Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học về thanh tra

Thái Hải

Thứ sáu, 19/11/2021 - 23:24

(Thanh tra)- Nhằm định hướng nghiên cứu vào những vấn đề bức xúc trước mắt, phục vụ thiết thực công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong các ngành, lĩnh vực có nhiều nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CL&KHTT) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học về thanh tra”.

Các đại biểu cho rằng trong bối cảnh hiện nay, phương thức nghiên cứu cần được thay đổi, vẫn chọn những vấn đề cũ nhưng được tiếp cận theo phương thức mới. Ảnh: TH

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, phương thức nghiên cứu cần được thay đổi, đó là vẫn chọn những vấn đề cũ nhưng được tiếp cận theo phương thức mới. Một trong những vấn đề thiết thực gắn với tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra hiện nay chính là việc sửa đổi Luật Thanh tra 2010. Do vậy, một số vấn đề cấp thiết đặt ra cần được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong việc xây dựng kế hoạch nghiên cứu giai đoạn 2023 - 2024.

Cụ thể: Mô hình tiếp công dân ở địa phương theo Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Theo đó, việc chuyển ban tiếp công dân trở lại cơ quan thanh tra hay giữ nguyên như mô hình hiện nay (trực thuộc văn phòng UBND cấp huyện, cấp tỉnh) là một vấn đề cần được xem xét, nghiên cứu cho phù hợp; việc xin ý kiến đối với thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp trước khi ban hành kết luận thanh tra (KLTT). Đây là một trong những vấn đề pháp lý cần được làm rõ về tính tự chịu trách nhiệm, tính độc lập của thủ trưởng cơ quan thanh tra trong việc ban hành KLTT; điểm dừng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; cơ chế bảo vệ người tố cáo; xử lý đơn tố cáo nặc danh có nội dung tố cáo; địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra Nhà nước.

Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục PCTN, TTCP cho biết, các công trình nghiên cứu về công tác PCTN của TTCP hiện nay được thực hiện khá nhiều ở cấp độ cơ sở và cấp bộ, tuy nhiên, cấp độ Nhà nước hầu như rất ít. PCTN là lĩnh vực quan trọng, vì vậy, việc tăng số lượng các nghiên cứu ở cấp độ Nhà nước cần được chú trọng trong thời gian tới.

Về nội dung nghiên cứu: Các nghiên cứu về PCTN hiện nay chủ yếu trên bình diện chung (tổng thể) mà thiếu các nghiên cứu chuyên sâu về một số ngành, lĩnh vực: PCTN trong hoạt động khoáng sản, đất đai, đấu thầu, hoặc liên quan đến Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (các nghị quyết mới thông qua tại các kỳ họp của Liên hợp quốc về chống tham nhũng), tiền chính sách về PCTN…

Về phương pháp nghiên cứu: Ngoài các phương pháp truyền thống (định tính), cần tiếp cận nhiều hơn với phương pháp định lượng (khảo sát). Việc phối hợp, huy động lực lượng nghiên cứu từ các cục, vụ, đơn vị TTCP và một số bộ, ngành cũng là một trong những kênh giúp nâng cao tính thực tiễn trong các nghiên cứu khoa học. Mạnh dạn trẻ hóa lực lượng nghiên cứu cũng là vấn đề cần được đổi mới trong thời gian tới.

Việc đổi mới phương thức và nội dung nghiên cứu về thanh tra thực sự cần thiết, đây chính là cơ sở khoa học giúp cho việc xây dựng và hoàn thiện thể chế của ngành, TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra nhấn mạnh.

Vấn đề trọng tâm đặt ra đối với tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra hiện nay chính là việc xác định vị trí, vai trò và tính độc lập của cơ quan thanh tra Nhà nước. Theo đó, những vấn đề trọng tâm cần tập trung nghiên cứu trong thời gian tới: Sửa đổi Luật Thanh tra; phân định giữa hoạt động kiểm tra và thanh tra; định danh về hoạt động thanh tra chuyên ngành; đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ cán bộ, công chức của ngành; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và PCTN.

TS. Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, TTCP cho biết, với tư cách là đơn vị có chức năng tham mưu giúp Tổng Thanh tra thực hiện công tác pháp chế; tổ chức thực hiện công tác xây dựng pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật… những đề xuất về định hướng nghiên cứu của các đại biểu nêu trên rất xác đáng. Theo đó, để nâng cao chất lượng và tính ứng dụng của các công trình khoa học trong thực tiễn, các đề xuất nghiên cứu cần tiếp cận ở hai góc độ: (1) Nghiên cứu bao quát (bên ngoài) lựa chọn những vấn đề sát với chức năng, nhiệm vụ của ngành Thanh tra và có sự phối kết hợp với các bộ, ngành khác trong các nghiên cứu chuyên sâu để tạo ra nguồn lực nghiên cứu tốt hơn; (2) Nghiên cứu từ bản thân về tổ chức và hoạt động thanh tra.

Đại diện Viện CL&KHTT, TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng cho rằng, các ý kiến của các đại biểu đưa ra tại hội thảo rất thiết thực. Tuy nhiên, TS. Khanh cũng cho biết, việc hướng tới các nghiên cứu chuyên sâu một phần chưa thực hiện tốt vì lý do khách quan, do hầu hết lực lượng cộng tác viên có chuyên môn (đơn vị, cục, vụ cơ quan Thanh tra Chính phủ và một số bộ, ngành…) không có nhiều thời gian để tham gia, phối hợp với Viện CL&KHTT làm công tác nghiên cứu.

Nhận thức sâu sắc về vấn đề này, bước đầu, Viện CL&KHTT đã có sự phối kết hợp với một số bộ, ngành thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu ở cấp độ cấp bộ và Nhà nước.

Ngoài ra, Viện CL&KHTT đã xây dựng dự thảo về Quy chế quản lý đề tài khoa học của TTCP với mục tiêu đáp ứng yêu cầu về đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học về thanh tra đang đặt ra như hiện nay.

Kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện CL&KHTT đánh giá cao các đề xuất nghiên cứu mà các đại biểu đóng góp tại hội thảo này. Viện trưởng Viện CL&KHTT nhấn mạnh, những ý kiến trên chính là cơ sở khoa học cho việc xây dựng và hoàn thiện chính sách của ngành Thanh tra trong thời gian tới.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm