Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 03/07/2012 - 10:25
(Thanh tra) - Ngòi bút sắc bén, những bài viết công phu và đặc biệt là «không sợ chết» đã đưa nữ nhà văn, nhà báo người Mexico Anabel Hernandez đến với Giải thưởng Cây bút vàng Tự do năm 2012.
Nữ phóng viên Anabel Hernandez
Giải thưởng được trao tặng nhằm vinh danh Anabel Hernandez vì những phóng sự điều tra của cô đã vạch trần nạn tham nhũng và lạm dụng quyền lực của giới quan chức, chính trị gia ở Mexico, cũng như đưa ra ánh sáng những ngóc ngách trong mối quan hệ mờ ám nhưng rất khăng khít giữa các tổ chức tội phạm với các cấp chính quyền.
Tại lễ trao giải thưởng ở TP Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất - UAE), đại diện Hiệp hội Báo chí và Xuất bản tin tức Thế giới (WAN-IFRA, đơn vị tổ chức giải thưởng) đã nhấn mạnh: Mexico là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất trên thế giới đối với các phóng viên, nhà báo tác nghiệp. Đó là quốc gia mà bạo lực và sự thiếu trừng phạt tiếp tục là những vấn đề lớn đối với tự do báo chí. Thông qua việc trao giải cho Anabel Hernandez, người đã dũng cảm, dám đương đầu với các băng đảng tội phạm khét tiếng để vạch trần những việc làm xấu xa của chúng, giải thưởng là một cách để động viên, cổ vũ cho sự phát triển xu hướng báo chí điều tra có chất lượng và không bị hạn chế ở Mexico.
WAN-IFRA cũng cho rằng, giải thưởng như một thông điệp gửi tới Chính phủ Mexico rằng, hơn lúc nào hết, cần tăng cường nhiều hơn nữa những cố gắng nỗ lực để bảo vệ nhà báo, phóng viên cũng như chấm dứt tình trạng không xét xử đối với các băng đảng tội phạm. Cần chấm dứt tình trạng cổ vũ tự do báo chí thông qua biện pháp «thủ tiêu» các phóng viên, nhà báo.
«Hiệp ước ma quỷ»
Năm 2000, bố của nữ phóng viên Anabel Hernandez đã bị bắt cóc và bị thủ tiêu. Không những thế, các điều tra viên cảnh sát đã nói thẳng với gia đình cô rằng, họ sẽ không điều tra vụ án mạng này nếu không có «đủ số tiền cần thiết».
Cái chết tức tưởi của cha và sự thờ ơ đến vô cảm, sự tha hóa biến chất của lực lượng cảnh sát đã khiến nữ nhà văn, nhà báo Anabel Harnamdez quyết tâm quay trở lại làm công việc mà cô rất yêu thích là viết phóng sự điều tra.
Trước đó, Anabel Hernandez từng làm việc ở nhiều tòa soạn báo, trong đó có những tờ nhật báo nổi tiếng ở Mexico như Reforma, Milenio, El Universal và cả tờ chuyên viết điều tra là La Revista (hiện đã đổi tên thành Eme-Equis).
Sau biến cố của gia đình, Anabel Hernandez quyết định quay trở lại nghề phóng viên - một trong những nghề được coi là nguy hiểm nhất Mexico. Và, cô đã đầu quân cho một tờ báo trực tuyến nổi tiếng với những phóng sự điều tra dài kỳ, đó là báo điện tử Reporte Indigo.
Trong sự nghiệp viết báo của mình, Anabel Hernandez đã nhanh chóng ghi danh mình vào hàng ngũ những tên tuổi nhà báo, phóng viên viết phóng sự điều tra mà mỗi khi nhắc đến, bất kỳ phóng viên, biên tập viên nào cũng đều «ngả mũ bái phục».
Còn nhớ, năm 1994, một phóng sự dài kỳ của Anabel Hernandez lần đầu tiên được đăng tải trên tờ Tepito đã gây chấn động TP Mexico (Thủ đô, nằm ở miền Trung Nam Mexico). Trong loạt bài viết, cô đã vạch trần cả một đường dây ma túy, được coi là đường dây huyết mạch trong nguồn cung cấp ma túy từ TP này đổ về khắp các tỉnh, thành khác. Loạt bài viết của Anabel Hernandez đã chỉ ra rằng, heroin và cần sa được bán nhan nhản khắp các hang cùng ngõ hẻm. Giới quan chức và các chính trị gia của TP luôn có mối quan hệ chặt chẽ với các băng đảng ma túy. Tình trạng bạo lực diễn ra triền miên giữa thanh thiên bạch nhật. Thế nhưng, chẳng hiểu vì sao, các cấp chính quyền, các lực lượng chức năng luôn thường trực câu trả lời : Không thấy gì! Kết thúc loạt phóng sự điều tra này, phóng viên Anabel Hernandez đã lý giải cho tình trạng «không thấy gì» như sau: Từ lâu nay, giới chức TP, kể cả các chính trị gia đại diện cho Chính phủ ở TP này đã đặt bút ký «hiệp ước với quỹ dữ».
Hơn một thập kỷ sau, vào năm 2005, Nhật báo El Universal đã cử Anabel Hernandez đi viết bài điều tra về một hiện tượng đang gây nhức nhối xã hội. Đó là tình trạng trẻ em bị đối xử như nô lệ, bị buộc phải tham gia vào công việc gieo trồng cần sa và cây thuốc phiện trong những cánh đồng rộng lớn ở khu vực phía Bắc, gần với biên giới Hoa Kỳ.
Anabel Hernandez kể lại: Ở thời điểm đó, những băng nhóm tội phạm chẳng quan tâm tôi là ai, đó cũng là điều may mắn giúp tôi thâm nhập được sâu vào đội quân những trẻ đi trồng cần sa, thuốc phiện. Sau khi có đầy đủ tư liệu, tôi đã viết loạt bài điều tra. Đến lúc này, các băng đảng mafia mới bị «sốc». Trong loạt bài viết của tôi không có cảnh những đứa trẻ làm việc và bị bóc lột như nô lệ. Nhưng, ở những nơi lũ trẻ đang làm, thuốc phiện là thứ duy nhất giúp chúng thoát khỏi cảnh khốn cùng. Và, có một điều kỳ lạ là, tất cả lũ trẻ này, đứa nào cũng muốn trở thành kẻ cầm đầu. Không hiểu bị nhồi nhét gì vào đầu mà chúng làm việc cật lực chỉ với một ước mong duy nhất: Đến một ngày nào đó, chúng sẽ trở thành những tay trùm mafia khét tiếng Mexico như Beltran Leyva, Aureliano Felix, Chapo Guzman.
Sau loạt phóng sự, tên tuổi của Anabel Hernandez đã xuất hiện trong «danh sách đen» của các băng đảng tội phạm. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, cô không còn nhiều bài viết gây chấn động nữa. Mọi người đều nghĩ rằng, chắc Anabel Hernandez bị đe dọa nhiều quá nên đã từ bỏ viết những bài điều tra.
Tuy nhiên, trên thực tế, kể từ sau khi thâm nhập và có được những tư liệu về «dây chuyền khép kín» từ gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và buôn bán ma túy của những băng đảng ma túy, Anabel Hernandez đã phát hiện ra một đường dây ma túy «cỡ bự». Từ đó, cô âm thầm, lặng lẽ thu thập tài liệu, chứng cứ, hình ảnh để chuẩn bị cho một tác phẩm đặc biệt của mình. Để rồi, sau nhiều năm «thai nghén», mới đây, Anabel Hernandez đã chính thức xuất bản cuốn sách không chỉ gây chấn động cho các băng đảng mafia, trong đó có băng đảng của bố già khét tiếng Chapo Guzman, mà còn gây chấn động chính trường Mexico.
Với nhan đề «Los Senores del Narco» (tiếng Tây Ban Nha, tạm dịch là «Những kẻ buôn ma túy», được Nhà xuất bản Random House Mondadori Mexico phát hành), cuốn sách miêu tả chi tiết mối quan hệ mật thiết giữa các tổ chức tội phạm và những quan chức cao cấp, những chính trị gia, những cảnh sát trưởng, những sĩ quan quân đội và cả những quan chức lãnh đạo trong các lĩnh vực kinh tế và tài chính. Ngay sau khi cuốn sách được xuất bản, Anabel Hernandez đã nhận được rất nhiều lời đe dọa thủ tiêu.
Phát biểu tại buổi giới thiệu cuốn sách, Anabel Hernandez nói: «Im lặng đã nuôi dưỡng tham nhũng. Nếu những nhà báo, phóng viên cùng thế hệ như tôi mà im lặng, không nói nữa và dừng viết các bài điều tra, điều đó có nghĩa là, họ cũng đồng lõa với các tổ chức tội phạm. Như vậy, dù họ có giỏi đến mấy, dù họ chẳng liên quan gì tới các băng đảng mafia, nhưng họ vẫn bị lên án là hèn nhát, là quỳ gối trước mặt tội phạm, trước mặt tham nhũng. Tôi hy vọng mình vẫn tiếp tục được sống và sẽ không bao giờ làm những điều như vậy».
Trong cuốn sách «Los Senores del Narco», nữ phóng viên Anabel Hernandez đã lật tẩy bộ mặt thật của trùm ma túy Joaquin Guzman, còn được gọi với biệt danh Chapo bởi dáng người nhỏ thó. Từ lâu nay, ai cũng biết Chapo Guzman là một trùm ma túy khét tiếng núp bóng dưới vỏ bọc của một doanh nhân thành đạt và được chính quyền liên bang «bảo vệ». Với 588 trang, «Los Senores del Narco» đã cho thấy những mối quan hệ bí mật giữa trùm ma túy Chapo Guzman với giới chức cầm quyền Mexico. Cuốn sách đã đập thẳng vào những băng đảng tội phạm cũng như xé tan những «bức màn» chính quyền đang «che chở» cho chúng. Cuốn sách khiến đa phần người dân Mexico rất hả hê, bởi đã nói được những điều họ biết rất rõ nhưng không dám nói, đó là các quan chức chính quyền ở đất nước mình từ lâu nay đã hình thành một «hiệp ước với quỷ dữ».
Trong cuốn sách, Anabel Hernandez đã đưa ra nhiều chứng cứ để lý giải cho những câu hỏi như: Làm thế nào để giải thích được sự thăng tiến, thành đạt một cách nhanh chóng, bất ngờ của người con trai một nông dân mù chữ ở Sinaloa? Vì sao một người chưa bao giờ biết đến trường học là gì lại có thể trở thành một doanh nhân thành đạt, giàu có?... Tất cả chỉ có thể có được nhờ... ma túy!
Thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua cuốn sách, được chính tác giả bộc bạch: «Qua câu chuyện về trùm ma túy Chapo, người ta có thể thấy được sự gia tăng mức độ nguy hiểm của ma túy như thế nào. Ma túy đã biến nhiều quan chức chính quyền trở thành «đối tác» của các băng đảng mafia. Thậm chí, ở nhiều nơi, chính quyền còn trở thành tay sai cho các băng đảng mafia. Chính ma túy đã làm cho nhiều cấp chính quyền trở nên tham nhũng, rỗng ruột. Trước tình trạng này, cần phải có những biện pháp phản ứng khẩn cấp ngay trước khi quá muộn».
Cuốn sách được xuất bản cũng là lúc mà tác giả tự đặt cuộc sống của mình vào tình thế mong manh.
(Còn tiếp)
Song Minh
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ngày 3/12, tại Trung tâm Hội nghị huyện Văn Yên, Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Huyện ủy Trấn Yên và Huyện ủy Văn Yên tổ chức lớp bồi dưỡng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2024. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong các huyện của tỉnh Yên Bái, đồng thời, tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, và cải cách tư pháp.
Bùi Bình
17:18 03/12/2024Bùi Bình
09:05 29/11/2024Công Thắng - Phạm Hoa
21:13 11/11/2024Hương Giang
20:28 11/10/2024Lê Phương
10:00 23/08/2024Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà