Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Băn khoăn đề xuất công an xã xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm

Hương Giang

Thứ hai, 25/10/2021 - 18:55

(Thanh tra) - “Khi công an xã được bổ sung thêm trách nhiệm thì viện kiểm sát cấp huyện sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát chặt chẽ hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm, đảm bảo tuân thủ đúng quy định”, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí khẳng định.

Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: Đ.X

Sáng ngày 25/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm thảo luận là bổ sung trách nhiệm tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm cho công an xã.

“Công an xã, phường, thị trấn, đồn công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền”, dự thảo quy định.

Công an xã đủ khả năng xác minh sơ bộ tin báo về tội phạm

Từ điểm cầu Quảng Bình, đại biểu Nguyễn Tiến Nam bày tỏ quan điểm đồng tình với 2 đề xuất này. Theo ông Nam, bổ sung trách nhiệm của công an xã là “hết sức cần thiết”.

“Đây là lực lượng thường trực gần dân nhất để nắm, tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm từ nhân dân, luôn có mặt nhanh nhất, kịp thời nhất khi có vụ việc liên quan đến an ninh trật tự xảy ra ở cơ sở; kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm cũng như hậu quả của tội phạm; tiến hành các hoạt động theo thẩm quyền để bảo vệ hiện trường, tài liệu, vật chứng, phối hợp truy bắt tội phạm”, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình đưa ra cơ sở cho quan điểm của mình.

Đại biểu Nguyễn Tiến Nam, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Ông Nam cho biết, hiện nay, 100% xã được bố trí công an chính quy với khoảng 45.000 công an chính quy, trong đó trên 50% có trình độ đại học, gần 22% từng công tác tại các đội điều tra công an cấp huyện, trên 71% từng làm công tác điều tra hoặc liên quan đến công tác điều tra hình sự.

Theo nhận định của ông Nam, nhân lực của công an xã rất lớn, đủ khả năng đáp ứng cho việc bổ sung nhiệm vụ về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm tương đương với công an phường, thị trấn. “Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng giao nhiệm vụ này cho công an xã”, đại biểu đoàn Quảng Bình khẳng định.

Chỉ 1 vài xã làm không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn

Đại biểu Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) băn khoăn khi sửa đổi điều này theo trình tự rút gọn. “Đây quy định mới, cần được xem xét, đánh giá đầy đủ theo trình tự xây dựng luật thông thường”, bà An nói.

Dẫn thực tế từ Cao Bằng, bà An thông tin, công an xã chính quy mới được thiết lập, mỗi xã được bố trí 5 người, nhưng thực hiện rất nhiều việc, chưa kể địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn. Cạnh đó, chuyên môn, nghiệp vụ của công an xã khác nhau nên giao thêm nhiệm vụ mới cần xem xét, đánh giá kỹ về năng lực cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất để bảo đảm tính khả thi.

“Nếu sau đánh giá nhận thấy chưa đáp ứng được ngay thì cần có lộ trình thực hiện về đào tạo, tập huấn cán bộ, trang bị cơ sở vật chất”, nữ đại biểu góp ý.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Ảnh: Đ.X

Giơ biển tranh luận từ điểm cầu nhà Quốc hội, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị Bộ Công an giải trình, tính toán thêm về số lượng con người, khả năng chuyên môn, nghiệp vụ, điều kiện cần thiết khác.

Vì theo ông Thịnh, Luật Công an nhân dân quy định, số lượng công an xã từ 3 - 5 người, còn lại là công an viên bán chuyên trách, chưa được đào tạo. Trong khi, công an phường có hàng trăm nhân lực mới đảm nhận được nhiệm vụ này trong thời gian qua.

“Tôi đồng tình giao thêm trách nhiệm nhưng cần phải chuẩn bị điều kiện cần thiết khác, giao như thế này chỉ cần một vài xã hoặc một vài công an xã làm không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn”, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nêu và lưu ý, chúng ta có hàng nghìn xã.

Giảm tải áp lực cho công an huyện đang quá tải

Giải trình sau đó, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí nói, trong bối cảnh dịch COVID -19, việc xử lý các tình huống, sự kiện liên quan đến tội phạm ở cơ sở rất khó khăn.

Thời gian qua, Bộ Công an đã tăng cường lực lượng công an chính quy về cơ sở khá nhiều. “Lực lượng này về năng lực, chuyên môn có thể đáp ứng được yêu cầu”, Viện trưởng Lê Minh Trí nói.

Hiện, luật mới quy định công an phường, đồn công an được điều tra, xác minh ban đầu tin tố giác tội phạm, mà không có công an xã. Theo ông Trí, dự luật bổ sung thêm trách nhiệm của công an xã để phát huy năng lực của nguồn nhân lực này nhằm giải quyết ngay tại chỗ các tình huống, giảm tải áp lực cho lực lượng công an huyện hiện nay đang quá tải.

Toàn cảnh phiên thảo luận Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự - điểm cầu nhà Quốc hội. Ảnh: Đ.X

“Qua dịch bệnh, thiên tai cho thấy đời sống xã hội phát sinh nhiều vấn đề, phát sinh tội phạm. Tăng cường lực lượng cơ sở giải quyết ngay, góp phần ổn định an ninh trật tự cả trước mắt và lâu dài”, ông Trí nhấn mạnh.

Trước ý kiến đại biểu băn khoăn về năng lực của công an xã, ông Trí cho rằng, so với trước có chuyển biến nhiều, nhưng phải tiếp tục tính toán cả về nhân sự, đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất cho công an cấp xã.

“Khi công an xã được bổ sung thêm trách nhiệm thì viện kiểm sát cấp huyện sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để kiểm sát chặt chẽ hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm, đảm bảo tuân thủ đúng quy định”, Viện trưởng Viện KSND Tối cao khẳng định.

Nhiều vụ án bị trì hoãn do dịch bệnh, thiên tai

Dự luật cũng bổ sung căn cứ “bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” có thể tạm đình chỉ giải quyết tin báo tố giác tội phạm, tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án…

Từ điểm cầu Hải Dương, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho hay, tình hình thiên tai, bão lũ, dịch bệnh vừa qua khiến quá trình khởi tố, điều tra, truy tố nhiều vụ việc, vụ án hình sự gặp khó khăn, bị trì hoãn do không thể tiến hành được các hoạt động tố tụng. 

Theo thống kê, từ khi thực hiện Chỉ thị số 16 đến nay, có 171 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đã gần hết thời hạn kiểm tra, xác minh; 77 vụ án gần hết thời hạn điều tra nhưng chưa có căn cứ ban hành quyết định tố tụng; 111 vụ án vướng mắc ở giai đoạn truy tố do không thể tiến hành được hoạt động tố tụng để quyết định việc truy tố. 

“Vì Bộ luật Tố tụng Hình sự không có quy định cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh dẫn đến vụ án, vụ việc không có cách giải quyết tiếp theo đúng quy định của pháp luật”, bà Nga nói.

Theo bà, nếu hết thời hạn điều tra mà không thể hoàn thiện hồ sơ và thực hiện hoạt động tố tụng theo luật định thì phải đình chỉ điều tra. Điều này có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm, phải xem xét trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, thậm chí là xử lý trách nhiệm hình sự đối với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. 

“Việc này làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, giảm sút lòng tin trong nhân dân, trong khi việc này không phải do lỗi chủ quan từ phía các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”, bà Nga nói và bày tỏ quan điểm đồng tình như dự thảo quy định. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trước những thách thức toàn cầu

Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trước những thách thức toàn cầu

(Thanh tra) - An ninh phi truyền thống khác với an ninh truyền thống ở trọng tâm là việc nhận diện và quản trị các rủi ro không chỉ ở cấp độ cá nhân, gia đình, mà còn mở rộng đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương, và quốc gia. Đây là một thách thức toàn diện, đòi hỏi sự phối hợp đa chiều để đưa ra các giải pháp phòng ngừa và ứng phó hiệu quả.

Minh Huyền

22:30 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm