Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bổ sung quyền của đối tượng thanh tra

Thái Hải

Thứ hai, 26/12/2022 - 13:20

(Thanh tra) - Đó là một trong những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc bảo đảm thực hiện quyền của đối tượng thanh tra tại đề tài khoa học cơ sở "Bảo đảm thực hiện quyền của đối tượng thanh tra” do bà Đậu Thị Hiền, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra làm Chủ nhiệm được Hội đồng Nghiệm thu đánh giá là có tính khả thi, ứng dụng cao.

Chủ nhiệm Đề tài trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: TH

Bà Đậu Thị Hiền cho biết, đề tài được kết cấu thành 3 chương.

Chương 1, đề tài tiếp cận quyền của đối tượng thanh tra dựa trên lý thuyết về quản lý Nhà nước, trong đó tập trung vào mối quan hệ giữa cơ quan Nhà nước với người dân, doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ và dựa vào quan điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Đề tài đã làm rõ được các quan niệm về quyền, quyền của đối tượng thanh tra, bảo đảm quyền của đối tượng thanh tra, đặc điểm về quyền của đối tượng thanh tra, nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền của đối tượng thanh tra, phân loại quyền, các yếu tố tác động đến việc bảo đảm thực hiện quyền của đối tượng thanh tra.

Chương 2, đề tài phân tích những thực trạng quy định pháp luật về bảo đảm thực hiện quyền của đối tượng thanh tra qua các giai đoạn; thực tiễn bảo đảm thực hiện quyền của đối tượng thanh tra.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng, đề tài đã đưa ra một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để từ đó làm cơ sở cho việc đưa ra các giải pháp, kiến nghị tại Chương 3. Theo đó, một trong những tồn tại, hạn chế lớn nhất của pháp luật thanh tra là việc pháp luật thanh tra chưa ghi nhận đầy đủ quyền của đối tượng thanh tra được Hiến pháp, pháp luật ghi nhận; chưa ghi nhận quyền phản ánh, kiến nghị về kết luận thanh tra và hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ thanh tra.

Quyền từ chối cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung thanh tra; quyền đề nghị thay thế thành viên đoàn thanh tra khi có bằng chứng cho rằng thành viên đó không khách quan trong khi làm nhiệm vụ hoặc thuộc trường hợp không được bố trí làm thành viên đoàn thanh tra; chưa có cơ chế bảo vệ đối tượng thanh tra khi cán bộ thanh tra có hành vi trả thù, đe doạ trong quá trình tiến hành thanh tra; quyền giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra chưa có quy định về trình tự, thủ tục thực hiện.

Toàn cảnh Hội nghị Nghiệm thu. Ảnh: TH

Bà Hiền cho biết, đề tài được nghiên cứu trong bối cảnh Luật Thanh tra (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. Luật Thanh tra (sửa đổi) về cơ bản vẫn giữ nguyên các quyền của đối tượng thanh tra. Vì vậy, các giải pháp về hoàn thiện pháp luật vừa mang tính chất lâu dài (tiếp tục nghiên cứu làm rõ về cơ sở khoa học) và các giải pháp trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó tập trung vào phương thức bảo đảm thực hiện quyền của đối tượng thanh tra và các giải pháp có tính chất nhằm kiểm soát tốt hơn hoạt động thanh tra.

Đề tài đưa ra giải pháp hoàn thiện pháp luật thanh tra, trong đó đề xuất giải pháp bổ sung quyền của đối tượng thanh tra, pháp luật thanh tra cần bổ sung quyền từ chối cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung thanh tra. Đây là quyền để đối tượng thanh tra kiểm soát hành vi thanh tra ngoài nội dung, phạm vi, thời kỳ thanh tra của đoàn thanh tra, qua đó phòng ngừa hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ thanh tra.

Bổ sung quyền đề nghị thay thế thành viên đoàn thanh tra khi có bằng chứng cho rằng thành viên đó không trung thực, khách quan trong khi làm nhiệm vụ hoặc thuộc trường hợp không được bố trí làm thành viên đoàn thanh tra theo quy định. Việc bổ sung quyền này cũng nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích trong hoạt động thanh tra; phòng ngừa hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, cản trở hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra.

Cần bổ sung quyền kiến nghị, phản ánh và giải quyết kiến nghị, phản ánh trong hoạt động thanh tra. Theo đó, đối tượng thanh tra có quyền phản ánh, kiến nghị về những hành vi, sai phạm của người tiến hành thanh tra và các chủ thể khác có liên quan trong quá trình được thanh tra.

Bổ sung quyền về bảo vệ bí mật riêng tư, bí mật kinh doanh của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra. Luật Thanh tra 2010 và Luật Thanh tra (sửa đổi) chưa có quy định trực tiếp về bảo vệ bí mật riêng tư, bí mật kinh doanh của đối tượng thanh tra. Trong quá trình tiến hành thanh tra, có thể các bí mật kinh doanh, bí mật riêng tư đã được cung cấp theo yêu cầu của đoàn thanh tra nên cần có quy định trách nhiệm của cơ quan thanh tra trong việc bảo vệ quyền này.

Ngoài ra, cần ban hành cơ chế tiếp nhận, giải quyết phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong hoạt động thanh tra.

Tại hội nghị, Hội đồng Nghiệm thu cho rằng, việc nghiên cứu đề tài “Bảo đảm thực hiện quyền của đối tượng thanh tra” là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Đây là vấn đề mới, chưa có đề tài nào nghiên cứu sâu. Cách tiếp cận của đề tài có tính sáng tạo, phù hợp với mục tiêu nghiên cứu, nhiệm vụ nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu.

Nội dung nghiên cứu và mục tiêu nghiên cứu phù hợp với nội dung thuyết minh được phê duyệt. Các thông tin, tài liệu, số liệu nêu trong báo cáo tổng thuật được trích dẫn nguồn đầy đủ, có tính xác thực, đáng tin cậy.

Phần lý luận đã làm sáng tỏ những vấn đề lý luận cơ bản liên quan đến bảo đảm thực hiện quyền của đối tượng thanh tra; đánh giá, phân tích, làm sáng tỏ quy định của pháp luật và thực tiễn bảo đảm thực hiện quyền của đối tượng thanh tra; các giải pháp được đề tài đưa ra có tính mới, đồng bộ và khả thi; phân tích phù hợp với điều kiện thực tế, có tính logic về cả phương diện hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện.

Kết quả nghiên cứu của đề tài có tính mới, nhất là trong điều kiện chuẩn bị thực hiện Luật Thanh tra năm 2022.

Với những kết quả đạt được, Hội đồng thống nhất đánh giá đề tài đạt loại khá.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm