: "Chính phủ đang chủ trương thành lập tổ công tác đặc biệt để giải quyết những điểm chồng chéo trong kinh doanh, đó có thể là điểm đột phá của năm 2020".

Ông Nguyễn Tú Anh cho rằng, năm 2019 động lực bị tắc nghẽn lớn nhất là đầu tư công nhưng năm 2020 các điểm nghẽn này sẽ được giải quyết, những thủ tục vướng mắc của 2019 đã được giải quyết nên 2020 vốn sẽ được giải ngân nhiều hơn.

Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng, các “nút thắt” về đầu tư công trong một số lĩnh vực cũng được giải quyết. Trong khi đó, với nền kinh tế Việt Nam, vai trò lớn hơn của kinh tế tư nhân giúp Việt Nam vượt qua các thách thức, thích ứng với các chuẩn mực quốc tế ngày càng được thể hiện rõ nét hơn.

Theo nhận định của các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách, bước sang năm 2020, đây được coi là năm bản lề của kinh tế - xã hội Việt Nam, với việc tổng kết thực hiện các nghị quyết, quyết định quan trọng của Đảng và Chính phủ về Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020, là năm cuối thực hiện Kế hoạch kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và đề ra những chiến lược phát triển cho giai đoạn tiếp theo.

"Bức tranh bất động sản sáng hay trầm là do người vẽ"

Bình luận về thị trường bất động sản hiện nay, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng còn nhiều điểm nghẽn.

Cả năm 2019, chỉ có một dự án được chấp thuận đầu tư, giảm 12 dự án so với năm 2018; chỉ có 4 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm 80% so với 2018… Những con số này cho thấy quy mô thị trường bất động sản cả nước sụt giảm, bất hợp lý trong cơ cấu sản phẩm bất động sản.

Thị trường bất động sản Việt Nam đang sụt giảm do độ trễ, và sẽ còn sụt giảm trong vòng vài năm tới.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Cty CP Bất động sản Đại Phúc Land cho rằng, bức tranh 2020 là sáng hay trầm là do người vẽ nên bức tranh, trong đó có trách nhiệm hành động của doanh nghiệp, tăng cường năng lực đầu tư, đầu tư cho nhân sự và bắt kịp xu hướng của người dân. Bà Hương cũng chia sẻ, trải qua 25 năm kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, bà nghiệm ra rằng bất động sản là lĩnh vực “không dành cho người yếu tim” vì nhiều rủi ro.

"Năm 2020 là năm chúng tôi mong muốn có một thông điệp đủ mạnh của Chính phủ và Nhà nước về ngắn hạn để doanh nghiệp bất động sản có thể vạch ra được một chiến lược ngắn hạn và dài hạn để đầu tư đúng hướng, đặc biệt là chiến lược đầu tư dài hạn, không chỉ vì lợi ích trước mắt", bà Hương nói.

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bổ sung: "Tôi cho rằng, thị trường bất động sản vẫn đang trong quá trình cơ bản sàng lọc chứ không đến mức độ bi quan. Một trong những nguyên nhân chính là do thể chế, chính sách không theo kịp sự phát triển của bất động sản, như vấn đề condotel chẳng hạn. Trong thời gian qua, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị phải có chính sách phù hợp cho phân khúc này. Thứ hai liên quan đến rà soát, thanh tra kiểm tra".

Cũng theo ông Lực, trong năm qua, doanh nghiệp bất động trên sàn làm ăn khá tốt, giá cổ phiếu tăng trung bình khoảng 13% so với năm trước.

Nghiêm Lan

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2030, ít nhất 50% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc không ma túy

Đến năm 2030, ít nhất 50% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc không ma túy

(Thanh tra) - Ngày 27/11/2024, Quốc hội đã chính thức thông qua chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 (Chương trình) với mục tiêu phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống ma túy, đồng bộ các giải pháp trên cả ba lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại.

Hoàng Nam

19:23 27/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm