Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cấp phó để xảy ra tham nhũng, cấp trưởng vẫn bị kỷ luật

Thứ ba, 18/12/2018 - 06:25

(Thanh tra)- Theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN - sửa đổi), cấp phó để xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị được giao trực tiếp phụ trách thì người đứng đầu vẫn bị xử lý kỷ luật…

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Luật PCTN (sửa đổi) năm 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019 dành 1 chương riêng quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Phải kịp thời phát hiện, xử lý tham nhũng

Cụ thể, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng…

Khi có căn cứ cho rằng người có chức vụ, quyền hạn có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, đề nghị người có thẩm quyền quản lý cán bộ đối với người có chức vụ, quyền hạn tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với người có hành vi vi phạm để xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng nếu xét thấy người đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền quản lý cán bộ đối với người có chức vụ, quyền hạn phải xem xét tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được yêu cầu của Cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân nếu trong quá trình thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử có căn cứ cho rằng người đó có hành vi tham nhũng.

Luật cũng quy định rõ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền quản lý cán bộ đối với người có chức vụ, quyền hạn phải hủy bỏ ngay quyết định và thông báo công khai về việc hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác, khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp của người có chức vụ, quyền hạn sau khi cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng.

Trình tự, thủ tục, thời hạn tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác; việc hưởng lương, phụ cấp, quyền, lợi ích hợp pháp khác và bồi thường, khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp của người có chức vụ, quyền hạn sau khi cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng, Luật giao Chính phủ quy định chi tiết.

Chủ động xin từ chức sẽ được miễn, giảm hình thức kỷ luật

Trường hợp để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu cấp phó để xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị được giao trực tiếp phụ trách thì người đứng đầu vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới và bị xử lý kỷ luật.

Tuy vậy, tại Điều 73, Luật PCTN (sửa đổi) cũng quy định rõ trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được xem xét loại trừ, miễn, giảm hoặc bị tăng trách nhiệm pháp lý.

Theo đó, được xem xét loại trừ trách nhiệm trong trường hợp không thể biết hoặc đã áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng; xem xét miễn hoặc giảm trách nhiệm trong trường hợp đã áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng hoặc đã chủ động, kịp thời phát hiện, báo cáo và xử lý tham nhũng theo quy định của pháp luật;

Ngoài ra, được xem xét miễn hoặc giảm hình thức kỷ luật nếu chủ động xin từ chức trước khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý, trừ trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ bị xem xét tăng trách nhiệm trong trường hợp phát hiện hành vi tham nhũng mà không áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng hoặc không kịp thời báo cáo, xử lý tham nhũng theo quy định của pháp luật.

Riêng người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội để xảy ra tham nhũng trong tổ chức mình ngoài việc bị xử lý theo quy định trên, còn bị xử lý theo điều lệ, quy chế, quy định của tổ chức đó.

Khắc phục hạn chế về quy định trách nhiệm người đứng đầu

Thời gian qua, công tác PCTN đã được chỉ đạo quyết liệt, có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt.  Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng tăng theo từng năm đã có tác dụng răn đe. Từ đó có tác dụng đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong PCTN tại đơn vị mình phụ trách.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2018, có 56 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (tăng 17 người so với năm 2017), trong đó 5 người bị xử lý hình sự, 45 người đã bị xử lý kỷ luật, 6 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật.

Nhưng việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Một số nơi, người đứng đầu chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch, cung cấp thông tin trong hoạt động các cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ…

Với những quy định mới của Luật PCTN (sửa đổi), trong đó có quy định về trách nhiệm người đứng đầu, các chuyên gia kỳ vọng, sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác PCTN, tiếp tục ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tệ nạn tham nhũng.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm