Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần quy định rõ thẩm quyền xử lý người đứng đầu doanh nghiệp khi để xảy ra tham nhũng

Thái Hải

Thứ năm, 20/10/2022 - 18:20

(Thanh tra) - Đó là một trong những đề xuất của các đại biểu tham dự tọa đàm khoa học với chủ đề “Trách nhiệm của người đứng đầu để xẩy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước do mình quản lý, phụ trách”, do Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CL&KHTT) tổ chức ngày 20/10.

Ngân hàng OceanBank là một ví dụ điển hình về tham nhũng trong khu vực tư. Ảnh minh họa: Internet

Tham nhũng ở khu vực ngoài Nhà nước ngày càng phức tạp, dưới nhiều hình thức

Phát biểu đề dẫn, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT Cung Phi Hùng nhấn mạnh: Tình trạng tham nhũng ở khu vực tư ở Việt Nam thời gian gần đây đang ngày càng diễn biến phức tạp, với mức độ và quy mô tham nhũng trong một vụ việc khá lớn. Một số cá nhân nắm giữ quyền hạn trong việc quản lý tài chính, tài sản của doanh nghiệp (DN) đã lợi dụng quyền hạn được giao chiếm đoạt tiền, tài sản; sự thiếu minh bạch và giải trình trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, các loại quỹ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân... ngày càng phổ biến.

Từ thực tiễn các vụ việc tham nhũng ở khu vực ngoài Nhà nước thời gian qua được phát hiện, cho thấy trong nội bộ các DN cũng có vô số kiểu tham nhũng nhằm trục lợi từ các cá nhân giữ chức vụ, quyền hạn trong DN. Các vị trí như chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc, kế toán, thủ kho… đều có thể tham nhũng dưới các hình thức như đòi hoa hồng, gửi giá, lại quả, đòi nhận lợi ích bất chính từ đối tác của mình để mang lợi cho họ và gây thiệt hại cho DN của mình, tạo điều kiện thanh toán thuận lợi để vụ lợi, gian lận trong kê khai tăng chi phí tiêu hao vật tư, gian lận trong thu mua nguyên liệu đầu vào, gian lận giá bán đầu ra; nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của DN mình vì vụ lợi.

Đặc biệt, đã xuất hiện loại tội phạm tham nhũng mới với tính chất hết sức nghiêm trọng như tham ô, cố ý làm trái và lừa đảo qua mạng, hay các tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán (như sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán - giao dịch nội gián hay thao túng giá chứng khoán…).

Một trong những ví dụ điển hình về tham nhũng trong khu vực tư chính là vụ tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank) năm 2016.

Gần đây nhất, ngày 30/9/2022, TAND tỉnh Đồng Tháp đã tuyên án tử hình đối với một kế toán trưởng một công ty nước ngoài về tội tham ô tài sản.

“Không chỉ các DN mà các tổ chức xã hội khu vực ngoài Nhà nước cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, là mầm mống cho các hành vi tham nhũng hình thành, phát triển. Đó là tình trạng các quỹ chưa thực hiện việc kiện toàn tổ chức, bộ máy của quỹ theo quy định; chưa ban hành đầy đủ các quy chế, quy định trong nội bộ quỹ theo quy định, điều lệ quỹ đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận và quy định của pháp luật. Đặc biệt, nhiều quỹ hoạt chưa đảm bảo sự công khai, minh bạch về tài chính trong quá trình vận động, tiếp nhận tài trợ, cá biệt còn lợi dụng tổ chức, hoạt động của quỹ nhằm mục đích có tính chất tư lợi mà thực chất là tham nhũng. Có thể nói, tình hình tham nhũng trong DN, tổ chức ở khu vực ngoài Nhà nước ngày một diễn biến phức tạp” - ông Hùng nhấn mạnh.

Tăng cường công tác thanh tra đối với DN khu vực ngoài Nhà nước

Từ thực trạng trên, các đại biểu tham dự tọa đàm cho rằng, trong mọi trường hợp, người đứng đầu luôn phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng trong DN, tổ chức của mình. Chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra tham nhũng do hành vi của người mà mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ; chịu trách nhiệm liên đới khi để xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị do cấp phó của mình được giao trực tiếp phụ trách.

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: TH

Các đại biểu cũng cho biết, pháp luật đã có một số quy định hướng đến xem xét, đánh giá việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng ở DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước, từ đó có cơ sở, căn cứ xem xét trách nhiệm của họ khi để xảy ra tham nhũng.

Thông qua khảo sát một số DN tư nhân trong VNR 500… qua điều lệ, quy chế nội bộ về quản trị được công khai, dường như không có bất kì một nội dung nào có thể làm cơ sở để xác định trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng.

Hầu hết các điều lệ, quy chế nội bộ về quản trị cũng chỉ dừng lại ở những quy định chung chung như nếu vi phạm pháp luật, vi phạm điều lệ, các quy định của hợp đồng, các quy định nội bộ khác thì người đứng đầu sẽ bị xem xét kỉ luật theo điều lệ, quy định của DN bằng các hình thức như bãi nhiệm, miễn nhiệm.

Các thủ tục miễn nhiệm, bãi nhiệm, quy trình, trình tự, thủ tục để thực hiện xác định trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm cũng không được quy định rõ trong điều lệ hay quy chế nội bộ. Có thể các quy định này tồn tại dưới dạng các quy định có tính bảo mật, nội bộ trong tổ chức, DN mà không công khai.

Có thể nói, việc tổ chức thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước phụ thuộc vào người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu. Do vậy, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước khi để xảy ra tham nhũng trong DN, tổ chức do mình quản lý là rất cần thiết.

Do đó, các đại biểu đề xuất, bổ sung các quy định của Luật DN, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Hợp tác xã, Luật Chứng khoán và các văn bản pháp luật về hội về trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước khi để xảy ra tham nhũng trong DN, tổ chức do mình quản lý.

Cần quy định rõ về thẩm quyền xử lý đối với người đứng đầu DN, tổ chức khi để xảy ra tham nhũng: Chẳng hạn đối với các quỹ thì cấp nào có thẩm quyền cấp phép hoạt động thì cấp đó có trách nhiệm xử lý. Tuy nhiên, đối với các DN thì không thể căn cứ vào cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập hay nơi DN đăng ký thành lập mà có thể căn cứ vào vốn điều lệ, quy mô hoạt động để quy định cấp xử lý phù hợp.

Quy định rõ về trình tự, thủ tục xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu DN, tổ chức khi để xảy ra tham nhũng. Khi trong một DN ngoài Nhà nước xảy ra một vụ việc tham nhũng đã được tòa án ban hành bản án và có hiệu lực pháp luật, thì cơ quan nào sẽ là người làm việc với người đứng đầu DN đó: Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nơi DN đăng ký thành lập? Cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực mà DN hoạt động? Trình tự, thủ tục ra sao? Mức độ nào thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ xử lý, mức độ nào thì có tính chất nhắc nhở, cảnh cáo để DN tự xử lý? Hình thức xử lý như nào? Tất cả những nội dung này cần phải quy định rõ.

Tăng cường công tác thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với DN, tổ chức xã hội khu vực ngoài Nhà nước, qua đó, có tác dụng thúc đẩy các DN, tổ chức phát huy vai trò của người đứng đầu trong công tác này; đồng thời qua đó cũng góp phần hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư.

Nghiên cứu ban hành các quy định nhằm động viên, khuyến khích các DN, tổ chức tự hoàn thiện các quy định nội bộ của mình trong công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và trong xác định, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng nói riêng. Nên coi đây là trách nhiệm chính của DN, tổ chức và Nhà nước cần hạn chế tối đa ban hành các quy định có tính chất can thiệp sâu vào công việc nội bộ của họ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm