Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thế giới chống tham nhũng - 1 năm vất vả

Thứ bảy, 13/02/2021 - 14:03

(Thanh tra)- Chống tham nhũng chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng. Trong bối cảnh thế giới phải đương đầu với đại dịch như năm qua, cuộc đấu tranh ấy càng trở nên cam go, căng thẳng.

Ảnh: istock

Khủng hoảng tham nhũng chồng khủng hoảng dịch bệnh; nhiều quan chức y tế bị cách chức, bắt giữ; các cuộc biểu tình chống tham nhũng vẫn diễn ra rầm rộ bất chấp lệnh phong tỏa… là những mảnh ghép trong bức tranh về cuộc chiến chống tham nhũng của thế giới năm 2020.

1. Tham nhũng và COVID-19: Khủng hoảng chồng khủng hoảng

Tính đến hết năm 2020, bước sang đầu năm 2021, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng tới 218 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 88 triệu ca mắc, trên 1,9 triệu người chết (số liệu cập nhật ngày 8/1/2021). Và, trục lợi, tham nhũng trong khủng hoảng cũng đã có mặt ở hàng trăm quốc gia, tại cả những nơi nghèo khó, dễ bị tổn thương nhất.

Tại Colombia, đất nước ghi nhận hơn 1,7 triệu ca mắc COVID-19 (cao thứ 11 trên thế giới), CƠN ĐÓI của dân nghèo đã thành BỮA TIỆC của kẻ tham nhũng ngay khi dịch bệnh mới kéo tới được ít ngày. Các nhà chức trách địa phương mua cá ngừ đóng hộp với giá 5 USD/hộp để phát cho người dân gặp khó khăn vì dịch bệnh. Trong khi bình thường, nó chỉ có giá khoảng 1,5 USD.

Tại Brazil - quốc gia chịu ảnh hưởng do dịch bệnh nặng nề hiện đứng thứ 3 trên thế giới, một lượng lớn quỹ khẩn cấp của Chính phủ để chống lại đại dịch COVID-19 bị biển thủ. Mức độ tham nhũng tại quốc gia này bị cho là “quá sức tưởng tượng”. Khi các nhà chức trách đổ xô mua máy thở, giường chăm sóc đặc biệt, khẩu trang và thuốc rửa tay, Quốc hội nước này đã thông qua một dự luật vào tháng 4 cho phép tất cả các cấp chính quyền mua hàng khẩn cấp mà không cần thông qua đấu thầu hoặc các quy trình thông thường. Bởi thế, máy thở đã được mua với mức giá cao vô lý từ một… cửa hàng rượu ở bang Amazonas hay nhiều bệnh viện dã chiến tại Rio de Janeiro được xây dựng nhưng chưa bao giờ được mở cửa…

Tại Nam Phi (đứng thứ 16 về số ca mắc), những nỗ lực ứng phó với COVID-19 đã bị ăn mòn bởi các cáo buộc tham nhũng. Bởi thế, dù được xem là quốc gia có kịch bản chuẩn bị tốt nhất ứng phó với COVID-19 trong số các quốc gia châu Phi cận Sahara, nhưng vấn nạn tham nhũng tràn lan tồn tại suốt nhiều năm nay đã làm suy yếu các cơ quan, bao gồm cả hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe nơi đây.

Tổng thống Cyril Ramaphosa thừa nhận, thực phẩm cho người nghèo, trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) cho nhân viên y tế và trợ cấp cho những người bị mất việc bởi đại dịch đều đã bị tham nhũng ghé thăm.

Còn tại châu Á, 74% số người được hỏi thừa nhận tham nhũng là một vấn đề lớn trong đại dịch, theo khảo sát gần đây của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI).

2. Nhiều quan chức y tế bị bắt giữ

Bộ trưởng Y tế Zimbabwe Obediah Moyo bị cách chức vì cáo buộc tham nhũng trong dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Philimon Bulawayo/Reuters

Năm 2020 có lẽ là một năm đặc biệt để nói về ngành Y, với tôn vinh sự hi sinh của các y bác sỹ trên trận tuyến cứu người, nhưng cũng thật đáng buồn, cả với lên án sự bán rẻ đạo đức của các quan chức y tế tham nhũng.

Ở nhiều quốc gia, tư lệnh ngành Y đã bị sa thải, ngay trong lúc “nước sôi lửa bỏng” cần sự tập trung cao độ nhất của hệ thống lãnh đạo y tế.

Ở Zimbabwe, Bộ trưởng Y tế bị bắt giữ, cách chức vì cáo buộc tham nhũng, lạm dụng chức vụ trong vụ ký hợp đồng trị giá 20 triệu USD với một công ty có tuổi đời 2 tháng, trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), để cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân và bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19. Quan chức này phải đối mặt với bản án lên tới 15 năm tù và khoản tiền phạt lớn.

Tại Guatemala, tham nhũng xuất hiện chỉ 5 ngày sau ca bệnh đầu tiên. 2 thứ trưởng y tế bị sa thải, nhiều quan chức y tế khác bị điều tra.

Tháng 8 vừa qua, người đứng đầu phụ trách vấn đề y tế của bang Brasilia (Brazil) cũng đã bị bắt giữ vì cáo buộc nhận hối lộ trong quá trình mua sắm bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19.

3. Biểu tình chống tham nhũng bất chấp lệnh phong tỏa

Dòng người biểu tình ở Jerusalem. Ảnh: Reuters/Ronen Zvulun

Tại Lebanon, ngay từ đầu năm, các cuộc biểu tình phản đối tham nhũng trong Chính phủ đã rầm rộ diễn ra, mặc dù đất nước này đang trong thời gian phong tỏa vì COVID-19.

Tình hình trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp sau vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut hôm 4/8. Chỉ một tuần sau đó, dưới sức ép của người biểu tình, Chính phủ Lebanon từ chức. Thủ tướng Hassan Diab tuyên bố, thảm họa Beirut là hệ quả của nạn tham nhũng.

Tại Bulgaria, sau ngày thứ 50 biểu tình liên tiếp, cuối tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Danail Kirilov đã phải từ chức do những chỉ trích nặng nề nhằm vào ông vì đã không giải quyết được vấn đề tham nhũng.

Cũng trong tháng 8, Thái Lan chứng kiến cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều năm, kêu gọi Chính phủ từ chức. Sự căng thẳng trong nước tăng cao vì các cáo buộc tham nhũng, việc bắt giữ một số thủ lĩnh sinh viên trong các cuộc biểu tình trước đó và suy thoái kinh tế do COVID-19.

Ở Israel, người dân biểu tình kéo dài, gây áp lực lên Thủ tướng Netanyahu do những cáo buộc tham nhũng nhằm vào ông và những khó khăn kinh tế bắt nguồn từ việc phong tỏa đất nước trong cuộc khủng hoảng COVID-19.

Trong bối cảnh dịch bệnh cũng ghi nhận các cuộc xuống đường của các y bác sỹ vì thiếu bảo hộ cá nhân, hoặc đồ bảo hộ không đảm bảo chất lượng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm virus. Tháng 8 vừa qua, nhiều y, bác sĩ Kenya đến từ các bệnh viện công đã tiến hành biểu tình để phản đối việc bị trả lương thấp và thiếu đồ bảo hộ y tế giữa lúc dịch bệnh căng thẳng.

4. Châu Á: Đánh giá tham nhũng tăng, nhưng người dân vẫn ủng hộ hành động của chính phủ

Ảnh: TI

Trong Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu (GCB) - khu vực châu Á, được TI công bố cuối năm 2020, người dân nhận thức rõ về tình trạng tham nhũng trên toàn khu vực: 74% trong số gần 20.000 người tham gia khảo sát tin rằng, tham nhũng của chính phủ là một vấn đề lớn ở đất nước của họ và cứ 5 người thì có 1 người đã sử dụng dịch vụ công trong 12 tháng trước đó thực hiện đưa hối lộ.

Bất chấp nhận thức rằng tham nhũng gia tăng, nhiều người dân đã lên tiếng ủng hộ tích cực các hành động mà chính phủ của họ đã thực hiện cho đến nay. Cụ thể, 61% người dân cho rằng, chính phủ của họ đang làm tốt công việc giải quyết tham nhũng; hơn 3/4 (76%) số người được hỏi cho biết, cơ quan chống tham nhũng ở trong nước là địa chỉ quen thuộc của họ, trong đó, 63% cho rằng cơ quan này đang hoạt động tốt.

Người dân Myanmar cho thấy sự tin tưởng cao nhất đối với cơ quan chống tham nhũng.

Trong khi đó, với Trung Quốc, báo cáo của TI cũng nhận định: “Đáng ngạc nhiên là trong khi hầu hết công dân coi tham nhũng là một vấn đề lớn ở đất nước của họ, nhưng họ vẫn lên tiếng ủng hộ tích cực cho các hành động đã được thực hiện".

Và, một điều đáng mừng là, bất chấp những lo ngại bị trả thù khi báo cáo tham nhũng, người dân khắp khu vực châu Á vẫn tràn trề hy vọng. Hơn 3/5 (62%) nghĩ rằng, những người bình thường có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc chiến chống tham nhũng.

5. Hộ chiếu vàng và hành động của châu Âu

Một người lấy bản sao hộ chiếu Cyprus trong cuộc biểu tình chống tham nhũng ở Thủ đô Nicosia, Cyprus, ngày 14/10/2020. Ảnh: Petros Karadjias /The Associated Press

Cuối tháng 8 vừa qua, hãng thông tấn Al-Jazeera của Qatar đã khiến truyền thông thế giới xôn xao khi công bố một tài liệu mật mang tên “The Cyprus Papers” (tạm dịch là “Hồ sơ Cyprus”). Hồ sơ này đã cho thấy thông tin về tình trạng người nước ngoài giàu có, dù không đủ tiêu chuẩn, vẫn có thể sở hữu tấm “hộ chiếu vàng” của Cyprus và Malta.

Điều đáng nói, mặc dù giới chức Cyprus khẳng định đã kiểm tra lý lịch của những người xin thị thực, song tài liệu “The Cyprus Papers” cho thấy hàng chục nhân vật đã bị kết án vì rửa tiền hoặc tham nhũng từ hơn 70 quốc gia vẫn mua được “hộ chiếu vàng” từ Cyprus. Những quốc gia có số người tham gia chương trình này nhiều nhất đến từ Nga, Trung Quốc và Ukraine.

Sau khi Al-Jazeera công bố các tài liệu liên quan, giới chức EU đã vào cuộc.

Ngày 20/10, EU quyết định mạnh tay hơn khi khởi động tiến trình pháp lý nhắm vào chương trình “hộ chiếu vàng”. Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định việc khởi kiện hai nước trên lên Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) vì đã vi phạm nguyên tắc hợp tác giữa các quốc gia thành viên EU, gây ra những mối nguy hại cho khối này.

Phía Cyprus tuyên bố dừng chương trình “hộ chiếu vàng” bắt đầu từ ngày 1/11/2020, song vẫn tiếp tục xử lý số đơn đã nhận. Trong khi đó, chính quyền Malta đề xuất thêm quy định khắt khe hơn cho những người có nhu cầu cấp hộ chiếu. Tuy nhiên, EU cho rằng những biện pháp trên là chưa thỏa đáng, đồng thời lo ngại hai đảo quốc này sẽ cho ra đời những chính sách tương tự.

6. Những cuộc cải tổ nội các

Tổng thống Joko Widodo (phải ảnh) chủ trì lễ nhậm chức cho 6 tân bộ trưởng và 5 thứ trưởng tại Cung điện Merdeka, Jakarta, Indonesia vào ngày 23/12/2020. Ảnh: Ban Thư ký Tổng thống Indonesia/ Anadolu Agency

Bên cạnh vấn nạn tham nhũng, khủng hoảng COVID-19 kéo theo khủng hoảng kinh tế và bộ máy chính phủ ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng cần một cuộc "thay máu" để có thể vận hành tốt hơn, đưa đất nước vượt qua khó khăn.

Tại Indonesia, trong bối cảnh dư luận chỉ trích Chính phủ về cách thức ứng phó với đại dịch COVID-19, 2 Bộ trưởng bị bắt giữ do liên quan tham nhũng, ngày 23/12, Tổng thống Joko Widodo đã tiến hành cải tổ Nội các, với 6 tân bộ trưởng và 5 tân thứ trưởng được bổ nhiệm.

Cũng trong tháng 12 vừa rồi, Tổng thống Hàn Quốc đã thay thế 4 vị trí bộ trưởng của các bộ: Y tế, Hành chính và An toàn, Địa chính và Giao thông, Bộ Phụ nữ và Gia đình.

Bên cạnh đó, trong nỗ lực cải cách cơ quan công tố, ông Moon Jae-in đã lựa chọn ông Park Beom-kye - một nhà lập pháp của đảng cầm quyền, làm Bộ trưởng Tư pháp thay thế bà Choo Mi-ae; và ông Kim Jin-wook, từng là một thẩm phán, làm người đứng đầu Văn phòng Điều tra Tham nhũng dành cho các quan chức cấp cao (CIO).

7. Nhiều khoản hỗ trợ bị dừng vì rủi ro tham nhũng

Một người đàn ông đi ngang qua điểm trao đổi tiền tệ ở Cairo, Ai Cập. Ảnh: Reuters

Dịch bệnh giống như một “đòn” chí mạng khiến các quốc gia vốn đã khó khăn càng cần tới sự hỗ trợ hơn bao giờ hết. Thế nhưng, tham nhũng đã cản trở dòng chảy viện trợ. Việc bảo đảm các quỹ không bị tham nhũng xâm hại trở thành điều kiện bắt buộc các quốc gia phải có hành động mạnh mẽ.

Hồi cuối tháng 6 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhận được lời kêu gọi dừng lại việc biểu quyết trợ cấp khoản vay 5,2 tỷ USD cho Ai Cập, với lý do lo ngại về tham nhũng và quản trị kém.

Trong khi đó, tại Lebanon - quốc gia mất 2 tỷ USD vì tham nhũng mỗi năm, mặc dù cộng đồng quốc tế đã cam kết gửi hàng triệu USD để nước này hỗ trợ khắc phục thảm họa sau vụ nổ ở Beirut, song, lo lắng về nạn tham nhũng đã khiến một số nước e ngại.

Cả Pháp và Đức đều đưa ra yêu cầu minh bạch khi cung cấp tiền hỗ trợ cho Lebanon. Mỹ, Anh, Canada, Úc cùng một số quốc gia khác cho biết, sẽ chuyển hỗ trợ đến những tổ chức đáng tin cậy như Hội Chữ thập đỏ hoặc các cơ quan của Liên hợp quốc để hỗ trợ Lebanon, không thông qua chính quyền sở tại.

Lo ngại rủi ro, các tổ chức phi lợi nhuận ở Lebanon cũng thành lập liên minh giám sát chi tiêu tiền viện trợ, cảnh báo quốc tế tránh “sa bẫy” tham nhũng.

8. Brazil kết thúc chiến dịch Car Wash

Sau hơn 6 năm triển khai, ngày 7/10/2020, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro bày tỏ vui mừng khi tuyên bố kết thúc cuộc điều tra tham nhũng lớn nhất từ trước đến nay "Operation Car Wash" (tạm dịch "Chiến dịch Rửa xe") do đã "không còn tham nhũng trong Chính phủ".

Brazil bắt đầu thực thi chiến dịch "Operation Car Wash" vào tháng 3/2014. Chiến dịch này đã phanh phui các vụ hối lộ và tham nhũng liên quan đến Tập đoàn Dầu khí quốc gia Pretrobras, một số công ty xây dựng lớn, cũng như hàng loạt chính trị gia. Vụ bế bối đã làm rung chuyển chính trường Brazil và nhiều quan chức hàng đầu nước này bị truy tố, trong đó có 2 cựu Tổng thống Michel Temer và Dilma Rousseff.

Vụ bê bối tham nhũng cũng đã gây ra sự phẫn nộ của dân chúng khi có thời điểm hàng triệu người xuống đường biểu tình chống Chính phủ.

Sau khi chiến dịch nói trên kết thúc không lâu, ngày 24/12/2020, một tòa án ở Rio de Janeiro (Brazil) đã ra lệnh bắt giam Thị trưởng thành phố là ông Marcelo Crivella với cáo buộc “đứng đầu một tổ chức tội phạm” thực hiện các hoạt động nhận hối lộ, tham nhũng và làm lợi bất chính bằng nhiều phương thức.

Điều này cho thấy, sau Car Wash, cuộc chiến chống tham nhũng, tội phạm của Chính phủ Brazil còn cần tới những giai đoạn tiếp theo, với quyết tâm và nỗ lực cao hơn.

9. Lên kế hoạch cho một năm 2021 tươi sáng

Ảnh minh họa: Sheyda Sabetian

Một năm với nhiều khó khăn trôi qua, cũng là lúc người ta hướng tới năm mới dịch bệnh được khống chế và tham nhũng không còn là thách thức.

Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), giữa cuộc khủng hoảng tàn khốc này, các quốc gia có cơ hội hình dung lại những con đường phát triển và xây dựng tương lai tốt hơn.

Chúng ta cần lên kế hoạch cho một năm 2021 tươi sáng, tập trung vào 4 vấn đề: Phục hồi với sự liêm chính; Minh bạch trong quyền sở hữu lợi ích; Công lý thay vì miễn trừ trừng phạt; và Thu hồi tài sản bị mất do tham nhũng.

Tin rằng, khi 4 vấn đề trên được giải quyết, thì một thế giới xanh hơn, hòa nhập và bền vững hơn cho tất cả mọi người không còn là điều xa vời.

Hoài Phương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Viện Trần Nhân Tông trúng thầu giá cao, dù tiết kiệm thấp cho ngân sách

Viện Trần Nhân Tông trúng thầu giá cao, dù tiết kiệm thấp cho ngân sách

(Thanh tra) - Viện Trần Nhân Tông có chuyên môn về Phật học, nhưng vẫn trúng gói thầu Biên soạn và xuất bản Bộ Địa chí huyện Đan Phượng với giá 8,347 tỷ đồng tại huyện Đan Phượng, dù nhà thầu này bỏ giá cao hơn 747 triệu đồng so với đơn vị.. . trượt thầu.

Công Thắng - Phạm Hoa

21:13 11/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm