Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Đối tượng thanh tra - những vấn đề lý luận và thực tiễn

Thái Hải

Thứ năm, 24/12/2020 - 12:12

(Thanh tra) - Ngày 24/12, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CL&KHTT) tổ chức nghiệm thu chính thức đề tài khoa học "Đối tượng thanh tra- Những vấn đề lý luận và thực tiễn. Đề tài do ThS. Lê Văn Đức, Phó Trưởng phòng Thông tin, Tư liệu và Thư viện làm Chủ nhiệm.

Chủ nhiệm Đề tài trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: TH

Theo ThS. Lê Văn Đức, trong hoạt động thanh tra, đối tượng thanh tra có thể là một tập thể hoặc một cá nhân; đối tượng thanh tra cũng có thể là một hiện tượng, nội dung hay một chính sách cụ thể. Tuy nhiên, với cách hiểu thông thường thì đối tượng thanh tra được hiểu là chủ thể mà hoạt động thanh tra tác động đến nhằm xem xét, đánh giá và kết luận.

Thực tiễn cho thấy, đối tượng mà các cơ quan thanh tra tác động tới rất đa dạng, phong phú. Bên cạnh chủ thể là đối tượng thanh tra trực tiếp, hoạt động thanh tra còn tác động lên những đối tượng có quyền và nghĩa vụ liên quan mà chủ thể tiến hành thanh tra cần xác minh làm rõ để chứng minh cho những nhận định, đánh giá của mình. Những đối tượng này cũng có quyền và nghĩa vụ cụ thể được pháp luật quy định và có liên quan trực tiếp tới hoạt động thanh tra.

“Việc quy định và xác định rõ đối tượng thanh tra có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra; xác định phạm vi, nội dung, thời hạn thanh tra; thực hiện các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động thanh tra; việc thực hiện quyền trong hoạt động thanh tra, việc kết luận thanh tra và đôn đốc, xử lý sau thanh tra… Tuy nhiên, trên các phương diện lý luận và thực tiễn, các vấn đề liên quan đến nội dung đối tượng thanh tra chưa được làm rõ, còn nhiều hạn chế, vướng mắc”, ThS. Lê Văn Đức nhấn mạnh.

Mục tiêu cụ thể của đề tài sẽ làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản về đối tượng thanh tra: Quan niệm, đặc điểm, phân loại đối tượng thanh tra; tiêu chí xác định đối tượng thanh tra, quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra, ý nghĩa của việc xác định đối tượng thanh tra trong hoạt động thanh tra.

Bên cạnh đó, đánh giá đúng đắn thực trạng pháp luật và thực tiễn thực hiện các quy định về đối tượng thanh tra; đề xuất các giải pháp hoạn thiện các quy định pháp luật về đối tượng thanh tra và nâng cao hiệu quả thực thi các quy định pháp luật về đối tượng thanh tra.

Góp ý tại buổi nghiệm thu, ông Văn Tiến Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tổng hợp, Ủy viên Phản biện Hội đồng Đánh giá đây là đề tài rất hay, nghe có vẻ cũ nhưng đã khai phá được những vấn đề rất mới, kết cấu phù hợp với chủ đề nghiên cứu; kết quả nghiên cứu của đề tài đã đáp ứng được yêu cầu; các thông tin đưa ra trong báo cáo tổng thuật, báo cáo chuyên đề có độ tin cậy cao.

Đề tài đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề mang tính lý luận như: Khái niệm, đối tượng thanh tra, đặc điểm, vai trò, ý nghĩa của việc xác định đối tượng thanh tra; mối quan hệ của đối tượng thanh tra. Đồng thời, đề tài đã đánh giá được thực trạng pháp luật và đối tượng thanh tra, thực tiễn của quy định pháp luật về đối tượng thanh tra.

Trong đó, chỉ ra được các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Trên cơ sở đó, đề tài đã đưa ra được các quan điểm, giải pháp hoàn thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện các quy định của pháp luật về đối tượng thanh tra. Các giải pháp này khá toàn diện và khả thi.

Tuy nhiên, ông Mai cho rằng, tại Chương I, Ban Chủ nhiệm cần xem lại các quan niệm về đối tượng thanh tra, tính cấp thiết. Theo quy định của Luật Thanh tra thì đối tượng thanh tra chỉ bao hàm cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, gộp nội dung vai trò, ý nghĩa lại còn khoảng 3 tới 4 ý nghĩa.

Tại Chương II, có hai tiêu đề “kiểm soát xung đội lợi ích trong hoạt động thanh tra” trùng nhau, cần chỉnh lại.

Ở Chương III, nên bổ sung thêm quan điểm hoàn thiện pháp luật về đối tượng thanh tra và phải bảo đảm phù hợp với phân cấp thẩm quyền thanh tra và tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra.

Nhất trí với các góp ý của ông Văn Tiến Mai, ThS. Lê Thị Thúy, Ủy viên Thư ký Hội đồng cũng cho rằng, sản phẩm nghiên cứu đã tốt hơn rất nhiều so với trước đây. Kết quả nghiên cứu sẽ hoàn thiện hơn nếu bổ sung được hai nội dung: Xác định đối tượng thanh tra từ giai đoạn xây dựng Kế hoạch thanh tra hàng năm như thế nào? Bổ sung các tiêu chí xác định đối tượng thanh tra cụ thể. Mặt khác, đề tài cần chỉnh sửa kỹ thuật trình bày ở phần Mục lục.

TS. Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT cho rằng, Ban Chủ nhiệm cần cân nhắc quan niệm về đối tượng thanh tra là chủ thể hay là nội dung; Chương III không nên đưa ra quan niệm mà cần đưa vào Chương I.

Kết luận buổi nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu, TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT đánh giá cao sản phẩm của Ban Chủ nhiệm Đề tài, đã nghiên cứu tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau.

Tuy nhiên, cần bổ sung thêm về một số khái niệm, định nghĩa đối tượng thanh tra; một số nội dung mà Ủy viên Phản biện, Ủy viên Thư ký và các đại biểu đã góp ý để nội dung đề tài được hoàn thiện sau nghiệm thu.

Với kết quả nghiên cứu của đề tài, Hội đồng thống nhất xếp loại đề tài đạt loại xuất sắc./.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm