Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

"Cầm tay chỉ việc" – điều kiện đảm bảo kế hoạch thanh tra được thực hiện hiệu quả

Thứ ba, 24/12/2024 - 16:18

(Thanh tra) - Là một trong những giải pháp để nâng cao điều kiện đảm bảo thực hiện kế hoạch tiến hành thanh tra của Thanh tra Chính phủ một cách hiệu quả, được đưa ra tại đề tài khoa học cùng tên do bà Nguyễn Bạch Tuyết làm chủ nhiệm. Đề tài được nghiệm thu vào ngày 24/12.

Bà Nguyễn Bạch Tuyết cho rằng, "cầm tay chỉ việc" – điều kiện đảm bảo kế hoạch thanh tra được thực hiện hiệu quả. Ảnh: TH

Các điều kiện tiên quyết đảm bảo thực hiện kế hoạch thanh tra

Trình bày nội dung nghiên cứu, chủ nghiệm đề tài cho biết, việc triển khai thành công kế hoạch tiến hành thanh tra phụ thuộc vào nhiều yếu tố và điều kiện đảm bảo, từ khâu chuẩn bị xây dựng kế hoạch cho đến khi triển khai trên thực tế.

“Tuy nhiên, thực tiễn tiến hành cuộc thanh tra trong những năm gần đây cho thấy, do chưa đáp ứng được các điều kiện đảm bảo nên việc triển khai kế hoạch tiến hành thanh tra còn tồn tại, hạn chế”, chủ nhiệm nhấn mạnh.

Theo chủ nhiệm đề tài, điều kiện bảo đảm thực hiện kế hoạch tiến hành thanh tra trước hết là khung pháp lý. Đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo kế hoạch thanh tra được thực hiện hiệu quả.

“Một kế hoạch thanh tra chỉ có thể được xây dựng và triển khai trên cơ sở các quy định pháp luật rõ ràng, chặt chẽ và phù hợp. Điều này giúp đảm bảo rằng kế hoạch tiến hành thanh tra được thực hiện đúng quy trình, không vượt ra ngoài giới hạn pháp luật và đáp ứng các yêu cầu về tính khách quan và minh bạch”, bà Tuyết nhấn mạnh.

Thực hiện kế hoạch tiến hành thanh tra hiệu quả không chỉ đòi hỏi một khung pháp lý vững chắc mà còn phụ thuộc vào các điều kiện liên quan đến năng lực nghề nghiệp, kỹ năng chuyên môn, kinh nghiệm làm việc, thận trọng nghề nghiệp, bảo mật thông tin, tính liêm chính, độc lập và khách quan của đội ngũ thành viên đoàn thanh tra.

Bên cạnh đó, môi trường làm việc, phương pháp và quy trình tiến hành thanh tra và giám sát hoạt động thanh tra. Trong đó, phương pháp và quy trình thanh tra là yếu tố cốt lõi đảm bảo việc phân tích, đánh giá đầy đủ và thích hợp các sai phạm trong quá trình thanh tra..

Cùng với đó là hợp tác của đối tượng thanh tra và phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan. Bà Tuyết cho rằng, đây không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là yếu tố nền tảng để xây dựng một quá trình thanh tra khách quan và giá trị thực tiễn cao. Việc tăng cường ý thức trách nhiệm, tính chuyên nghiệp trong hợp tác và phối hợp sẽ không chỉ cải thiện chất lượng thanh tra mà còn góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và vận hành của các tổ chức liên quan.

Theo bà Tuyết, thực hiện kế hoạch tiến hành thanh tra hiệu quả không chỉ phụ thuộc vào năng lực của thành viên đoàn thanh tra hay các phương pháp kỹ thuật, mà còn cần sự hợp tác của đối tượng được thanh tra và các cơ quan liên quan. Đây là yếu tố cốt lõi nhằm đảm bảo thanh tra đạt được mục tiêu đặt ra với độ chính xác, minh bạch và giá trị thực tiễn cao nhất.

Một điều kiện nữa đó là năng lực chỉ đạo, điều hành của trưởng đoàn thanh tra. Ngoài ra, kiểm tra và giám sát hoạt động của đoàn thanh tra cũng là điều kiện cần thiết để đảm bảo các mục tiêu của kế hoạch thanh tra được triển khai một cách hiệu quả.

Điều kiện bảo đảm thực hiện kế hoạch tiến hành thanh tra của Thanh tra Chính phủ là tổng hòa các yêu cầu cần được đáp ứng để đảm bảo kế hoạch tiến hành thanh tra được thực hiện một cách hệ thống, đáp ứng nội dung, phạm vi và phương pháp thực hiện trên cơ sở cân đối các nguồn lực cần thiết để đạt được mục tiêu một cách hiệu quả, hợp pháp và khoa học.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện kế hoạch tiến hành thanh tra cũng được xem là một điều kiện đảm bảo thực hiện kế hoạch thanh tra, việc tích hợp công nghệ thông tin không chỉ hỗ trợ quá trình lập kế hoạch mà còn tạo ra những chuyển biến tích cực trong toàn bộ quy trình thanh tra…

Giải pháp nâng cao điều kiện đảm bảo thực hiện kế hoạch thanh tra

Trên cơ sở các điều kiện đó, chủ nhiệm đề tài đã đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao điều kiện đảm bảo kế hoạch thanh tra như: Quy định cụ thể về trách nhiệm của người ký quyết định thanh tra và thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc thanh tra trong việc kiểm soát tiến độ, kế hoạch thực hiện.

Đảm bảo yêu cầu về xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra. Theo đó, việc chuẩn hóa các hoạt động khảo sát và thu thập thông tin tài liệu ban đầu đóng vai trò quyết định trong việc đảm bảo điều kiện thực hiện kế hoạch tiến hành thanh tra. Bà Tuyết cho hay, giải pháp này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả lập kế hoạch mà còn tạo tiền đề cho một quy trình thanh tra minh bạch, khách quan và đạt được mục tiêu đề ra. Để triển khai giải pháp này, các cơ quan thanh tra cần tập trung vào ba yếu tố chính: Xây dựng quy định nghiệp vụ rõ ràng, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khảo sát và đảm bảo tính minh bạch trong từng bước thực hiện.

Cạnh đó, cần thiết lập các cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm giám sát chặt chẽ hoạt động khảo sát và thu thập thông tin.

Việc nâng cao điều kiện đảm bảo thực hiện kế hoạch tiến hành thanh tra đòi hỏi sự chú trọng đặc biệt vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thanh tra, trong đó nhấn mạnh việc đa dạng hóa hình thức và phương pháp đào tạo, gắn lý thuyết với thực tiễn.

Thanh tra Chính phủ, với vai trò là cơ quan đầu mối trong hoạt động thanh tra, cần tập trung xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thanh tra, qua đó tăng cường hiệu quả thực hiện kế hoạch thanh tra.

Theo bà Tuyết, một trong những giải pháp có tính thực tiễn cao là áp dụng phương pháp "cầm tay chỉ việc" và kèm cặp giữa cán bộ có kinh nghiệm với cán bộ trẻ. Đây là hình thức đào tạo linh hoạt, mang lại hiệu quả cao trong việc truyền đạt kinh nghiệm và kỹ năng thực tiễn. Các cán bộ trẻ, khi được hướng dẫn trực tiếp bởi những người có kinh nghiệm lâu năm, sẽ nhanh chóng nắm bắt được những kỹ năng cần thiết, đồng thời học hỏi được cách xử lý những tình huống phức tạp trong quá trình thanh tra.

“Việc kèm cặp này không chỉ giúp nâng cao năng lực cá nhân của cán bộ mà còn tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, tăng cường sự phối hợp và chia sẻ kinh nghiệm trong nội bộ cơ quan thanh tra”, theo chủ nhiệm đề tài.

Đổi mới áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến, đặc biệt là quản lý rủi ro và thực hiện công tác khảo sát, nắm tình hình một cách hiệu quả là những giải pháp có tính quyết định để xây dựng kế hoạch thanh tra phù hợp với thực tiễn.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh tra là một giải pháp thiết yếu để nâng cao hiệu quả và chất lượng của công tác thanh tra, đặc biệt đối với ngành Thanh tra nói chung và Thanh tra Chính phủ nói riêng. “Giải pháp này không chỉ giúp hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ mà còn tăng cường tính minh bạch, chính xác và kịp thời trong việc thu thập, quản lý và xử lý thông tin...", chủ nhiệm nhấn mạnh. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Quảng Nam: Hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

Quảng Nam: Hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

(Thanh tra) - Thời gian qua, công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức có liên quan trong thi hành pháp luật về XLVPHC.

Lâm Ánh

10:04 24/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm