Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Giải mật” các hợp đồng kinh tế của Chính phủ

Thứ hai, 04/07/2011 - 11:00

(Thanh tra)- Trong nỗ lực thực hiện Chính phủ trong sạch, công khai và minh bạch như đã thỏa thuận với Ngân hàng Thế giới (WB), trên trang web của Bộ Các vấn đề về mỏ Congo vừa đăng tải quyết định của Chính phủ nước này về việc công khai các hợp đồng kinh tế do Chính phủ ký kết với các đối tác. Cụ thể, từ nay Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Congo sẽ công khai tất cả các hợp đồng do Chính phủ ký kết với các đối tác trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực khai thác khoáng sản, dầu khí và tài nguyên rừng.

Người dân Congo lao động cật lực tại các mỏ khai khoáng với tiền công dưới 1USD/ngày để làm giàu cho những “nhóm lợi ích” trong nước và quốc tế.

Ngay sau khi quyết định được công bố, dù vẫn còn hoài nghi về việc thực thi ra sao, nhưng các tổ chức phi Chính phủ, các nhà tài trợ quốc tế và cả những tập đoàn lớn đang muốn làm ăn với Chính phủ Congo đã đánh giá rất cao nỗ lực này của Congo. Tất cả đều cho rằng, Congo cần đẩy mạnh việc công khai, minh bạch những hợp đồng kinh tế lớn của Nhà nước. Trong thời gian tới cần công khai tất cả những hợp đồng kinh tế ở các lĩnh vực, để từ đó người dân Congo có thể kiểm tra, giám sát được những hoạt động kinh tế vĩ mô của Chính phủ, góp phần ngăn chặn nạn tham nhũng ở cả cấp độ cao nhất.

Quyết định lớn
Để Chính phủ Congo có được quyết định này là một quá trình đàm phán căng thẳng giữa Congo và các chuyên gia của WB. Vì trong suốt một thời gian dài vừa qua, WB đã đóng băng tất cả những hoạt động hỗ trợ tài chính cho Chính phủ Congo, bởi nước này thiếu minh bạch trong các lĩnh vực liên quan đến nguồn tài nguyên. Các cuộc đàm phán giữa Congo và WB chủ yếu xoay quanh vấn đề Congo phải có những chính sách cứng rắn để ngăn chặn tham nhũng, phải công khai minh bạch những hợp đồng kinh tế trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, đó là khai thác khoáng sản, dầu mỏ và tài nguyên rừng. Khi những điều kiện này được Congo thực thi nghiêm túc, lúc đó, WB mới đưa Congo trở lại danh sách hỗ trợ để phát triển.

Với quyết định này, có vẻ như Congo đã rút ra được một bài học kinh nghiệm trong việc vừa tăng cường đấu tranh chống tham nhũng lại vừa nhận được sự hỗ trợ phát triển quan trọng từ cộng đồng quốc tế. Không những thế, quyết định trên sẽ giúp Chính phủ đương nhiệm lấy thêm được lòng tin của người dân, củng cố vững chắc đảng cầm quyền để tiến tới cuộc tổng tuyển cử bầu Chính phủ và cơ quan lập pháp dự kiến diễn ra vào tháng 10/2011.

Trước đây, ở Congo, tất cả hợp đồng kinh tế do Chính phủ hoặc các tập đoàn, công ty Nhà nước ký kết đều được xếp vào danh sách tài liệu “tuyệt mật”, chỉ có lãnh đạo đơn vị trực tiếp ký kết, lãnh đạo các bộ và Chính phủ liên quan mới biết được nội dung và giá trị cụ thể của các hợp đồng đó. Chính vì được xếp vào dạng tài liệu “tuyệt mật” nên những hành vi tham nhũng, đẩy giá thành lên cao gấp bội, trốn thuế trong quá trình thực hiện các hợp đồng này cũng diễn ra rất âm thầm, lặng lẽ, không mấy người biết được và nó tồn tại dai dẳng trong suốt nhiều năm qua. Mặc cho Chính phủ liên tục cam kết đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, nhưng khi những hợp đồng kinh tế này không được công khai, minh bạch, thì mọi cố gắng chống tham nhũng của Congo chỉ như là “khẩu hiệu”.

Tuy nhiên, ngày 20/5 vừa qua, Thủ tướng Congo đã ký quyết định công khai các hợp đồng do Chính phủ ký kết, đồng thời chỉ đạo Bộ Các vấn đề về mỏ, Bộ Năng lượng và Bộ Môi trường phải công khai tất cả hợp đồng kinh tế do mình trực tiếp ký kết hoặc do các tập đoàn, doanh nghiệp trực thuộc Nhà nước liên quan đến những lĩnh vực này ký kết với các đối tác trong và ngoài nước trong việc thăm dò và khai thác những tài nguyên nói trên. Các hợp đồng này, ngay sau khi được ký kết, phải được đăng tải công khai trên trang web, trang thông tin của các đơn vị trong thời gian 60 ngày. Ngoài ra, các hợp đồng còn được đăng tải trên các phương tiện truyền thông như truyền hình, phát thanh T.Ư, một số tờ nhật báo lớn phát hành cả nước, trên các báo và tạp chí chuyên ngành và cả các phương tiện truyền thông của địa phương nơi nội dung hợp đồng ký kết được triển khai.

Quyết định của Congo ngay lập tức đã nhận được sự đánh giá tích cực từ phía cộng đồng quốc tế. Nhiều tổ chức phi Chính phủ đánh giá, quyết định này là một sáng kiến tích cực, góp phần kiểm soát và ngăn chặn, hạn chế tình trạng tham nhũng đang xảy ra triền miên ở Congo. Nếu quyết định được thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ thì không chỉ người dân, mà ngay cả cộng đồng quốc tế cũng dễ dàng theo dõi được xem đối tác ký kết với Congo liệu có đủ năng lực cả về chuyên môn và tài chính để ký kết những hợp đồng trị giá lên tới cả tỷ USD.

Từ trước đến nay, danh tính các đơn vị ký kết hợp đồng với Chính phủ Congo thường được giữ kín nên WB và cộng đồng quốc tế gần như không thể kiểm soát được năng lực của những đối tác này, từ đó không kiểm soát được hiệu quả mà nó mang lại. WB đã đưa ra một ví dụ, theo một nguồn tin rất tin cậy cung cấp cho WB, năm 2007, Chính phủ Congo đã ký 1 hợp đồng thăm dò và khai thác mỏ với 1 tập đoàn khai khoáng nước ngoài, giá trị lên tới 9 tỷ USD. Thế nhưng, không hiểu bằng cách nào, đến năm 2009, hợp đồng này được đem ra đàm phán lại. Khi đó, giá trị giảm xuống chỉ còn 6 tỷ USD.

Thách thức cũng không nhỏ
Khi quyết định công khai các hợp đồng kinh tế trong lĩnh vực khai khoáng, dầu mỏ và tài nguyên rừng, Chính phủ Congo cũng tự nhận thấy sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức lớn, điển hình là sự công kích từ những “tập đoàn lợi ích” đang làm ăn với Congo, những tập đoàn phát triển nhanh chóng nhờ vào các hợp đồng béo bở xung quanh việc thăm dò và khai thác nguồn tài nguyên quý giá của nước này.

Congo là quốc gia có diện tích lớn thứ 3 ở châu Phi, cũng là quốc gia lớn về xuất khẩu các sản phẩm từ mỏ và rừng nhiệt đới. Nếu tính theo tỷ lệ diện tích và khối lượng xuất khẩu, Congo đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu các sản phẩm này. Ngoài ra, Congo còn là quốc gia nắm giữ 1/3 trữ lượng coban của thế giới và là nước sản xuất 18% lượng kim cương cung cấp cho thị trường thế giới mỗi năm. Chính vì nguồn tài nguyên quý và giàu trữ lượng như vậy nên đã có không ít tập đoàn kinh tế “đi cửa sau” với các quan chức biến chất, ngày đêm bòn rút nguồn tài nguyên quý giá của Congo, bất chấp đời sống người dân đang ở dưới mức nghèo khổ. Bên cạnh đó, cũng chính vì nguồn lợi nhuận khổng lồ từ việc khai thác mỏ, đặc biệt là khai thác thiếc và tantali (được dùng phổ biến trong ngành công nghiệp điện tử, đặc biệt là điện tử bán dẫn và công nghệ cao) ở khu vực phía Đông Congo, nên những cuộc tranh giành quyền lực đẫm máu diễn ra liên miên, khiến cho hơn 5 triệu người đã chết trong các cuộc xung đột vũ trang.

Là quốc gia giàu tài nguyên, xuất khẩu tài nguyên lớn như thế, nhưng chính vì những hợp đồng kinh tế được ký kết và được “bịt kín” thông tin khiến không ai biết được giá trị thực, lợi ích và hiệu quả của bản hợp đồng đó đối với nền kinh tế nước này như thế nào. Chỉ biết rằng, người dân Congo đang phải sống trong cảnh nghèo đói, bản thân Chính phủ vẫn thường xuyên phải vay nợ quốc tế. Thậm chí, nước này hiện đang nằm trong danh sách những nước nghèo nợ quốc tế nhiều nhất.

Giàu tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản, nhưng một phần do quản lý yếu kém của các cấp chính quyền, mặt khác do các lực lượng phiến quân dùng lợi nhuận thu được từ khoáng sản để trang bị vũ khí nên những cuộc tranh giành quyền lực khai thác khoáng sản diễn ra triền miên giữa các nhóm nổi dậy. Tại Congo, nơi nào tập trung càng nhiều khoáng sản, đặc biệt là những loại khoáng sản quý hiếm, ở đó, đổ máu càng diễn ra nhiều hơn giữa các nhóm xung đột lợi ích. 5 triệu người thiệt mạng trong hơn 1 thập kỷ qua chính là hậu quả đau lòng từ việc tranh giành các nguồn tài nguyên khoáng sản.

Trong khi các nhóm phiến quân tranh giành quyền kiểm soát ở những khu mỏ lớn thì Chính phủ Congo, nhân danh vì sự phát triển của quốc gia, đã ký kết nhiều hợp đồng khai thác tài nguyên với các đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, mọi thông tin về các hợp đồng này, từ trước đến nay, đều được giữ kín, nên việc người dân kiểm soát nguồn thu và việc sử dụng nguồn thu này của Chính phủ như thế nào là gần như không thể. Điều này đã khiến không chỉ người dân Congo mà cả cộng đồng quốc tế đều nghi ngờ có sự “móc nối” giữa Chính phủ với các tập đoàn khai thác, sử dụng bất chính nguồn tài nguyên giá trị của đất nước, tạo điều kiện cho tham nhũng gia tăng, làm suy yếu nền kinh tế chung của quốc gia, đẩy người dân vào vòng nghèo đói.

Hiện nay, dù Congo đã tham gia vào Sáng kiến Minh bạch trong ngành Công nghiệp khai thác (EITI), thế nhưng, việc ứng dụng tính minh bạch trong quản trị nguồn tài nguyên vẫn gần như không thay đổi. Nguồn thu của Chính phủ từ tài nguyên vẫn là tài liệu “tuyệt mật”. Chỉ với quyết định công khai, minh bạch đối với tất cả hợp đồng trong lĩnh vực thăm dò và khai thác tài nguyên, khoáng sản mới phần nào cho thấy cam kết của Chính phủ Congo trong xây dựng thể chế minh bạch, trong sạch đang bắt đầu được tiến hành theo từng bước. Cộng đồng quốc tế, các nhà tài trợ, hỗ trợ phát triển, nhất là WB đang theo dõi chặt chẽ những cố gắng, nỗ lực của Congo trong quá trình công khai hóa các nguồn thu và sử dụng tài chính nhằm xây dựng một Chính phủ trong sạch, công khai và minh bạch. Chỉ khi Congo thực hiện nghiêm túc những cam kết với cộng đồng quốc tế, WB mới xem xét việc hỗ trợ phát triển trở lại nhằm giúp người dân nước này thoát khỏi nạn nghèo đói, chấm dứt xung đột dai dẳng giữa các nhóm phiến quân, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào và quý giá để giúp tái thiết và phát triển bền vững.

Song Minh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024
Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

(Thanh tra) - Ngày 3/12, tại Trung tâm Hội nghị huyện Văn Yên, Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Huyện ủy Trấn Yên và Huyện ủy Văn Yên tổ chức lớp bồi dưỡng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2024. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong các huyện của tỉnh Yên Bái, đồng thời, tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, và cải cách tư pháp.

Bùi Bình

17:18 03/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm