Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ Công Thương lần thứ ba “lấy đá ghè chân mình”

Thứ tư, 02/05/2018 - 09:11

(Thanh tra) - Năm 2016, khi Bộ Công Thương lần đầu tiên làm cuộc cách mạng cắt giảm tới 123 thủ tục hành chính (TTHC) vì lợi ích chung, dư luận đã ví hành động dũng cảm này là “lấy đá ghè chân mình”. Năm 2017, Bộ Công Thương tiếp tục cắt giảm 182 thủ tục và lần này, năm 2018, cuộc cách mạng hành chính lần thứ 3 được thực hiện với 54 thủ tục được cắt giảm, đơn giản hóa…

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

“Cuộc cách mạng lần thứ 3”

Với việc ký Quyết định số 1408/QĐ-BCT ngày 27/4/2018 phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa một loạt TTHC năm 2018 trên 10 lĩnh vực, ông Trần Tuấn Anh tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ ở Bộ Công Thương...

Theo Quyết định số 1408/QĐ-BCT, “sẽ có 54 TTHC nằm trong diện bãi bỏ, đơn giản hóa. Trong đó, bãi bỏ 12 thủ tục và đơn giản hóa 42 thủ tục đối với 10 lĩnh vực, tại 19 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 10 Thông tư, 1 Thông tư liên tịch, 1 Quyết định của Thủ tướng và 7 Nghị định”.  

Đối với lĩnh vực xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát, điều chỉnh và bãi bỏ 9 TTHC liên quan đến việc xác nhận đăng ký thực hiện khuyến mại theo hình thức mang tính may rủi thực hiện trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên hoặc theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 37/2006/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 07/2007/TTLT-BTM-BTC. 

Bộ Công Thương bãi bỏ thành phần hồ sơ quy định về hình ảnh hàng hóa khuyến mại và hàng hóa dùng để khuyến mại; mẫu vé số dự thưởng đối với chương trình khuyến mại có phát hành vé số dự thưởng; thay thế Giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa, dịch vụ khuyến mại và hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật bằng Bản sao giấy tờ về chất lượng của hàng hóa khuyến mại theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Bộ cũng bãi bỏ quy định trách nhiệm chậm nhất 7 ngày làm việc trước khi thực hiện khuyến mại thương nhân gửi văn bản thông báo cho Sở Công Thương nơi thực hiện khuyến mại kèm theo bản sao văn bản xác nhận của Bộ Công Thương. 

Thay vào đó, trách nhiệm thông báo này thuộc về Bộ Công Thương cung cấp cho Sở Công Thương nơi thương nhân tổ chức khuyến mại nội dung chương trình đã được xác nhận để phối hợp quản lý; bãi bỏ quy định về việc thông báo yêu cầu thương nhân hoàn chỉnh, bổ sung hồ sơ khi hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ. 

Đồng thời, cho phép thương nhân được lựa chọn 1 trong 3 cách thức đăng ký thực hiện khuyến mại bao gồm: Qua đường bưu điện, trực tiếp tại trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước, dịch vụ công trực tuyến (trước đây không có cách thức sử dụng dịch vụ công trực tuyến).

Người dân tiếp tục hưởng lợi

Đặc biệt, lĩnh vực xúc tiến thương mại đã được giảm thời gian thực hiện từ 7 ngày làm việc xuống còn 5 ngày làm việc. Đối với quy định về việc thông báo thực hiện khuyến mại, thời hạn gửi thông báo đến Sở Công Thương được giảm từ 7 ngày làm việc xuống 3 ngày làm việc trước khi thực hiện khuyến mại. 

Các trường hợp khác như xác nhận đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài; xác nhận thay đổi, bổ sung nội dung đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài và xác nhận đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam được rút ngắn thời gian từ 10 ngày làm việc xuống 7 ngày làm việc.

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá cao, Bộ Công Thương không chạy theo thành tích, số lượng thủ tục được cắt giảm mà điều quan trọng nhất là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng nhưng vẫn đảm bảo tốt các yêu cầu quản lý Nhà nước


Đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương bãi bỏ, đơn giản hóa 8 TTHC như: Bãi bỏ quy định về tài liệu trong hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm như sau: Bản sao có xác nhận của cơ sở, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư có ngành nghề kinh doanh thực phẩm theo quy định về việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm do Bộ Công Thương thực hiện và do Sở Công Thương thực hiện; đồng thời bãi bỏ nội dung “diện tích nhà xưởng”, “hệ thống thông gió”, “hệ thống chiếu sáng’ tại Bản thuyết minh về cơ sở vật chất...

Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương bãi bỏ quy định về việc cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc lá để kinh doanh hàng miễn thuế quy định tại Nghị định số 167/2016/NĐ-CP; giảm thời hạn thực hiện từ 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc đối với hoạt động cấp Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với sản phẩm, hàng hoá xuất khẩu và nhập khẩu thuộc quyền quản lý của Bộ Công Thương quy định Quyết định số 10/2010/QĐ-TTg. 

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng bãi bỏ văn bản xác nhận của Bộ quản lý chuyên ngành. Việc xin ý kiến của Bộ chuyên ngành chuyển từ trách nhiệm của  thương nhân sang trách nhiệm trao đổi ý kiến giữa các cơ quan Nhà nước; đồng thời giảm thủ tục từ 10 ngày xuống còn 5 ngày làm việc đối với hoạt động cấp Giấy phép gia công xuất khẩu có yếu tố nước ngoài quy định tại Thông tư số 04/2014/TT-BCT…

Liên quan đến Nghị định 109 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo gây nhiều tranh cãi thời gian qua, Bộ Công Thương cũng tiến hành điều chỉnh thời gian thực hiện thủ tục từ 15 ngày làm việc xuống còn 10 ngày đối với hoạt động cấp lại, điều chỉnh nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo; đồng thời bãi bỏ quy định về việc “Cấp mới Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo thay thế Giấy chứng nhận sắp hết hiệu lực”.

Cũng theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, ngoài lĩnh vực Xúc tiến thương mại (9 thủ tục); lĩnh vực an toàn thực phẩm (8 thủ tục); lĩnh vực xuất nhập khẩu (7 thủ tục), 7 lĩnh vực khác cũng được cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục lần này gồm có: Lĩnh vực Sở giao dịch hàng hóa (3 thủ tục); Lĩnh vực Tiêu chuẩn đo lường (9 thủ tục); Quản lý cạnh tranh (7 thủ tục); Kỹ thuật an toàn (5 thủ tục); Kinh doanh rượu (2 thủ tục); Năng lượng (3 thủ tục) và Điện (1 thủ tục). 

Cắt giảm, thông thoáng nhưng không buông lỏng quản lý

Với tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, vì người dân phục vụ, có thể nói 3 năm trở lại đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh là một trong những Bộ trưởng năng động, đột phá, tâm huyết, đi đầu trong cắt giảm TTHC, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp để phát triển kinh tế. 

Bộ Công Thương đã đóng góp một phần đáng kể trong nỗ lực chung của Chính phủ và có thể nói hiếm thấy một bộ trưởng thể hiện tư duy, hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm hiệu quả như vậy. 

Theo đánh giá của tổ công tác của Thủ tướng được công bố mới đây, Bộ Công Thương đạt yêu cầu theo nghị quyết Chính phủ, còn nhiều bộ, ngành chưa đạt yêu cầu đề ra. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, gắn công tác xây dựng thể chế với công tác xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật; bảo đảm các quy định, TTHC được thực thi thống nhất, hiệu quả...

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá cao, Bộ Công Thương không chạy theo thành tích, số lượng thủ tục được cắt giảm mà điều quan trọng nhất là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng nhưng vẫn đảm bảo tốt các yêu cầu quản lý Nhà nước. 

 Minh Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bảo vệ bí mật công tác của ngành Thanh tra - đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ngành

Bảo vệ bí mật công tác của ngành Thanh tra - đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ngành

(Thanh tra) - Ngày 12/12, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức Hội thảo Hoàn thiện kết quả nghiên cứu “Bảo vệ bí mật Nhà nước và bí mật công tác của ngành Thanh tra – Thực trạng và giải pháp”, do TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục 4, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm.

Thái Hải

12:16 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm