Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giao trách nhiệm xử phạt cho công an xã

Thứ ba, 09/06/2020 - 06:33

(Thanh tra)- Góp ý cho Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) (sửa đổi), đại diện Bộ Công an cho rằng, Dự thảo Luật cần phải chặt chẽ để công tác quản lý BVMT hiệu quả hơn nữa nhưng vẫn cần phải phòng ngừa để ngăn chặn tội phạm môi trường.

Giao trách nhiệm phát hiện, xử phạt các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường cho công an xã. Ảnh minh họa: Internet

Thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế những năm qua cho thấy, Việt Nam đã mở ra một giai đoạn mới trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bên cạnh hiệu quả về phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam cũng đối diện với vấn đề môi trường bị ô nhiễm. Các khu công nghiệp, làng nghề, khu đô thị được hình thành nhanh chóng làm cho nguồn rác thải công nghiệp cũng như rác thải sinh hoạt đưa vào môi trường ngày càng nhiều, gây ô nhiễm không khí, đất, nước. Hầu hết các khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý môi trường tập trung hoặc có nhưng hoạt động chỉ mang tính chất đối phó. Việc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xả nước thải trực tiếp ra sông, biển là khá phổ biến.

Tình trạng nhập khẩu trái phép chất thải vào nước ta dưới hình thức phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trong nước, kể cả thiết bị công nghệ lạc hậu dẫn đến nguy cơ biến nước ta thành bãi thải công nghiệp.

Tình trạng săn bắt, buôn bán động vật hoang dã, quý hiếm xảy ra hết sức nghiêm trọng, làm giảm tính đa dạng sinh học; số vụ ngộ độc thực phẩm, ngộ độc hóa chất bảo vệ thực vật tăng nhanh làm cho tình hình tội phạm về môi trường và vi phạm pháp luật về BVMT ở Việt Nam ngày càng gia tăng, không những ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe và tài sản của cá nhân, tổ chức mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng đối với môi trường nói chung.

Đặc biệt, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường vẫn diễn ra trên các lĩnh vực: Hoạt động xả thải vượt quy chuẩn tại các khu, cụm công nghiệp; chuyển giao, xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại không đúng quy định; nhập khẩu phế liệu, thiết bị máy móc đã qua sử dụng trái quy định pháp luật về BVMT; ô nhiễm nguồn nước do nước thải công nghiệp, các khu chăn nuôi tập trung, gây thiệt hại về tài sản và môi trường sống, gây bức xúc trong nhân dân.

Việc xử lý vi phạm về môi trường vừa qua đã được quan tâm hơn nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe. Số vụ xử lý hình sự chưa nhiều so với số vi phạm phát hiện được, chỉ chiếm 1,58%. Nguyên nhân của tình trạng này là do việc xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường chưa nghiêm, có nơi còn né tránh; có hiện tượng nhờn luật, coi thường pháp luật, chấp nhận phạt cho tồn tại, sau vẫn tái phạm.

Đặc biệt, tội phạm về môi trường theo Bộ luật Hình sự năm 2015 không có tội nào được phân loại là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (vì không có tội danh nào có khung hình phạt cao đến 20 năm, chung thân, tử hình) trong khi hậu quả của tội phạm này gây ra cho môi trường trong thực tế là rất lớn. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực môi trường hiện nay còn thiếu hoặc chưa được sửa đổi kịp thời.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) cần phải chặt chẽ hơn để công tác quản lý BVMT hiệu quả hơn nữa nhưng vẫn cần phải phòng ngừa để ngăn chặn tội phạm môi trường.

Với những vấn đề đang giao thoa về nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho rằng các cơ quan chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công an cần bàn thảo thêm để đưa ra một ý kiến chung vấn đề giao thoa giữa chức năng nhiệm vụ, bảo đảm nguyên tắc xây dựng luật sát với thực tiễn.

Đồng thời, việc phân định phải được thực hiện trên nguyên tắc “một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện” và “những việc liên quan đến nhiều cơ quan cùng thực hiện thì phải xác định rõ cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính; thẩm quyền của cơ quan phối hợp; cơ chế phối hợp”.

Bộ Công an cũng chấp thuận nội dung quy định “theo dõi việc tuân thủ pháp luật, phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường nơi công cộng”, vì hiện nay các hành vi vi phạm về BVMT nơi công cộng đang diễn ra phổ biến và thường xuyên. Mặc dù pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã giao cho rất nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt (trong đó có lực lượng Công an nhân dân) nhưng thực tế không có ai tiến hành kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử phạt tổ chức, cá nhân vi phạm tại các khu vực này. Đây là một khoảng trống trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật BVMT.

Hiện nay, lực lượng công an chính quy đã được tăng cường đến cấp phường, xã; ngoài các nhiệm vụ thực hiện theo quy định của ngành Công an cũng nên giao trách nhiệm phát hiện, xử phạt các hành vi vi phạm về BVMT nơi công cộng cho lực lượng này, bảo đảm phù hợp với thẩm quyền quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Bộ Công an cũng đề xuất đưa vào Dự thảo Luật Vấn đề An ninh môi trường Quốc gia; thảo luận về cấp thẩm quyền được ra quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất để phù hợp với Luật Thanh tra…

Thái Hải

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm