Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Chặng đường hơn 3 năm thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo

Ngọc Anh

Thứ ba, 26/10/2021 - 21:34

(Thanh tra) - Sau hơn 3 năm kể từ khi đi vào cuộc sống, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo đã được triển khai sâu rộng, hiệu quả, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện tại địa phương còn gặp một số vướng mắc nhất định.

Ảnh minh họa: Yen Bai Portal

Nhng kết quả đáng ghi nhận

Việt Nam là quốc gia có nhiều tín ngưỡng, tôn giáo với hơn 95% dân số có đời sống tâm linh và trên 24 triệu đồng bào là tín đồ các tổ chức tôn giáo. Cả nước hiện có 40 tổ chức đã được Nhà nước công nhận và cấp phép hoạt động tôn giáo.

Song song với việc hoàn thiện các chính sách phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đời sống đồng bào tín đồ các tổ chức tôn giáo, Việt Nam luôn chú trọng công tác thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành. Qua đó giúp họ nắm được những quy định của pháp luật, biết sử dụng pháp luật như một công cụ pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp; đồng thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân đối với quê hương, đất nước, phát huy những giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo.

Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018 trên cơ sở kế thừa và phát huy những ưu điểm của Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo, thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Luật được đánh giá là một bước tiến mới trong vấn đề đảm bảo hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta, phù hợp với xu thế hội nhập của thế giới trong tình hình hiện nay.

Nhìn lại chặng đường hơn 3 năm qua, Ban Tôn giáo Chính phủ nhận định, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và Nghị định 162/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ qui định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo đã được triển khai sâu rộng, hiệu quả, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Các tổ chức tôn giáo đã được hướng dẫn để hoàn tất các thủ tục công nhận tổ chức tôn giáo, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, các hội nghị, đại hội của các tổ chức tôn giáo được tổ chức long trọng, nhiều hoạt động tôn giáo mang tính quốc tế tổ chức tại Việt Nam được đánh giá cao.

Những năm qua, để tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và Nghị định 162/2017/NĐ-CP, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp đã phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức quán triệt nghiêm túc nội dung luật và nghị định cho chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo, cũng như cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đến tháng 4/2021, tổng số cuộc triển khai luật và Nghị định 162 cho cán bộ ở cấp tỉnh là 143 cuộc, với 24.000 người tham gia; cấp huyện là 937 cuộc, với 81.358 người tham gia; cấp xã là 6.168 cuộc với 295.027 người tham gia. Tổng số cuộc triển khai luật và Nghị định 162 cho chức sắc, chức việc, tín đồ ở cấp tỉnh là 243 cuộc, với 31.333 người tham gia; cấp huyện là 978 cuộc, với 88.112 người tham gia; cấp xã là 4516 cuộc, với 228.401 người tham gia.

Ngay sau khi luật có hiệu lực, các địa phương đã nhanh chóng có kế hoạch triển khai. Đơn cử, tại Bắc Kạn, từ năm 2018 đến nay, Sở Nội vụ đã tổ chức 17 hội nghị tuyên truyền, triển khai Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và Nghị định 162, thu hút 2.730 lượt đại biểu là cán bộ, công chức, quần chúng nhân dân, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh tham gia; tổ chức 8 lớp bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cho 739 lượt cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo các cấp trên địa bàn tỉnh. Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tổ chức 57 hội nghị tuyên truyền, triển khai luật và Nghị định cho 4.802 lượt đại biểu tham dự; tổ chức 277 buổi tuyên truyền với 18.000 lượt quần chúng nhân dân và tín đồ các tôn giáo.

Hoạt động tín ngưỡng tại Đền Mẫu, thành phố Bắc Kạn. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Bắc Kạn

Còn tại Lào Cai, trong 3 năm qua, Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật các cấp đã xây dựng kế hoạch và tổ chức phổ biến Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo theo quy định; Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh phối hợp tổ chức hơn 30 hội nghị tuyên truyền về luật cho cán bộ xã, thôn và nhân dân; cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo cấp tỉnh đã tổ chức phổ biến luật và hướng dân thực hiện luật cho 160 cán bộ làm công tác cấp tỉnh, cấp huyện; 175 chức sắc, chức việc đạo Công giáo, Phật giáo và 377 người đại diện, người giúp việc các nhóm Tin lành trên địa bàn.

Toàn tỉnh Bắc Ninh trong 3 năm đã tổ chức 84 hội nghị tuyên truyền cho 8.284 lượt người. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị chủ động nắm tình hình, tham mưu xử lý các đối tượng lợi dụng tín đồ gây mất ổn định về tôn giáo; quan tâm giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tôn giáo.

Thủ đô Hà Nội, sau hơn 3 năm triển khai Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và các văn bản liên quan, với sự vào cuộc tích cực của các đơn vị chức năng, đến nay công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo đạt kết quả đáng ghi nhận, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng và hợp pháp của người dân được bảo đảm theo pháp luật. Hoạt động tôn giáo thường niên cơ bản được thực hiện theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo và phù hợp với pháp luật. Trong khi đó, các lễ hội tín ngưỡng có chuyển biến tích cực, giảm thiểu mê tín dị đoan…

Mt sng mc

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, trong quá trình triển khai thực hiện tại các địa phương còn gặp một số vướng mắc nhất định.

Do có nhiều nội dung mới, liên quan đến nhiều đối tượng được thụ hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nên nhiều quy định trong các văn bản nêu trên vẫn còn có cách hiểu và thực hiện chưa thống nhất giữa các cấp, các ngành, dẫn đến công tác tham mưu quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Bên cạnh đó, theo Mục sư Nguyễn Hữu Mạc, Hội trưởng Hội Thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), việc áp dụng triển khai luật chưa đồng đều. Có những địa phương áp dụng tốt, đem lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong khi, một số địa phương chưa áp dụng, triển khai một cách đúng mức, việc tiếp cận, đánh giá chưa khách quan.

Qua giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng đã phát hiện một số hạn chế, tồn tại trong quá trình tổ chức thực hiện.

Bà Hoàng Thị Hoa, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, một trong những vấn đề tồn tại là nhận thức về công tác tôn giáo của nhiều cán bộ lãnh đạo quản lý ở các cấp còn chưa được thông suốt. Có những khi né tránh quá, không dám cho ý kiến, thậm chí cấm, không dám, hoặc không cho.

Báo cáo giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế khác. Đó là: Chậm ban hành một số văn bản để hướng dẫn thi hành triển khai luật; việc đào tạo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo chưa được đầu tư đúng mức; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai tôn giáo, xây dựng, cải tạo cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, quản lý tài sản, tài chính cơ sở tôn giáo của cơ quan hữu quan có nơi, có thời điểm còn chưa chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời.

Từ những hạn chế đó, đòi hỏi phải có giải pháp phù hợp để việc triển khai Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Bà Hoàng Thị Hoa cho rằng, sau 3 năm thực hiện, cần tiếp tục triển khai các lớp phổ biến luật, tiếp tục đưa ra các tài liệu tuyên truyền cũng như tuyên truyền trên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chúng ta phải phổ biến tích cực nội dung này để mọi người hiểu rằng, công tác tôn giáo là một trong những nội dung công tác chung của hệ thống chính trị chứ không phải của riêng cơ quan quản lý Nhà nước hay tôn giáo. Phải đổi mới trong công tác quản lý tín ngưỡng, tôn giáo. Đối với cơ quan chuyên môn, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ, để việc chỉ đạo được sát sao.

Nhằm thống nhất cách hiểu, thực hiện các quy định trong luật và Nghị định số 162, ngày càng nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của công chức, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng thời khắc phục những bất cập, khó khăn; mới đây, Ban Tôn giáo Chính phủ đã ban hành Văn bản số 1089/TGCP-PCTT, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó, năm 2022 tiếp tục quan tâm, bố trí kinh phí cho công tác tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng, tập huấn luật, Nghị định số 162 và chỉ đạo Sở Nội vụ (Ban Tôn giáo) tham mưu tổ chức thực hiện đạt kết quả.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm