Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chuyển đổi giới tính: Không nên mãi “né tránh”

Thứ năm, 23/07/2015 - 14:02

(Thanh tra) - Công nhận hay không quyền công dân của người chuyển đổi giới tính luôn “nóng” từ các trang mạng xã hội Facebook đến các hội thảo tham vấn lấy ý kiến về Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Người ủng hộ cho rằng, sẽ giúp họ hạnh phúc, người phản đối thì lo hệ lụy xấu về sức khỏe, tâm lý, pháp lý…

Cộng đồng người LGBT mong mỏi được pháp luật, xã hội bảo vệ, không “kỳ thị”. Ảnh: Thảo Nguyên

Bộ luật Dân sự hiện hành chỉ quy định cá nhân có quyền được "xác định lại giới tính", không có quy định nào về việc "chuyển đổi giới tính". Hiện, Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đang lấy ý kiến đã mở rộng hơn. Tại khoản 1 Điều 36, Dự thảo quy định, "cá nhân có quyền xác định lại giới tính... ". Khoản 2 điều này lại quy định, "Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác".

Không cấm, cũng chẳng thừa nhận sẽ tạo trở ngại

Bạn Nguyễn Hữu Toàn (người được sinh ra giới tính là nam và đã qua Thái Lan phẫu thuật chuyển giới) chia sẻ: Tôi không đua đòi để được chuyển đổi giới tính mà tạo hóa đã sắp đặt nhầm lẫn. Khó khăn lắm, tôi mới đủ tiền để phẫu thuật nhưng khi trở về thì bị coi như những tên tội phạm nên phải sống chui, sống nhủi. Tôi tha thiết đề nghị các nhà làm luật công nhận việc chuyển đổi giới tính trong luật.

Theo ông Lương Thế Huy, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), nội dung trong điều luật trên có mâu thuẫn. Không cấm nhưng cũng không thừa nhận sẽ tạo nên những trở ngại, bất bình đẳng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người đồng tính, song tính, chuyển giới (cộng đồng người LGBT). “Nên bỏ quy định Nhà nước không thừa nhận chuyển đổi giới tính", ông Huy đề nghị và phân tích, đồng ý cho chuyển đổi giới tính không có nghĩa cho phép kết hôn đồng giới. Song nếu cho chuyển giới sẽ giải quyết được vấn đề kết hôn của những người này, bởi khi đó giới tính của họ đã được xác định lại.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Luật gia Việt Nam Trần Ngọc Vinh cho rằng, nếu Nhà nước đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới, đương nhiên các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ không cho phép thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác theo giới tính mới. Cho nên, quy định khoản 2, Điều 36 thừa và không khả thi.

Dưới góc độ quyền con người, nếu không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính chúng ta có vi phạm không? Thực tế xã hội hiện nay đã tồn tại người chuyển đổi giới tính, nếu Nhà nước không thừa nhận, tức là họ tiếp tục phải sống ở ngoài vùng phủ sóng pháp luật? Còn công nhận, thực thi pháp luật về tố tụng hình sự như vấn đề tạm giam, tạm giữ, thi hành án phạt tù sẽ được giải quyết như thế nào? Tác động đối với kinh tế - xã hội, sức khỏe nòi giống và đạo đức, truyền thống văn hóa của dân tộc? - ông Vinh đặt một loạt vấn đề và cho rằng cần phải nhìn thẳng vào sự thật để nghiên cứu.

“Chuyển đổi giới tính đã và đang diễn ra đòi hỏi pháp luật phải điều chỉnh. Vấn đề này cũng thuộc về quyền con người đã được Hiến pháp quy định”, Ủy viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Tô Văn Tám cho rằng, cần thừa nhận trong giới hạn theo hướng "trong những trường hợp đặc biệt, việc chuyển đổi giới tính phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác”.

Cân nhắc, thận trọng

Ở chiều ngược lại, theo TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, đây là vấn đề phức tạp vì đổi giới tính không chỉ làm thay đổi bề ngoài sinh học mà còn có những thay đổi về mặt tâm lý, xã hội đối với cơ thể và giới tính mới. Nó cần có quá trình kiểm tra tâm lý lâu dài, điều trị hoóc môn nội tiết trước và sau khi phẫu thuật. Có những người đã chuyển đổi giới tính nhưng sau một thời gian vẫn không thích nghi được với cơ thể mới.

Nhiều ý kiến cũng lo ngại, thừa nhận việc chuyển đổi giới tính không chỉ liên quan đến quyền nhân thân của một cá nhân, mà kéo theo đó là rất nhiều vấn đề xã hội phát sinh như hành lang pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp y học để chuyển đổi giới tính, vấn đề công nhận hôn nhân đồng giới, sự phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và truyền thống, phong tục, tập quán của Việt Nam... Do đó, vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng. Nếu đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì cũng không cho phép được thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác theo giới tính mới, chứ không “lập lờ”.

Mặt khác, không phải quốc gia nào cũng thừa nhận cho phép chuyển đổi giới tính và hôn nhân đồng tính. Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp cho biết, một đất nước nhiều tự do như Mỹ nhưng khi quyết định một việc họ cũng rất thận trọng, và thực tế, sau khi công nhận việc kết hôn đồng tính, bên cạnh nhiều người ủng hộ cũng có nhiều phản đối.

Chuyển giới không phải vì “đua đòi”

Theo kết quả khảo sát của iSEE vừa công bố, cộng đồng LGBT đang gặp áp lực cao trong các khía cạnh liên quan đến hôn nhân với người khác giới như kết hôn (27,5%), sinh con (25%) và kéo theo đó là những áp lực trong quan hệ với họ hàng. Sự kỳ thị với những gia đình “phi truyền thống” vẫn rất nặng nề trong tư duy người Việt. Điều này vô hình trung khiến những gia đình LGBT khó có cơ hội tìm kiếm hoặc thể hiện hạnh phúc của mình.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm