Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Gọi điện thông báo nộp phạt “nguội” là lừa đảo

Bình An

Thứ ba, 16/04/2024 - 10:09

Về quy trình phạt “nguội”, người vi phạm cũng có thể tra cứu thông tin phạt nguội trên trang thông tin của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an. Chỉ khi nhận được thông báo chính thức bằng văn bản, chủ phương tiện căn cứ theo thời gian ghi trên thông báo để đến cơ quan chức năng thực hiện thủ tục xử phạt, tránh để kẻ xấu lợi dụng trục lợi.

Cục CSGT, Bộ Công an khẳng định việc gửi thông báo vi phạm được thực hiện bằng văn bản gửi tới chủ phương tiện. Ảnh: BA

Theo lực lượng chức năng, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng người dân nhận được cuộc gọi và tin nhắn từ số lạ tự xưng là CSGT thông báo yêu cầu nộp phạt “nguội”. Thủ đoạn chung của các đối tượng này là tự xưng là lực lượng CSGT thông báo hành vi vi phạm giao thông. Tuy nhiên, do đã quá thời hạn xử lý, đề nghị người vi phạm cung cấp số biên bản. Nếu người vi phạm chưa nhận được biên bản, các đối tượng giả danh này yêu cầu người vi phạm cung cấp một loạt thông tin như: tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, số hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng… để lực lượng chức năng cung cấp số biên bản, hành vi vi phạm, hình thức xử lý, số tiền xử phạt.

Bên cạnh thủ đoạn gọi điện, các đối tượng tội phạm sử dụng chiêu trò gửi tin nhắn giả mạo tới số máy điện thoại của người dân với đề nghị chuyển tiền phạt “nguội" vì vi phạm giao thông. Nội dung tin nhắn thường thể hiện: Đây là Cục CSGT bạn có một biên lai cần nộp phạt. Đây là thông báo cuối, gọi 102604 để nghe lại (miễn phí). Chi tiết l/h 9090 (200đ/p)…

Trên thực tế, có những người chưa bao giờ bị xử phạt nguội vi phạm giao thông nên có tâm lý lo lắng khi được nghe thông báo kiểu này. Đánh trúng tâm lý lo sợ này, các đối tượng lập tức yêu cầu người nghe chuyển tiền vào tài khoản định sẵn, hoặc cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản của chúng với vỏ bọc xác minh, điều tra, xử lý phạt “nguội”.

Đồng thời, kẻ lừa đảo còn yêu cầu nạn nhân giữ bí mật với gia đình, kể cả nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền. Khi đã chuyển xong tiền, người dân gọi lại số điện thoại của các đối tượng thì đều không liên lạc được.

Những chiêu trò nói trên đã diễn ra một thời gian dài, mặc dù cơ quan chức năng đã có khuyến cáo, tuy nhiên vẫn có nhiều người bị mất tiền oan với chiêu trò này. Theo Thông tư số 32/2023/TT-BCA ngày 1/8/2023 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT quy định: Các trường hợp vi phạm được phát hiện thông qua hệ thống giám sát, hoặc các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đều được lực lượng CSGT gửi thông báo bằng văn bản đến chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan, đến trụ sở cơ quan công an nơi phát hiện vi phạm hành chính làm việc. Nếu việc đi lại gặp khó khăn và không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở cơ quan công an nơi phát hiện vi phạm hành chính, thì đến trụ sở công an cấp huyện nơi cư trú để giải quyết vụ việc vi phạm hành chính.

Cục CSGT, Bộ Công an khẳng định việc gửi thông báo vi phạm được thực hiện bằng văn bản giấy, hoặc bằng phương thức điện tử (khi đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin). Đồng thời, đăng trên trang thông tin điện tử của Cục CSGT tại địa chỉ http://www.csgt.vn để người dân chủ động tra cứu, chấp hành việc xử phạt.

Khi truy cập vào trang thông tin này, ở góc phải sẽ có mục: Tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh. Nhập vào biển số xe; lựa chọn loại phương tiện (ôtô, xe máy) và mã bảo mật (ghi rõ chữ hoa và chữ thường) tương ứng rồi nhấn: Tra cứu. Nếu có vi phạm, màn hình sẽ ngay lập tức hiển thị thông tin chủ xe, thời gian, địa điểm, đơn vị phát hiện vi phạm, số điện thoại để người dân liên hệ giải quyết. Ngược lại, trang web sẽ xuất hiện thông báo: “Không tìm thấy kết quả”.

Ngoài ra, Cục CSGT khuyến cáo người dân cảnh giác với các thủ đoạn gọi điện lừa đảo qua thông báo phạt “nguội" giao thông. Đề nghị người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như nêu trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để phòng ngừa, ngăn chặn.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm