Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Tăng cường giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng kinh phí của các đơn vị Ngân hàng Nhà nước

Thứ sáu, 18/02/2022 - 07:00

(Thanh tra) - Lập và tổ chức quản lý, điều hành kế hoạch thu nhập, chi phí của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và của các đơn vị, đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm; tiếp tục thực hiện khoán kinh phí hoạt động cho các đơn vị.

Trụ sở NHNN Chi nhánh TP.HCM. Ảnh: https://tapchinganhang.gov.vn

(Tiếp theo kỳ trước)

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU TIẾT KIỆM

1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Thủ trưởng các đơn vị trong ngành Ngân hàng (NH) trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm chỉ đạo thống nhất việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu thực hành tiết kiệm (THTK), chống lãng phí (CLP) năm 2022; xây dựng chương trình, kế hoạch THTK, CLP trong đó xác định các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm cụ thể cho từng lĩnh vực gắn với công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên.

Phân công rõ ràng trách nhiệm cho các đơn vị trực thuộc; đưa kết quả THTK, CLP là tiêu chí đánh giá trong công tác thi đua, khen thưởng và bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai THTK, CLP tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong THTK, CLP

- Thủ trưởng các đơn vị trong ngành NH phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội để đẩy mạnh thông tin, phổ biến pháp luật về THTK, CLP và các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và NHNN có liên quan đến THTK, CLP để tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhằm nâng cao, thống nhất nhận thức, trách nhiệm về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của công tác THTK, CLP đối với mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các cá nhân trong ngành NH.

- Các cơ quan báo chí, truyền thông của NHNN và của các tổ chức tín dụng (TCTD) nêu cao tinh thần trách nhiệm và vai trò trong việc tuyên truyền, vận động về THTK, CLP; tăng cường việc đưa tin, bài cũng như các gương điển hình trong THTK, CLP.

- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tích cực tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức THTK, CLP tại địa phương nơi sinh sống.

- Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình trong THTK, CLP; bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí theo thẩm quyền.

3. Tăng cường công tác tổ chức thực hiện trên các lĩnh vực THTK, CLP, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực sau:

a) Về quản lý, điều hành tài chính

- Lập và tổ chức quản lý, điều hành kế hoạch thu nhập, chi phí của NHNN và của các đơn vị, đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm; tiếp tục thực hiện khoán kinh phí hoạt động cho các đơn vị. Tăng cường giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng kinh phí của các đơn vị NHNN, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh thất thoát, lãng phí như mua sắm, sửa chữa...

- Tiếp tục đổi mới phương thức quản lý chi thường xuyên, tăng cường đấu thầu, đặt hàng, khoán kinh phí, khuyến khích phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước, gắn với tăng cường trách nhiệm của các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước.

b) Về quản lý vốn đầu tư công

- Tổ chức triển khai thực hiện đúng các quy định của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 và các quy định về quản lý, tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng. Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện dự án đầu tư công, bảo đảm phù hợp với thực tế, hạn chế phải điều chỉnh trong quá trình triển khai; kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư của từng dự án.

- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác lựa chọn nhà thầu, quản lý đấu thầu, đẩy mạnh thực hiện đấu thầu qua mạng để giảm bớt chi phí hành chính. Đổi mới, nâng cao vai trò công tác giám sát, đánh giá đầu tư trong hoạt động quản lý đầu tư theo hướng giảm các hoạt động tiền kiểm và tăng cường hậu kiểm. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các giải pháp thiết kế, thi công áp dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng và hạn chế khí thải, góp phần phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

- Xây dựng phương pháp, tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công; gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công; tăng cường phân cấp, phân quyền nhưng phải đảm bảo tính tự chịu trách nhiệm “cá thể hóa” vai trò cá nhân của người đứng đầu trong quản lý, điều hành; có chế tài xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân người đứng đầu trong việc để kéo dài, chậm tiến độ đưa vào sử dụng các dự án đầu tư công gây thất thoát, lãng phí.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hóa trong công tác giám sát, đánh giá đầu tư. Thường xuyên cập nhật Hệ thống thông tin về đầu tư công để lưu trữ các thông tin, dữ liệu liên quan đến việc lập, theo dõi và đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm (trong đó có nội dung giải ngân vốn đầu tư công); lập, thẩm định, phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư công của NHNN.

c) Về quản lý, sử dụng tài sản công

- Tiếp tục thực hiện các quy định nội bộ về quản lý tài sản. Hoàn thành việc ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng theo thẩm quyền để làm cơ sở lập kế hoạch, dự toán, quản lý, bố trí sử dụng, xử lý tài sản công theo đúng quy định.

- Tăng cường công tác giám sát, kiểm soát trong việc quản lý, mua sắm, sử dụng tài sản công tại các đơn vị; kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật liên quan đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền có hành vi vi phạm.

d) Về thực hiện cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập

- Thực hiện có hiệu quả Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Tiếp tục đẩy mạnh tiến độ thực hiện cơ chế tự chủ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh phân cấp và giao quyền chủ động cho các đơn vị sự nghiệp theo hướng phân định rõ việc quản lý Nhà nước với quản trị đơn vị sự nghiệp công lập và việc cung ứng dịch vụ sự nghiệp công; ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật để làm cơ sở cho việc xác định giá dịch vụ sự nghiệp công.

- Đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực, cấp kinh phí cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; chuyển dần từ cơ chế cấp phát theo dự toán sang cơ chế thanh toán theo đặt hàng, nhiệm vụ gắn với số lượng, chất lượng sản phẩm dịch vụ, giá cung cấp dịch vụ và nhu cầu sử dụng; có lộ trình cụ thể thực hiện cơ chế đấu thầu cung cấp dịch vụ, giảm dần phương thức giao nhiệm vụ nhằm tạo sự cạnh tranh bình đẳng trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa dịch vụ sự nghiệp công.

- Đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị đơn vị sự nghiệp đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công, đáp ứng yêu cầu của xã hội.

đ) Về quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp

- Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp nhằm phục vụ quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

- Tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ hiệu quả sử dụng vốn và tài sản Nhà nước của chủ sở hữu tại doanh nghiệp. Thực hiện minh bạch báo cáo tài chính, thông tin tài chính, kinh doanh, điều hành của doanh nghiệp Nhà nước, tăng cường trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Ban điều hành và giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước.

e) Về quản lý lao động, thời gian lao động

- Rà soát, sửa đổi các văn bản hiện hành của NHNN về quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cho phù hợp với các quy định mới của Nhà nước. Hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức theo Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01/6/2020 của Chính phủ, vị trí việc làm viên chức theo Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ làm căn cứ cho việc quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động hiệu quả và làm cơ sở để thực hiện cải cách tiền lương.

- Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động ngành NH.

- Đổi mới mạnh mẽ quy trình, phương thức và thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ trong quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ và tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức, người lao động để thu hút được người có năng lực, trình độ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

(Còn nữa)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm